Thanh Hóa: Gần hết nhiệm kì mới chú ý tìm cán bộ nữ, thì thiếu hụt là... đương nhiên
Lời Tòa soạn: Thế hệ lãnh đạo 7X tỉnh Thanh Hóa nhiệm kỳ 2020-2025 với những phát ngôn và hành động ấn tượng đang được cử tri, nhân dân, doanh nghiệp trong tỉnh tin tưởng.
Tuy nhiên, trong bức tranh tươi sáng của tỉnh nhà vẫn còn những hạn chế, tồn tại. Câu chuyện mà chúng tôi đề cập dưới đây là một ví dụ tiêu biểu.
Tỷ lệ đại biểu là phụ nữ trong cơ quan dân cử giảm
Báo cáo của Ủy ban bầu cử tỉnh Thanh Hóa hôm 28/5 khẳng định, cuộc bầu cử đại biểu QH và HĐND các cấp đã thành công tốt đẹp. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 99,75%, cao nhất từ trước đến nay, trong đó 5 địa phương là Bỉm Sơn, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Như Xuân đạt tỷ lệ 100%. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công đó, vẫn còn một số điểm khiến cử tri trong tỉnh “băn khoăn’’.
Trong số 85 đại biểu HĐND tỉnh Thanh Hóa trúng cử có 17 người là nữ, đạt tỷ lệ 20%. Trong số 17 đại biểu nữ trúng cử, có phân nửa là người trẻ (dưới 40 tuổi), lần đầu trúng cử.
Trong khi đó, Nghị quyết 1187/NQ-UBTVQH14 hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đề ra mục tiêu phấn đấu tỷ lệ phụ nữ trúng cử là khoảng 30% tổng số đại biểu HĐND.
Tỷ lệ phụ nữ trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TW chiếm 20% là thuộc nhóm thấp nhất nước. Có thể thấy tỷ lệ này ở TP. Hồ chí Minh là 42%, Hà Nội là 24%, Nghệ An là 27%, Hà Tĩnh là 29%. Ngay cả 2 tỉnh ở cực Bắc và cực Nam của Tổ quốc là Hà Giang có tỷ lệ 33%, Cà Mau có tỷ lệ 35%...
Trụ sở Tỉnh Ủy Thanh Hóa. (Ảnh tư liệu)
Chủ trương giảm tỷ lệ đại biểu khối quản lý nhà nước, tăng đại biểu chuyên trách cũng chưa thực hiện được một cách triệt để. Số lượng đại biểu là Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND huyện, Giám đốc các Sở, cơ quan trực thuộc UBND tỉnh vẫn không giảm; số lượng đại biểu HĐND chuyên trách (thường là Phó các ban, cán bộ chuyên trách của HĐND tỉnh) không tăng.
Kỳ này khối báo chí và quản lý báo chí cũng vắng bóng từ các vòng hiệp thương, ứng cử cho thấy tiếng nói của lực lượng đang làm nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền, giám sát, phản biện xã hội ngày càng mờ nhạt.
Kỳ bầu cử HĐND lần này cũng vắng bóng đại diện của khối nhà văn, nghệ sỹ. Bên cạnh đó khối nhà nghiên cứu, công nghệ, truyền thông cũng trong hoàn cảnh tương tự. Khối doanh nghiệp, doanh nhân cũng giảm hơn 1 nửa số lượng đại biểu. Trong khi đó phát triển doanh nghiệp đang là ưu tiên hàng đầu trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.
Vắng bóng nhân tố nữ giữ chức vụ lãnh đạo các cấp
Nhìn rộng ra, không chỉ thiếu hụt tỉ lệ đại biểu nữ trong cơ quan dân cử mà ở nhiều cấp lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền các cấp cũng đang thiếu cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo.
Trong 17 đồng chí là Ủy viên BTV tỉnh ủy Thanh Hóa nhiệm kì 2020-2025, chỉ có một đại diện là phụ nữ duy nhất. Đó là là Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc tỉnh, tỉ lệ xấp xỉ 5,9%. Trong khi đó, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh hiện không có ai là phụ nữ.
Nhìn vào danh sách 65 đồng chí trong danh sách Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, chỉ có 7 đại diện là nữ.
Cụ thể, ngoài bà Phạm Thị Thanh Thủy còn có các bà Nguyễn Thị Nga, Chánh án TAND tỉnh; bà Hà Thị Hương, Bí thư Huyện ủy Quan Hóa; bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở LĐTBXH; bà Bùi Thị Mười, Bí thư Huyện ủy Thạch Thành; bà Đỗ Thị Toán, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy và bà Ngô Thị Hồng Hảo, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh.
Tỷ lệ phụ nữ tham gia Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh chỉ chiếm 10,76%.
Trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh tư liệu)
Trong số 27 huyện, thị thành phố trực thuộc tỉnh Thanh Hóa, chỉ có 2 địa phương Bí thư huyện ủy là phụ nữ. Trong khi đó, tất cả các huyện, thị xã, thành phố vị trí Chủ tịch UBND đều là vị trí do các cán bộ nam nắm giữ.
Trong các Sở, ngành trực thuộc UBND tỉnh hiện có 2 Sở có giám đốc là phụ nữ. Đó là Sở LĐTBXH và Sở Ngoại vụ. Các đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh như Đại học Hồng Đức, Đài PTTH Thanh Hóa, Viện Nông nghiệp, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng, Ban Quản lý dự án Nông nghiệp, Ban Quản lý dự án Giao thông 1&2… đều có lãnh đạo là cán bộ nam giới.
Sự “lép vế” của phụ nữ trong cơ quan quyền lực nhà nước ở Thanh Hóa cho thấy, bình đẳng giới vẫn còn là hành trình dài. Phụ nữ tham gia hoạt động chính trị cần phải được khuyến khích, tạo điều kiện hơn nữa.
Đi tìm lời giải thiếu vắng nhân tố nữ một cách căn cơ
Đi tìm lời giải cho việc thiếu hụt đại biểu nữ trong cơ quan dân cử ở Thanh Hóa, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Lê Nam, đại biểu Quốc hội khóa XIII, nguyên Phó đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa.
Ông Lê Nam cho rằng: “Đại biểu cơ quan dân cử là nữ cần có tỷ lệ phù hợp là yêu cầu bắt buộc chung trong công tác chuẩn bị và tổ chức bầu cử. Việc đạt hay không đạt nó phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân trong đó chủ yếu và quyết định là công tác tác cán bộ. Nếu cứ gần đến hết nhiệm kì mới đốt đuốc đi tìm thì luôn bị động luôn thiếu hụt là đương nhiên.
Ông Lê Nam tại Nghị trường Quốc hội. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Phụ nữ về bản chất là đang vận hành cuộc sống, ông bí thư, ông chủ tịch, ông trưởng ban tổ chức thì cũng luôn chịu chi phối thậm chí quản lí của mẹ, vợ, con gái... Phụ nữ rất nhiều người tài nhưng họ ít được công bằng trong hoạt động chính trị ấy là vì qua cái lăng kính chật hẹp của các nhà lãnh đạo nam giới thích hoa hậu hơn thích người ngang ngửa với mình.
Tỷ lệ cán bộ nữ (trong đó có đại biểu dân cử) không đạt thậm chí thiếu hụt ở các cơ quan lãnh đạo là hệ lụy của đường hướng cũng như các giải pháp công tác cán bộ nữ nhiều năm nhiều khoá...
Đại biểu dân cử là cán bộ nữ nên buộc phải theo các khâu theo qui trình công tác cán bộ của Đảng (về nguyên tắc Đảng nắm công tác cán bộ) như: tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bố trí, bổ nhiệm, đề bạt hay giới thiệu ứng cử, luân chuyển, chính sách... Trong khi nguồn cán bộ nữ không thiếu, chỉ cần một số ngành như y tế, giáo dục, nông nghiệp, toà án... chúng ta thấy biết bao người ưu tú. Hàng vạn người cũng có. Như vậy thực trạng nhân sự bầu cử HĐND cho thấy công tác cán bộ nói chung và cán bộ nữ vẫn đang tồn tại nhiều bất cập, vẫn làm theo kiểu cũ, cán bộ phụ thuộc vào cấp ủy vào cơ quan tổ chức mà chưa đúng với thực trạng và yêu cầu của tính đại diện yêu cầu của Đảng và nhà nước.
Câu chuyện khoá này là kết quả chuẩn bị của nhiệm kì trước. Vì vậy để khoá sau tốt hơn đảm bảo cả về số lượng, chất lượng... thì phải làm phải lo từ bây giờ. Tổ chức Đảng, cơ quan tổ chức, cơ quan dân cử đều phải làm công tác cán bộ nhưng có một cơ quan cực kì quan trọng là hội phụ nữ các cấp cần phải được chủ động, được trao quyền hành thực sự trong công tác cán bộ nữ’’.
Ông Nam cho biết bản thân ông rất ấn tượng với thế hệ lãnh đạo mới của tỉnh nhà. Ông đặt trọn vẹn niềm tin vào thế hệ lãnh đạo mới sẽ đưa Thanh Hóa đến với khát vọng thịnh vượng.
"Vì thế, quan điểm thẳng thắn của mình về việc thiếu hụt tỷ lệ nữ trong HĐND Thanh Hóa chính là cách góp ý tích cực mang tính xây dựng nhằm thúc đẩy sự tiến bộ xã hội và bình đẳng giới cũng như chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về công tác cán bộ của tỉnh nhà" - ông Nam nhấn mạnh.
Nhìn thẳng, nói thật về những tồn tại, hạn chế để từ đó tìm ra lời giải căn cơ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội ở địa phương cũng chính là quan điểm, mục đích của Doanh nhân Việt Nam khi thực hiện chuyên đề này.
Trương Xuân Thiên (thực hiện)