Thanh Hóa: Thế và lực để trở thành cực tăng trưởng mới

16:52 | 20/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Với những ưu tiên về cơ chế, chính sách, với nguồn lực sẵn có, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực thực hiện mục tiêu đưa tỉnh nhà trở thành một cực trong “tứ giác phát triển" của khu vực phía Bắc.

Nguồn lực dồi dào, đa dạng, tạo lợi thế phát triển

Nằm ngay ở cửa ngõ Bắc bộ và Trung bộ, trên con đường ra Bắc, vào Nam, cách thủ đô Hà Nội và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ khoảng 150 km, Thanh Hóa có diện tích tự nhiên hơn 11.120 km2 (đứng thứ 5 cả nước) và dân số trên 3,6 triệu người (đứng thứ 3 cả nước), cùng nhiều tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý mà không phải nơi nào cũng có được. Trong nhiều thập kỷ qua, Thanh Hóa với những bước đi táo bạo, năng động, mang tính đột phá đã có sự thay đổi ngoạn mục, tạo ra nền tảng phát triển vững chắc, tạo thế và lực mới trên con đường hội nhập, phát triển. 

Thanh Hóa: Thế và lực để trở thành cực tăng trưởng mới - ảnh 1

Thanh Hóa có nhiều tiềm năng, thế mạnh về tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên

Thiên nhiên đã ưu đãi cho Thanh Hóa đầy đủ các loại địa hình, hệ sinh thái (đồng bằng, ven biển, miền núi, trung du), nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng như tài nguyên đất, rừng, biển và nhiều loại khoáng sản có trữ lượng lớn, tạo thuận lợi trong phát triển các ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng và dịch vu. Một số loại tài nguyên khoáng sản có trữ lượng lớn so với cả nước như đá granit và marble (trữ lượng 2 - 3 tỷ m3), đá vôi làm xi măng (trên 370 triệu tấn), sét làm xi măng (khoảng 85 triệu tấn), crôm (khoảng 21 triệu tấn) và nhiều loại tài nguyên khác, thuận lợi cho phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất điện năng, công nghiệp lọc hóa dầu và sau lọc hóa dầu. Ngoài ra, nguồn đất đai dồi dào, rất thuận lợi để tích tụ sản xuất các sản phẩm nông – lâm – ngư nghiệp hàng hóa tập trung. Bờ biển dài 102 km, có lợi thế để phát triển kinh tế biển và nhất là du lịch biển. Là vùng đất cổ, chiếc nôi của người Việt, Thanh Hóa hiện còn lưu giữ, bảo tồn được nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc, với 1.535 di tích lịch sử văn hóa, danh lam, thắng cảnh mang tầm quốc gia, quốc tế, giàu tiềm năng để đưa ngành du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thanh Hóa: Thế và lực để trở thành cực tăng trưởng mới - ảnh 2

Du lịch đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thanh Hóa

Hiện nay Thanh Hóa có hệ thống giao thông khá thuận lợi và đa dạng với đầy đủ các loại hình, gồm: Đường sắt, đường bộ, đường thủy và hàng không. Ngoài tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua, giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh được bao phủ bởi nhiều tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, giao thông nông thôn có tính kết nối, lan tỏa, thuận tiện cho việc đi lại và giao lưu phát triển kinh tế - xã hội. Ở phía Tây, Cửa khẩu quốc tế Na Mèo thông thương với các tỉnh giáp biên giới của nước CHDCND Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan. Phía Đông, Cảng biển Nghi Sơn có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 100.000 tấn, đã trở thành điểm dừng chân của các tàu tải trọng lớn trong tuyến hàng hải quốc tế nhiều năm qua. Đặc biệt là Cảng Hàng không Thọ Xuân, hiện đang khai thác nhiều đường bay nội địa, ngày càng phát triển mạnh, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thành cảng hàng không quốc tế.

Nhiều thành quả nổi bật, tự hào

Với cách đi đúng hướng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, trong những năm qua Thanh Hóa đã hướng sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển toàn diện; tích tụ, tập trung đất đai đạt kết quả bước đầu; sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghệ cao, theo chuỗi được hình thành và phát triển; thu hút nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đạt kết quả tích cực, với nhiều dự án quy mô lớn được triển khai.

Thanh Hóa: Thế và lực để trở thành cực tăng trưởng mới - ảnh 3

Nông nghiệp Thanh Hóa hình thành được nhiều mô hình đầu tư công nghệ cao, quy mô lớn, bài bản

 Đến nay, Thanh Hóa đã hoàn thành và đưa vào hoạt động nhiều cơ sở công nghiệp mới, đặc biệt là Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn - một trong 3 dự án công nghiệp lớn nhất cả nước, đồng thời triển khai xây dựng một số dự án công nghiệp quy mô lớn tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trong tỉnh, tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong giai đoạn tới. Lĩnh vực dịch vụ có tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt 9,1%. Trong những năm qua, Thanh Hóa đã nỗ lực kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư, phát triển hạ tầng tại các khu, điểm du lịch theo hướng hiện đại, cùng với chất lượng dịch vụ được nâng cao..., đã tạo ra sức hấp dẫn mới. Số lượng khách du lịch tăng bình quân hàng năm 15,6%, doanh thu tăng bình quân 31,7%. Giai đoạn 2016 – 2020, dịch vụ tài chính, ngân hàng tiếp tục phát triển, vốn huy động tăng bình quân hàng năm 17,8%, dư nợ tăng bình quân 14,4%. Tốc độ tăng thu ngân sách Nhà nước bình quân hàng năm dự kiến đạt 18,1%, là một trong các tỉnh có tốc độ tăng thu ngân sách cao nhất cả nước.

Thanh Hóa: Thế và lực để trở thành cực tăng trưởng mới - ảnh 4

Liên hiệp lọc hóa dầu Nghi Sơn - Một trong 3 dự án công nghiệp lớn nhất cả nước

Trong giai đoạn 2016 – 2020, Thanh Hóa tiếp tục quan tâm, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Từ năm 2016 đến nay đã thu hút được 908 dự án đầu tư trực tiếp (53 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký 94.404 tỷ đồng và 3.305 triệu USD; đứng trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm qua đạt 610 nghìn tỷ đồng, gấp 1,8 lần giai đoạn 2011 - 2015. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị ước tính giảm từ 3,6% xuống 3,1%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm 2,56%.

Thêm cơ hội để bứt phá, khẳng định vị thế

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội được xây dựng nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 58-NQ/TW về việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Thanh Hóa bảo đảm tính tương đồng với các thành phố lớn khác trong cả nước trình Quốc hội xem xét, ban hành, thực sự là động lực để Thanh Hóa thực hiện thành công Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước.

Thanh Hóa: Thế và lực để trở thành cực tăng trưởng mới - ảnh 5

Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù được đề xuất trao cho Thanh Hóa

Cụ thể, về phạm vi điều chỉnh, Dự thảo Nghị quyết quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Thanh Hóa về đầu tư, tài chính - ngân sách nhà nước và phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, lâm nghiệp.

Về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, tỉnh Thanh Hóa được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách tỉnh hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Hằng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thanh Hóa 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm thuế giá trị gia tăng của hàng hóa nhập khẩu để đầu tư hình thành tài sản cố định hoặc để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được ngân sách trung ương hoàn lại thuế giá trị gia tăng) để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành việc di dân, tái định cư trong Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm tạo quỹ đất sạch cho việc thu hút đầu tư các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

Bên cạnh đó, ngân sách tỉnh Thanh Hóa được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của tỉnh.

Thanh Hóa: Thế và lực để trở thành cực tăng trưởng mới - ảnh 6

Hi vọng, những ưu tiên về cơ, chế chinh sách đặc thù được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sẽ tạo nên sức bật cho Thanh Hóa hiện thực hóa giấc mơ thịnh vượng

Về quản lý đất đai, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng từ 20 ha trở lên phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Trong đó, việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, đối tượng chịu sự tác động của việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng từ 20 ha trở lên được thực hiện như trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 10 ha; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng dưới 20 ha theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đối với điều chỉnh quy hoạch chung khu chức năng, cục bộ quy hoạch đô thị, trên cơ sở đồ án quy hoạch chung khu chức năng, quy hoạch chung đô thị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND tỉnh Thanh Hóa thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ các quy hoạch trên theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Khát vọng một tương lai thịnh vượng

Khát vọng phát triển để đưa xứ Thanh trở thành cực tăng trưởng mới càng được nhân lên khi Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 58–NQ/TW vào ngày 5–8–2020 về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Cần nói thêm rằng, ngoài 2 đầu tàu kinh tế là TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội, ít có địa phương được Bộ Chính trị ra một nghị quyết riêng để hoạch định, đưa ra đường hướng phát triển đặc thù nhằm tạo sự đột phá trong phát triển. Trước Thanh Hóa, từ 15 năm trước, Bộ Chính trị cũng có riêng một nghị quyết về phát triển TP Đà Nẵng. Từ đó, với sự hỗ trợ của Trung ương, đường hướng khơi dậy tiềm năng cũng như nguồn lực đúng đắn, đến nay Đà Nẵng đã trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa – xã hội cũng như chính trị của khu vực miền Trung, là một trong số những trung tâm phát triển toàn diện của đất nước.

Thanh Hóa: Thế và lực để trở thành cực tăng trưởng mới - ảnh 7

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/08/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sớm đưa Nghị quyết đi vào thực tế cuộc sống, tạo bước phát triển toàn diện, đột phá của tỉnh.

Từ điển hình Đà Nẵng, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng về sự vươn lên mạnh mẽ của Thanh Hóa trong tương lai không xa. Những dư địa phát triển của xứ Thanh là vô cùng to lớn, nhiều tiềm năng mới bắt đầu hoặc chưa được khơi dậy chính là điều kiện để tỉnh “cất cánh”. Tại Nghị quyết số 58–NQ/TW cũng chỉ rõ những tiềm năng lợi thế, đường hướng để khai mở các điều kiện thuận lợi cho phát triển trên tất cả các lĩnh vực.

Hi vọng với những thời cơ, vận hội đang đến, Chính quyền, nhân dân tỉnh Thanh Hóa sẽ nắm bắt, không ngừng nỗ lực cố gắng để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của vùng đất được coi là “Việt Nam thu nhỏ” với “tam vua, nhị chúa” và lịch sử phát triển hào hùng trường tồn cùng đất nước.

Nguyễn Trường

Xem Thêm: Thủ tướng: Không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc