Thanh Hóa sẽ triển khai đấu giá trực tuyến như thế nào?

11:54 | 08/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 13692/UBND-KTTC về việc tổ chức các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất trong bối cảnh dịch Covid-19. Vậy công tác đấu giá trực tuyến sẽ được triển khai ra sao?

Khuyến khích đấu giá đất bằng hình thức trực tuyến

Theo đó, hiện nay dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang diễn biến rất phức tạp, nguy hiểm, khó lường. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về phòng, chống dịch Covid-19 của Ban chỉ đạo quốc gia và chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh.

Chủ động quyết định việc tổ chức các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương chưa thực hiện giãn cách xã hội, đảm bảo tuân thủ đúng quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra dịch Covid-19 trên địa bàn liên quan đến các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất.

Khuyến khích đấu giá quyền sử dụng đất bằng hình thức trực tuyến

Yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về phòng, chống dịch Covid-19 của Ban chỉ đạo quốc gia và chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại các văn bản có liên quan; chủ động quyết định việc tổ chức các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương chưa thực hiện giãn cách xã hội, đảm bảo tuân thủ đúng quy định; chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra dịch Covid-19 trên địa bàn liên quan đến các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất.

Hiện đã có 04 phần mềm đấu giá trực tuyến được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời việc đấu giá trực tuyến đã thực hiện thành công (Cục Quản trị Văn phòng Chính phủ đã tổ chức đấu giá trực tuyến thành công 07 cây gỗ sưa thanh lý vào ngày 10/8/2021). Do đó, để tổ chức các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh có ý kiến chỉ đạo như sau:

Khuyến khích UBND các huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa, chủ động lựa chọn hình thức đấu giá trực tuyến tại các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất bằng phần mềm đấu giá đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của Luật Đấu giá tài sản.

Sở Tư pháp khẩn trương đấu mối, làm việc với Cục Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp và các doanh nghiệp cung cấp phần mềm đấu giá trực tuyến, để sớm có được bản quyền phần mềm đấu giá trực tuyến nhằm áp dụng rộng rãi trong các cuộc đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.

Các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm Phát triển quỹ đất Thanh Hóa tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp nhằm tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản trên địa bàn.

Người trong cuộc nói gì?

Việc triển khai đấu giá là một hoạt động mới mẻ, chưa từng có tiền lệ đối với các công ty đấu giá. Vì thế, các doanh nghiệp này vẫn đang chờ quyết sách của cơ quan quản lý nhà nước.

Trao đổi với truyền thông về vụ việc, bà Lê Thị Hiền Lương, Giám đốc Công ty Đấu giá Hợp danh Hoàng Nguyên, đơn vị đấu giá khu dân cư xã Đông Khê cho biết: Đơn vị tôi không muốn hoãn tổ chức đấu giá làm gì, cả 2 lần tạm hoãn đấu giá 205 lô đất ở xã Đông Khê, huyện Đông Sơn đều do đến sát nút thì tình hình dịch COVID -19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa diễn biến phức tạp. Để tránh lây lan, tập trung đông người, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân thì UBND huyện Đông Sơn đã có văn bản yêu cầu đơn vị thông báo tạm hoãn để đảm bảo an toàn cho công tác phòng, chống dịch COVID -19.

Quang cảnh một cuộc đấu giá

Việc tạm hoãn là hoàn toàn đúng đắn, vì khi đấu giá sẽ tập trung rất đông người, mặc dù có test nhanh, khử khuẩn, đo thân nhiệt nhưng vẫn không an tâm vì khách hàng tham gia đấu giá là người tứ xứ khắp nơi, thậm chí có cả người ở tỉnh ngoài, chỉ cần có người nhiễm COVID -19 không may lọt vào là mất đi thành tích chống dịch từ trước đến nay trên địa bàn huyện. Trong bối cảnh này, tỉnh Thanh Hóa cần có hướng đi mới để các đơn vị đấu giá như chúng tôi có thể hoạt động đấu giá suôn sẻ mà không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID -19, bà Lương nói.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Hoàng Linh, Giám đốc Công ty hợp danh đấu giá Hàm Rồng cho biết: Doanh nghiệp chúng tôi hiện chưa có kế hoạch tổ chức các cuộc đấu giá trong thời gian này. Bản thân doanh nghiệp cũng xác định đấu giá trực tuyến sẽ là hướng đi bắt buộc nếu như dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, hiện chúng tôi đang đợi các công văn hướng dẫn của Sở Tư pháp. Việc đấu giá trực tuyến là hình thức mới mẻ, đấu giá viên, nhân viên cần phải được tập huấn, tìm hiểu, vận hành hệ thống công nghệ hoàn toàn khác so với đấu giá trực tiếp truyền thống. Việc sử dụng phần mềm nào, quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước ra sao cần phải tính toán thật kĩ trước khi triển khai. Bởi vì, đấu giá là hoạt động rất phức tạp và nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tham gia đấu giá. Vì thế nó rất dễ nảy sinh tiêu cực. Chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể dẫn đến kiến nghị, khiếu nại kéo dài. Tinh thần chung là chúng tôi ủng hộ chủ trương của tỉnh, nhưng vẫn đợi hướng dẫn cụ thể của Sở Tư pháp. Làm sao để vừa đáp ứng điều kiện phòng chống dịch bệnh, vừa công khai minh bạch lại vừa đáp ứng được kế hoạch đấu giá đã được cá địa phương thông qua từ trước là bài toán không dễ tìm lời giải trong lúc này.

Sở Tư pháp nói gì?

Liên quan đến vụ việc, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn đối với ông Hoàng Văn Truyền, Phó giám đốc Sở Tư pháp Thanh Hóa.

PV: Thưa ông, Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành văn bản khuyến khích hình thức đấu giá trực tuyến, vậy Sở Tư pháp đã có kế hoạch triển khai cụ thể như thế nào?

Ông Hoàng Văn Truyền: Hiện nay, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải giãn cách xã hội nên việc triển khai đấu giá trực tuyến là hết sức quan trọng, đảm bảo mục tiêu kép, vừa đẩy lùi dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế xã hội. Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp cũng đã có văn bản yêu cầu rà soát, chấn chỉnh lại một số hạn chế trong lĩnh vực này. Trong ngày 8/8/2021, Sở Tư pháp Thanh Hóa cũng đã ban hành công văn yêu cầu cá đơn vị triển khai những nội dung này. Là đơn vị chuyên môn tham mưa cho Chủ tịch UBND tỉnh trong hoạt động đấu giá, chúng tôi đã chuẩn bị và lên kế hoạch cụ thể. Trong đó việc đấu giá trực tuyến phải tuân thủ nghiêm ngặt thỏa mãn các điều kiện chặt chẽ của Luật Đấu giá tài sản và Nghị định 62 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Đấu giá tài sản. Tuy nhiên, đây là hình thức mới nên chúng tôi phải cân nhắc phương án thật kĩ. Cái khó nhất của hình thức đấu giá trực tuyến là yêu cầu bắt buộc về hệ thống công nghệ thông tin phải đảm bảo những tiêu chí minh bạch, thông suốt. Nếu như đấu giá thực hiện qua zoom, zalo, gmail… là không thực hiện được vì vi phạm các quy định về đấu giá tài sản. Cái này các đơn vị đều còn tương đối bỡ ngỡ. Tinh thần chung là chỉ khi nào đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về công nghệ, được rà soát, kiểm tra, thẩm định đủ điều kiện mới triển khai. Chưa đáp ứng các các tiếu chí này thì kiên quyết chưa triển khai. Đơn vị nào đáp ứng trước sẽ được triển khai trước.

Trụ sở Sở Tư pháp Thanh Hóa

Để thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến, vừa rồi Sở Tư pháp cũng đã làm việc với một doanh nghiệp công nghệ tại Hà Nội để họ cung cấp phần mềm và bước đầu đã có hai đơn vị triển khai. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ phải kiểm tra, thẩm định lại, đánh giá, hoàn thiện để báo báo Chủ tịch UBND tỉnh.

PV: Vậy công tác đấu giá trực tuyến sẽ triển khai tập trung trên mạng đấu giá của tỉnh như hình thức đấu thầu qua mạng qua Mạng đấu thầu quốc gia hay sẽ do các đơn vị đấu giá chủ động triển khai?

Ông Hoàng Văn Truyền: Cái này nó có sự khác biệt. Đấu giá nó khó và phức tạp hơn so với hoạt động đấu thầu. Đấu thầu là hình thức lựa chọn nhà đầu tư còn đấu giá là bán tài sản. Đấu thầu tuân theo Luật Đấu thầu còn đấu giá tuân thủ Luật đấu giá. Nếu như trong đấu thầu, các nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu trực tuyến, sau đó chủ đầu tư mở thầu, chấm thầu và công bố đơn vị chấm thầu còn đấu giá lại có hình thức khác. Nghị định 62 quy định việc đấu giá trực tuyến do các đơn vị tự triển khai dưới sự giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.

Ngoài hình thức đấu thầu trực tuyến hiện nay, Sở cũng khuyến khích các đơn vị, địa phương tổ chức tổ chức hình thức đấu giá gián tiếp thông qua việc trả giá qua thư và gửi qua hệ thống bưu điện. Tuy nhiên, kể cả trả giá qua bưu điện thì công bố kết quả vẫn phải công bố tập trung. Ngoài ra, với các huyện chưa thực hiện giãn cách xã hội thì Chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm về hoạt động này. Nếu tổ chức đấu giá trực tiếp mà vi phạm các quy định phòng dịch, để lây lan dịch bệnh thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.

PV: Trung tâm đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp đã chuẩn bị triển khai hình thức đấu giá trực tuyến như thế nào?

Ông Hoàng Văn Truyền: Cái này anh em ở trung tâm đang nghiên cứu, triển khai. Trung tâm sẽ là đơn vị đầu tàu trong tỉnh về việc triển khai hình thức đấu giá trực tuyến. Tuy nhiên, hiện anh em trong trung tâm và các phòng chuyên môn của sở vẫn phải kiểm tra, thẩm định thật kĩ, khi nào đáp ứng đầy đủ cá tiêu chí mới tổ chức triển khai thực tế.

Trân trọng cảm ơn ông!