Đó là quan điểm của ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa. Nhân dịp này, Doanh nhân Việt Nam đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với ông về những vấn đề đặt ra xung quanh việc thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về cơ chế đặc thù cho tỉnh Thanh Hoá.

-Ông đánh giá như thế nào về việc Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua cơ chế đặc thù cho Thanh Hóa trong kì họp lần này?

-Từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 58 về việc phát triển toàn diện kinh tế xã hội tỉnh ta với cơ chế đặc thù đã xác định Thanh Hóa là một trong 4 cực tăng trưởng ở phía Bắc. Có thể nói Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị là vô cùng quan trọng, chưa từng có, đây là một bước ngoặt có tính lịch sử đối với Thanh Hóa. Điều này đã làm lan tỏa tinh thần, khát vọng trong Đảng bộ tỉnh ta, tạo không khí thi đua, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân. Việc xác định Thanh Hóa là một cực tăng trưởng mới, dứt khoát Trung ương sẽ tạo cơ chế và đầu tư mạnh mẽ để biến Nghị quyết thành hiện thực mà chúng ta hay nói là đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Đây là tiền đề đặc biệt để Thanh Hóa phát huy hết tiềm năng, huy động tất cả các nguồn lực, nhất là nguồn lực nội tại để đưa Thanh Hóa bước trên con đường hướng tới khát vọng thịnh vượng.

Tiếp sau Nghị quyết của Bộ Chính trị, theo quy trình, Chính phủ sẽ giao các bộ, ngành soạn thảo, lấy ý kiến rộng rãi trước khi hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua. Trước đó, chắc chắn Thanh Hóa phải chủ động xây dựng đề xuất với Chính phủ, với Bộ KHĐT và các bộ ngành Trung ương về các cơ chế chính sách mang tính đặc thù. Việc đưa Thanh Hóa thực hiện thắng lợi Nghị quyết 58 đã được ghi trong văn kiện tỉnh Đảng bộ. Thường vụ Tỉnh ủy, thường trực ủy ban đã ban hành nhiều văn bản để triển khai nghị quyết tỉnh Đảng bộ. Trên cơ sở đề xuất của Thanh Hóa, Trương ương sẽ nghiên cứu, cân nhắc, bổ sung để hoàn thiện một cách thận trọng, bài bản trước khi trình Quốc hội. Đây là kết tinh trí tuệ của cả Trung ương và địa phương, là sự kết hợp thận trọng, khoa học giữa thực tiễn địa phương và tầm nhìn vĩ mô của Trung ương.

Ở đây, chúng ta cần phải bàn tới việc tại sao lại gọi đây là cơ chế đặc thù? Bởi vì, đặc thù là nó mang tính cá biệt. Cơ chế này chỉ phù hợp và dành riêng cho Thanh Hóa, không thể áp dụng đại trà cho tất cả các địa phương. Có thể nói đây là cơ hội ngàn năm có một đối với Thanh Hóa. Chưa bao giờ Trung ương có một cơ chế đặc thù cho Thanh Hóa. Điều đó thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội đôí với Thanh Hóa. Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước nhìn thấy tiềm năng to lớn của Thanh Hóa, đủ điều kiện để phát triển vượt bậc trong tương lai. Thanh Hóa là địa phương đất rộng, người đông, truyền thống văn hóa, lịch sử hào hùng nhưng chưa được phát huy đầy đủ. Bên cạnh đó, Trung ương cũng nhìn thấy cơ sở vững chắc cho việc hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của tỉnh Thanh. Việc phát triển của Khu kinh tế Nghi Sơn trong những năm qua chính là một minh chứng rõ ràng cho nhận định này. Nếu được quan tâm, đầu tư đúng mức Thanh Hóa còn có nhiều Nghi Sơn trong tương lai. Từ điểm nhấn Nghi Sơn, kinh nghiệm, bài học thành công đã có sẵn công thức để phát triển thêm nhiều khu công nghiệp tập trung. Đó là điều mà Trung ương tin tưởng để đặt trọn vẹn niềm tin vào Thanh Hóa. Mặt khác, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương chúng ta cũng không thể không ghi nhận nỗ lực, phấn đấu, mang đến những sự đổi thay từng ngày, từng giờ trên mảnh đất quê hương Thanh Hóa. Việc cần có một “tấm áo mới” phù hợp hơn với kích thước mới của nền kinh tế địa phương là một yêu cầu cấp thiết mà thực tiễn cuộc sống đặt ra. Có thể nói, cơ chế đặc thù, được “đo ni đóng giày” mang tính cá biệt và phù hợp là phù hợp với quy luật phát triển tất yếu trong giai đoạn hiện nay của tỉnh ta.

Chúng ta cũng có thể khẳng định, cơ chế này là đòi hỏi của hiện thực khách quan để phát huy mạnh mẽ những tiềm năng của Thanh Hóa. Nếu như không có cơ chế đặc thù thì Thanh Hóa vẫn đi lên nhưng ở mức độ vừa phải, “tằng tằng”, năm sau cao hơn năm trước như lâu nay. Việc Chính phủ, quốc hội ban hành cơ chế hiện thực hóa Nghị quyết 58 của Bộ Chính trị đòi hỏi chính quyền và nhân dân Thanh Hóa phải nỗ lực hơn nữa, gấp đôi, gấp ba để tốc độ phát triển mang tính đột phá, bước ngoặt. Điều quan trọng nhất là thay đổi nhận thức, ý chí, khát vọng làm giàu, vươn lên, thịnh vượng trong cả hệ thống chính trị, lan tỏa đến từng người dân.

-Ông đánh giá như thế nào về việc Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến thông qua cơ chế đặc thù cho Thanh Hóa trong kì họp lần này?

-Tôi khẳng định lại một lần nữa, cơ chế đặc thù sẽ có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế xã hội của Thanh Hóa. Điều quan trọng nhất là nó tạo lập được một thể chế phù hợp. Ngày xưa, cơ chế “xin, cho” thì việc ủng hộ về tài chính, tiền bạc là quan trọng nhưng thời đại hiện nay, sự ủng hộ, cởi trói, cởi mở về thể chế là quan trọng nhất, nó mang tính đặc thù, cá biệt của địa phương. Đảng, nhà nước ta cũng xác định xây dựng thể chế là nhiệm vụ quan trọng trong sự phát triển của đất nước. Từ sự cởi mở về thể chế, tỉnh ta có điều kiện để phát huy hết nội lực của mình. Tôi lấy ví dụ về tác động tích cực, nhảy vọt trong sản xuất nông nghiệp khi có cơ chế khoán 10, khoán 100 ra đời. Cũng mảnh đất ấy, cũng con người ấy nhưng khi được cởi trói về thể chế thì kết quả thu về hoàn toàn khác biệt, tạo ra bước đại nhảy vọt. Đất nước ta từ chỗ thiếu đói nhung khi có cơ chế khuyến khích đúng đắn đã vươn mình thành cường quốc xuất khẩu gạo và một số mặt hàng nông sản hàng đầu thế giới. Đây là điều quý nhất, thể chế đúng và trúng sẽ tạo ra động lực để phát huy tối đa tiềm năng, sức mạnh của tài nguyên và con người.

Từ thể chế đúng, con người sẽ có điều kiện, có “đất” để phát huy hết tiềm năng, tiềm lực lâu nay còn tiểm ẩn. Nó “đánh thức” khát vọng và tư duy hành động của người dân. Có thể chế, người Thanh Hóa sẽ “bung ra” làm kinh tế. Lâu nay người Thanh Hóa vốn có rất nhiều hộ gia đình, cá nhân có tiềm lực tài chính nhưng thay vì đầu tư sản xuất họ thường chọn kênh đầu tư vào vàng, bất động sản hoặc gửi ngân hàng. Nhiều người còn nặng nề tâm lý “giàu thì ghét, nghèo thì khinh, quá thông minh thì không sử dụng”. Bây giờ có thể chế phù hợp, họ sẽ mạnh dạn đầu tư cho sản xuất, làm ra của cải xã hội, thúc đẩy kinh tế phát triển. Mặc cảm “giàu thì ghét, nghèo thì khinh, quá thông minh thì không sử dụng” sẽ bị gạt bỏ, thay thế bằng tâm thế, khát vọng làm giàu chính đáng. Tâm lý sợ bị bóp chẹt, thích sự an toàn sẽ dần bị đào thải khỏi tâm trí mọi người. Tâm lý đó nó kiềm chế sự phát triển. Cởi trói trong thể chế làm làm thay đổi tư duy, khát vọng làm giàu, phát huy hết nhân lực, vật lực vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội.

Một tài nguyên khác cũng cần đặc biệt lưu ý đó là truyền thống văn hóa lâu đời của tỉnh. Thanh Hóa rất giàu có về văn hóa, lịch sử, cần phải nhìn nhận đúng, truyền thống văn hóa cũng chính là tiền. Biết phát huy đúng giá trị văn hóa truyền thống cũng là cách tạo ra của cải xã hội.

Việc Trung ương thông qua Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho Thanh Hóa cũng là cơ hội thuận lợi để củng cố hệ thống chính trị, đội nghĩ cán bộ và củng cố khát vọng trong từng người dân. Để đáp ứng việc vận hành thể chế đặc thù Thanh Hóa phải xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, thôi thúc lan tỏa khát vọng thịnh vượng trong cộng đồng dân cư.

Trên bình diện cá nhân, tôi nhận thấy đó là 4 vấn đề cốt lõi có ý nghĩa đặc biệt mà cơ chế đặc thù mang lại cho Thanh Hóa.

-Không phải cứ có cơ chế đặc thù thì đương nhiên kinh tế xã hội sẽ phát triển vượt bậc. Thanh Hóa cần chuẩn bị và và vận dụng linh hoạt như thế nào để cơ chế này phát huy tối đa ý nghĩa tích cực của nó?

-Tôi hoàn toàn đồng ý với cách đặt vấn đề của anh. Không phải có cơ chế đặc thù thì kinh tế xã hội sẽ có bước phát triển vượt bậc. Muốn có thành quả chúng ta phải có chiến lược, bước đi rõ ràng và hành động, vào cuộc quyết liệt. Theo tôi có44 điểm quan trọng mà tỉnh Thanh Hóa phải xây dựng, chuẩn bị và từng bước hiện thực hóa điều đó.

Thứ nhất, phải xây dựng, hoàn thiện các văn bản, quy định để phát huy sức mạnh toàn thể chế, xây dựng kế hoạch hành động chi tiết, cụ thể, thiết thực, khoa học cho từng địa phương trong tỉnh. Từ kế hoạch đó triển khai bài bản, quyết liệt, sát với tình hình thực tiễn từng huyện, từng xã. Những quy định, văn bản đó phải được triển khai thông suốt từ tỉnh tới từng xã, phường. Từng cấp, từng ngành phải có quy định, thể chế riêng.

Thứ hai, khi đã có thể chế, quy định thì phải có người thực hiện. Con người luôn là nhân tố quyết định. Có đường lối đúng, trúng thì phải có con người phù hợp. Phải chọn được con người phù hợp, đặt đúng vị trí mới phát huy được năng lực, mới mang lại kết quả mong muốn. Phải quyết đoán, mạnh mẽ thay thế những con người chưa phù hợp. Tình hình mới, đòi hỏi mới phải có con người thực thi nhiệm vụ mới, có chuyên môn và kinh nghiệm trong lĩnh vực mình phụ trách. Cán bộ tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng nhưng không có kinh nghiệm, chuyên môn phù hợp cũng không thể phát triển. Không phải cứ có quyết tâm, cứ hô khẩu hiệu, có lòng dũng cảm mà đã mang lại thành công. Đối với những cán bộ không đủ chuyên môn, kinh nghiệm phải thay thế ngay, vừa đỡ khổ cho họ, vừa đỡ khổ cho dân. Ở đây trách nhiệm người đứng đầu vô cùng nặng nề. Người đó phải có khát vọng, có phương pháp, chuyên môn, năng lực và phẩm chất đạo đức hội tụ mới có thể hoàn thành nhiệm vụ.

Thứ ba, phải huy động toàn dân, toàn hệ thống chính trị vào cuộc. Phải xây dựng từ người dân, từ cơ sở khát vọng mới. Nếu tỉnh cứ hô hào mà người dân, doanh nghiệp đứng ngoài cuộc thì kế hoạch, nhiệm vụ có hay đến đâu đi nữa cũng không thể cho kết quả tốt. Làm sao để người dân, doanh nghiệp phải chủ động vào cuộc, tích cực đầu tư cho sản xuất. Nếu chúng ta chỉ chăm chăm đầu tư vào vài khu công nghiệp thì tỉnh báo cáo về tốc đọ phát triển GNDP, thu ngân sách vẫn hoành tráng nhưng người dân vẫn thiếu đói, vẫn nghèo thì điều đó không có ý nghĩa thực chất. Số liệu báo cáo hoành tráng mà dân khổ thì vô nghĩa. Chúng ta không thể bao cấp cho dân như các nước giàu có khác mà phải làm sao để người dân tích cực vào cuộc, đầu tư, sản xuất, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Thứ tư, chúng ta phải tăng cường công tác kiểm tra giám sát. Từ đó phát hiện kịp thời các điểm nghẽn. Có điểm nghẽn phải xử lý ngay. Từ việc xử lý đó cần tổng kết, rút kinh nghiệm. Tôi thấy việc các đồng chí lãnh đạo tỉnh xử lý công việc, quyết sách đến thị sát thực tế, đưa ra phương án giải quyết kịp thời trong việc phòng chống đại dịch COVID-19 rất ấn tượng và hiệu quả. Chúng ta cần tinh thần đó trong việc thực thi thể chế mới, xây dựng Thanh Hóa giàu đẹp hơn, trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc.

-Nhiều người lo ngại cơ chế đặc thù sẽ dễ biến tướng thành đặc quyền. Theo ông, làm sao để đặc thù không trở thành đặc quyền để một số người nắm giữ chức vụ lợi dụng, ban phát cho các doanh nghiệp sân sau, thân hữu?

-Đây là một câu hỏi khó vì nó tương đối tế nhị và dễ đụng chạm. Tuy nhiên chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế. Điều này không phải là hiếm hay hy hữu trong diễn biến cuộc sống. Thực tế việc này đã xảy ra tương đối phổ biến ở nhiều địa phương, nhiều cấp, nhiều ngành. Vì thế, khi có cơ chế đặc thù chúng ta phải lường trước để hạn chế một bộ phận cán bộ, người có chức, có quyền biến đặc thù thành đặc quyền, đặc lợi, “biến của công thành của ông”. Hiện tượng sân trước, sân sau, doanh nghiệp thân hữu, tiêu cực tham nhũng khi có cơ chế đặc thù để ban phát cho nhóm lợi ích cần phải lường trước và ngăn chặn nó một cách có hiệu quả. Theo tôi, để ngăn chặn điều này chúng ta cần làm tốt những điểm mấu chốt sau đây.

Thứ nhất, chúng ta phải phát huy 6 chữ vàng “dân chủ - công khai – minh bạch”. Thực tế cho thấy, ở đâu thực sự có dân chủ, công khai, minh bạch ở đó hầu như không có tiêu cực. Cái này nói thì dễ nhưng làm thì khó, nhưng nếu có sự quyết tâm không phải chúng ta không thực hiện được.

Thứ hai, chúng ta phải quy định rõ, ràng buộc trách nhiệm của cán bộ, Đảng viên, người đứng đầu. Phải làm sao để người đứng đầu có trách nhiệm nêu gương, có phẩm chất đạo đức trong sáng.

Thứ ba phải tạo cơ chế để người dân, doanh nghiệp tham gia giám sát. Người dân rất tinh tường. Thực tế người vụ tiêu cực, tham nhũng lớn người dân, dư luận, báo chí là những người đầu tiên lên tiếng, phát hiện. Vì thế, vai trò giám sát của người dân, cộng đồng là vô cùng quan trọng.

Thứ tư, khi phát hiện ra sai phạm chúng ta phải xử lý nghiêm, tránh tình trạng nể nang, bỏ qua, dễ dãi.

Nếu thực hiện đồng bộ 4 điều đó tôi tin, những tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, biến đặc thù thành đặc quyền đặc lợi sẽ không thể nảy sinh, hạn chế sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà. Chứ để xảy ra hiện tượng tiêu cực, sân trước sân sau thì gay go lắm.

Trân trọng cảm ơn ông!

 

Ông Lê Văn Cuông sinh năm 1951 tại Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Ông nguyên là Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Thanh Hóa tại Quốc Hội khóa XI, XII. Ông nổi tiếng trên diễn đàn Quốc hội và truyền thông vì thường xuyên phát biểu thẳng thắn, nói thẳng, nói thật.

 

Thiên Anh (thực hiện), Hải An (Thiết Kế)