Thanh Hóa: Bị tuyên án 5 năm tù vẫn trúng thầu

07:04 | 26/05/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Gói thầu có giá trị 5.884.385.000 đồng được Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh phê duyệt cho Công ty Hưng Phúc An - doanh nghiệp có người đại diện pháp luật tại thời điểm dự thầu đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Một gói thầu kì lạ

Điều kì lại thứ nhất là chủ đầu tư thay vì lựa chọn nhà thầu tiết kiệm cho ngân sách 563 triệu đồng, thì lại chọn doanh nghiệp chỉ tiết kiệm cho ngân sách vỏn vẹn 11 triệu đồng.

Cụ thể, gói thầu có giá trị 5.884.385.000 đồng, do UBND huyện Lang Chánh (Thanh Hoá) làm Chủ đầu tư và Bên mời thầu là Ban QLDA Đầu tư Xây dựng huyện Lang Chánh.

Theo Biên bản mở thầu ngày 02/01/2021, có 02 nhà thầu tham gia dự thầu gói thầu trên. Trong đó, doanh nghiệp được xếp hạng thứ nhất về giá tiết kiệm cho ngân sách nhà nước với số tiền hơn 563 triệu đồng so với giá gói thầu đưa ra đã bị loại.

Đơn vị xếp thứ hai là Công ty Cổ phần xây dựng thương mại Hưng Phúc An chỉ tiết kiệm cho ngân sách nhà nước số tiền gần 11 triệu đồng so với giá trị gói thầu, lại được chọn là đơn vị trúng thầu.

Điều kì lạ thứ 2 là ở gói thầu này, là Ban quản lý dự án huyện Lang Chánh bất ngờ hạ tiêu chí đánh giá năng lực từ việc báo cáo tài chính trong 3 năm của nhà thầu xuống còn 1 năm.

Nhờ vậy, Công ty Cổ phần xây dựng thương mại Hưng Phúc An đã đủ điều kiện được tham dự thầu, vì công ty này mới chỉ thành lập tháng 10/2018. Liệu đây có là dấu hiệu “đẽo chân cho vừa giầy” tạo điều kiện để nhà thầu Hưng Phúc An lách qua hàng rào kĩ thuật để tham gia và trúng thầu.

Điều kì lạ thứ 3 là việc BQL dự án đã “xé luật” để chấm trượt thầu nhà thầu được xếp số 1 về giá. Đơn vị tư vấn đánh giá nhà thầu này không đạt tiêu chí về thiết bị thi công.

Cụ thể, nhà thầu không chứng minh được máy ủi Komatsu D58 thuộc sở hữu của mình. Trong khi, trước thời điểm đơn vị tư vấn đưa ra đánh giá vô lý này chưa hề gửi bất kỳ văn bản, hay tài liệu nào để yêu cầu nhà thầu làm rõ về thiết bị trên.

Cụ thể, để làm rõ hồ sơ mời thầu, ngày 5/1/2021, BQL dự án Lang Chánh có văn bản số 01/VB-QBLDA về việc làm rõ E-HSDT của nhà thầu. Theo đó BQL dự án đề nghị nhà thầu bổ sung chứng chỉ hành nghề của nhân sự chủ chốt và xác nhận của chủ đầu tư về kinh nghiệm của Chỉ huy trưởng công trình.

Đồng thời văn bản này cũng yêu cầu doanh nghiệp bổ sung tài liệu chứng minh liên quan đến 2 thiết bị ô tô ben tự đổ mà doanh nghiệp đã kê khai.

Nhận được văn bản, ngày 12/1/2021, nhà thầu đã có văn bản số 313CV/NK bổ sung các tài liệu liên quan mà Bên mời thầu yêu cầu.

Thanh Hóa: Bị tuyên án 5 năm tù vẫn trúng thầu - ảnh 1

UBND huyện Lang Chánh - Bên mời thầu của dự án “Xây dựng nhà lớp học 2 tầng 6 phòng và các hạng mục phụ trợ Trường Tiểu học Tân Phúc”

Trong khi Bên mời thầu yêu cầu doanh nghiệp cung cấp tài liệu một đằng, thì cũng chính đơn vị này đã đã hành xử một nẻo khi “bí mật” gửi văn bản số 05/VB-BQLDA ngày 4/1/2021 đề nghị Sở Giao thông vận tải tỉnh Thanh Hóa xác định thông tin 2 máy chuyên dùng, cụ thể là máy ủi nhãn hiệu Komatsu và máy đào bách xích nhãn hiệu Hitachi.

Việc làm này là vi phạm Khoản 5 và Khoản 7, Điều 15 Thông tư số 04/2017/TT – BKHĐT ngày 15/11/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Điều khoản này quy định đối với các nội dung về năng lực và kinh nghiệm, việc đánh giá E-HSDT được thực hiện trên cơ sở các thông tin nhà thầu kê khai trong E-HSDT mà không yêu cầu nhà thầu phải đính kèm tài liệu chứng minh. Trường hợp cần làm rõ E-HSDT thì Bên mời thầu và nhà thầu tiến hành làm rõ trên E-HSDT trực tiếp trên hệ thống.

Cách làm này của bên mời thầu không khác gì “bức thầu” đối với nhà thầu tham dự. Điều này không chỉ vi phạm Thông tư 04/2017 của Bộ KHĐT, mà kết luận dựa trên văn bản của Sở GTVT là vội vàng, chưa đúng bản chất vấn đề.

Bởi vì, theo tài liệu mà phóng viên có được, thì nhà thầu có hợp đồng mua bán đã được công chứng, hóa đơn đỏ về việc mua bán thiết bị nhưng chưa kịp làm thủ tục sang tên đổi chủ. Như vậy, khả năng huy động thiết bị, xe máy để thi công của nhà thầu là hoàn toàn khả thi.

Bị tuyên án 5 năm tù vẫn trúng thầu

Điều kì lạ nhất là doanh nghiệp Hưng Phúc An do Trịnh Anh Tuấn, người đại diện theo pháp luật được Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh “chọn mặt gửi vàng” ở gói thầu này, lại là đối tượng... đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, ngày 20/8/2020, Tòa án Quân sự Quân khu 4 (nay là Tòa án quân sự Khu vực 1) có Bản án hình sự số 03/2020 kết án bị can Trịnh anh Tuấn và đồng bọn về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”, tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong đó, bị cáo Trịnh Anh Tuấn bị xử phạt 5 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, cấm đảm nhiệm chức vụ liên quan đến kinh tế 2 năm kể từ ngày chấp hành xong án phạt tù. Ngày 28/1/2021, Tòa án Quân sự Trung ương bác đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh anh Tuấn, giữ nguyên hình phạt của án sơ thẩm.

Thanh Hóa: Bị tuyên án 5 năm tù vẫn trúng thầu - ảnh 2

Trịnh Anh Tuấn khi bị đọc lệnh bắt về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” và tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”

Thế nhưng, chỉ hơn 10 ngày trước phiên xét xử phúc thẩm, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh là ông Nguyễn Xuân Hồng có Quyết định số 63, ngày 15/1/2021, phê duyệt nhà thầu Hưng Phúc An trúng thầu gói thầu nêu trên. Sau đó, Giám đốc BQL dự án huyện Lang Chánh là ông Phạm Hồng Sâm đã đứng ra thương thảo, kí hợp đồng kinh tế với đối tượng Trịnh Anh Tuấn, đại diện nhà thầu Hưng Phúc An để thi công gói thầu này.

Điểm e, Khoản 2, Điều 18 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định: “Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng” không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Như vậy, chiếu theo Luật đấu thầu thì nhà thầu Hưng Phúc An đã vi phạm nhóm điều kiện số 1, trước đây được gọi là điều kiện tiên quyết để tham gia dự thầu.

Câu hỏi đặt ra là hợp đồng mà Giám đốc BQL dự án Lang Chánh - ông Phạm Hồng Sâm ký với bị cáo, Giám đốc Trịnh Anh Tuấn có giá trị pháp lý hay không? 

Doanh nhân Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.                                                                                                        

Thiên Trường - Cẩm Kỳ

Xem thêm: Quảng Bình: Doanh nghiệp “tố” bị làm khó khi mua hồ sơ mời thầu


ĐỌC NHIỀU