Thanh Hoá: Định mệnh của một người tật nguyền giàu khát khao sống
Sóng gió cuộc đời
Hình ảnh người đàn ông tật nguyền ngồi hát những bản tình ca dịu ngọt bên hiên nhà. Anh hát được nhiều thể loại, từ nhạc tiền chiến, nhạc vàng đến những bản tình ca dịu buồn, ướt át. Chỉ có điều, dù hát du dương hay vui nhộn, người nghe cũng luôn cảm được niềm yêu đời, cùng sức sống mãnh liệt đằng sau mỗi giai điệu ấy. Dẫu vậy, nếu không phải người dẫn xã Hoằng Lộc thì ít ai dám tưởng tượng ra những chuỗi dài bất hạnh đã đi qua cuộc đời người đàn ông này. Vì lẽ đó, trong một buổi chiều mưa cuối tháng 5, tôi đã chủ động tìm đến tổ ấm của anh Tường để nghe anh kể về câu chuyện đầy sóng gió của cuộc đời mình.
Anh Nguyễn Ngọc Tường (SN 1976, trú thôn Đông Phú, xã Hoằng Lộc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hoá) được sinh ra trong một gia đình đông anh chị em. Cuộc sống của anh vốn dĩ sẽ rất đẹp nếu không có vụ tai nạn ập đến lúc anh lên 10 tuổi. Vụ tai nạn khiến cơ thể anh bị bỏng nặng, với tỷ lệ bỏng 70%, gần như vô phương cứu chữa. Nhưng rồi, bằng nghị lực sống, cùng với những nỗ lực chữa trị kịp thời của các y bác sỹ và sự chăm sóc của gia đình, anh đã từ cõi chết trở về với thỏa hiệp sẽ trở thành người khuyết tật mãi mãi.
Anh phải cắt một chân, toàn thân là những vết bỏng, nhiều tháng trôi qua anh không thể cử động và nằm viện chữa trị gần 2 năm đằng đẵng. Cũng từ đây cuộc đời anh chính thức rẽ ngang theo một định mệnh mới: Định mệnh của một con người tật nguyền giàu khát khao sống.
Anh Tường cùng chị Hương, người vượt qua mọi rào cản để chung sống cùng anh
“Thú thật ban đầu tôi cũng không dám đối diện với sự thật đâu!”, anh Tường gượng cười, đăm chiêu. Quả thật, đối diện sự thật đã khó, chấp nhận cái sự thật nghiệt ngã như vậy lại còn khó hơn. Không ai có thể tưởng tượng một cậu bé hồn nhiên, đang tuổi ăn tuổi lớn lại chấp nhận gò mình cùng cây nạng gỗ với những bước di chuyển khó khăn, mệt nhoài.
Từ một cậu bé ưa khám phá, thích di chuyển phải thu mình lại, tập tễnh trải nghiệm cuộc đời qua lăng kính đơn điệu, buồn tẻ. “Buồn nhất là những khi phải ngồi xe lăn mà dõi theo lũ bạn trong xóm đùa nghịch. Lúc đó tôi vẫn luôn thầm nghĩ, ước gì bản thân có được một cuộc sống bình thương như các bạn. Rồi càng nghĩ tôi lại càng giận cuộc đời cớ sao lại ngược đãi bản thân tôi đến như vậy?!”, anh Tường ngậm ngùi.
Cuộc đời của anh Tường cứ thế buồn trôi theo nỗi đàu giày vò về thể xác lẫn tinh thần cho đến một ngày anh gặp được người phụ nữ của cuộc đời mình là chị Hương (vợ anh Tường - pv).
Ngày đó, chuyện anh Tường có người yêu là cô gái lành lặn, xinh xắn làng bên, khiến nhiều người bàn tán, tò mò. Càng bất ngờ hơn khi biết rằng, người chủ động theo đuổi trước không phải là anh Tường mà là chị Hương. Tất nhiên, tình yêu đó của chị Hương lúc đầu bị mọi người trong gia đình cấm cản. Bởi họ không muốn cô con gái ngoan hiền trong gia đình phải chịu thiệt thòi vì lấy một người chồng không lành lặn.
Thế nhưng, trước sự kiên quyết và tình yêu của đôi bạn trẻ, hè năm 2004, đám cưới đặc biệt của anh Tường và chị Hương được diễn ra, mở ra câu chuyện cổ tích tình yêu giữa đời thực. Từ đây, cuộc đời anh Tường như được sang trang mới, khi anh tự tin hứa với người vợ thương yêu của mình: “Em sẽ không phải hối hận khi chọn gửi gắm niềm tin nơi anh”.
Phải sống một cuộc đời ý nghĩa!
Để tự nuôi sống bản thân, và hơn hết là lo cho cuộc sống gia đình, anh Tường chấp nhận mưu sinh bằng đủ thứ nghề, từ đan lát, cắt tóc vỉa hè, đến đi hát rong, nhận dạy guitar thuê,...
Tận dụng chất giọng trời phú của mình, anh Tường cần mẫn đi hát rong kiếm sống tại các chợ trên thành phố, đồng thời, nhận hàng tăm tre, đũa tre, chổi đót về bán kiếm sống. Vào các buổi tối thứ 2 và thứ 6, anh còn lên thành phố nhận dạy đàn guitar cho nhiều bạn trẻ, thời gian rảnh rỗi anh làm thuê kiếm thêm thu nhập.
Không nề hà khó khăn, hễ việc đến tay, anh đều làm với tất cả tinh thần và sức lực của mình. “Người bình thường hay người khuyết tật nói chung phải làm hết. Có người không bệnh tật không chịu làm họ cũng đói, đừng nói chi là người khuyết tật. Miễn là cái nghề đó nó phù hợp với mình, phấn đấu, quyết tâm làm thành công. Bất cứ việc gì, quyết tâm sẽ thành công, cố gắng vươn lên bằng chính bản thân mình”, anh Tường chia sẻ.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, anh Tường nhắc đến thành tích đáng tự hào của mình trong cuộc thi tiếng hát dành cho người khuyết tật “Những trái tim khát vọng” được tỉnh Thanh Hóa tổ chức và cuộc thi tiếng hát khu vực Miền Trung tại Quảng Bình tổ chức năm 2014. Không chỉ đạt giải cao trong các cuộc thi hát dành cho người khuyết tật, anh còn được Hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh khen thưởng vì có thành tích xuất sắc vươn lên lao động sản xuất giỏi.
Tận dụng chất giọng trời phú của mình, anh Tường vẫn thường cần mẫn đi hát rong kiếm sống
Ngoài nghị lực vươn lên trong cuộc sống cùng tâm hồn yêu đời, anh luôn dạy bảo con trai của mình biết vượt lên số phận, phải là người có ích cho xã hội. Noi gương cha, cậu học trò Nguyễn Ngọc Khánh luôn nỗ lực học tập, nhiều năm liền là học sinh giỏi. Năm nay lớp 9, em còn tham gia vào đội tuyển học sinh giỏi môn văn của trường. Cùng niềm đam mê ca hát với cha, năm học 2015 - 2016 em được giải nhất trong cuộc thi giao lưu tiếng hát học sinh tiểu học do Phòng giáo dục đào tạo huyện Hoằng Hóa tổ chức. Cậu con trai Nguyễn Ngọc Khánh luôn là niềm tự hào, là động lực vươn lên trong cuộc sống của người đàn ông khuyết tật Nguyễn Ngọc Tường.
Gần cuối cuộc chuyện trò cùng anh Tường, có một trận sét nổ to, làm gián đoạn câu chuyện. Anh Tường bỗng co người lại, đưa tay giữ chặt lấy bên chân đã bị cắt năm nào, mặt nhăn lại có vẻ đau đớn. Tôi hoảng hốt. Nhưng anh Tường nhanh chóng trấn an: “Không sao đâu. Những lúc chuyển trời anh thường như thế này, chừng mười, mười lăm phút nữa cơn đau sẽ qua”.
Lúc đỡ đau rồi, anh Tường ngồi lại, nói với tôi: “Nhiều lúc mải mê công việc, suốt ngày cứ thích di chuyển, đến tối mới thấy đau, mệt nhừ người ra. Nhưng không làm thì thấy khó chịu, mà cái khó chịu lớn nhất là đầu hàng số phận để con cái phải vất vả. Tôi đã tự hứa với lòng, phải sống một cuộc đời thật ý nghĩa, ít ra để con cái tự hào rằng, mình có một người cha giàu nghị lực sống và khát vọng vươn lên”.
Nguyễn Trường - Cẩm Kỳ
Xem thêm: Phát động cuộc thi “Giải pháp sáng tạo cải thiện tiếp cận cho người khuyết tật”