Thanh Hóa yêu cầu Intracom bồi thường cho người dân thiệt hại tại thủy điện Cẩm Thủy 1

14:38 | 26/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có công văn yêu cầu Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng hạ tầng và giao thông (Intracom) thực hiện chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện Cẩm Thủy 1.

Theo công văn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm yêu cầu Intracom khẩn trương thực hiện việc chi trả bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án thuỷ điện Cẩm Thuỷ 1 theo đề nghị của UBND huyện Cẩm Thủy trước ngày 20/10.

Cùng với đó, Phó chủ tịch Mai Xuân Liêm giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Cẩm Thủy và các ngành, đơn vị có liên quan giám sát việc chấp hành chỉ đạo trên đối với Intracom.

"Trường hợp đơn vị không thực hiện, căn cứ quy định của pháp luật, đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo chủ tịch UBND tỉnh trước 1/11", công văn nêu rõ.

Thanh Hóa yêu cầu Intracom bồi thường cho người dân thiệt hại tại thủy điện Cẩm Thủy 1 - ảnh 1

Nhà máy Thủy điện Cẩm Thủy 1

Những vướng mắc chưa có hồi kết

Dự án Thủy điện Cẩm Thủy 1 được xây dựng tại xã Cẩm Bình và xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Hạ tầng và Giao thông (Intracom) làm chủ đầu tư, dự án có công suất 28,8 MW với tổng vốn đầu tư được phê duyệt là trên 1,3 nghìn tỷ đồng. 

Công trình nằm trên bậc thang cuối của sông Mã, khu vực bờ phải thuộc phố Vạc, xã Cẩm Thành, bờ trái thuộc thôn Kim Mẫn, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thuỷ, cách thị trấn huyện Cẩm Thuỷ khoảng 10km. Tổng diện tích đất thực hiện dự án là 481 ha. Các hạng mục chính của công trình bao gồm: hồ chứa, đập bê tông, công trình xả lũ và nhà máy thuỷ điện.

Ngay từ đầu, khi bắt đầu khởi công, dự án đã gặp nhiều khó khăn, vướng mặt bởi công tác giải phóng mặt bằng. Hàng loạt những mâu thuẫn nảy sinh giữa chủ đầu tư và người dân:  Giá đền bù đất thấp, thiếu đất tái định cư,… Kết quả,  dự án không thể hoàn thành kế hoạch đề ra. Mục tiêu ban đầu của dự án là đến năm 2016 sẽ hoàn thành. Nhưng phải đến tháng 12/2018, nhà máy thủy điện Cẩm Thủy 1 mới chính thức hòa lưới điện quốc gia.

Thêm một vướng mắc nữa ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân sống bên cạnh dự án, gây nhiều bức xúc đó là việc nhà máy thường xuyên gây ngập lụt.

Thanh Hóa yêu cầu Intracom bồi thường cho người dân thiệt hại tại thủy điện Cẩm Thủy 1 - ảnh 2

Nhà máy Thủy điện Cẩm Thủy 1 tích nước khiến nhiều xe tải, máy xúc ngập sâu trong nước

Theo đó, tại buổi kiểm tra dự án của UBND tỉnh Thanh Hóa do ông Nguyễn Đình Xứng – (thời điểm đang giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá) - cùng đoàn công tác với thành phần gồm lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh uỷ, Thanh tra tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Xây dựng, Huyện uỷ, UBND huyện Cẩm Thuỷ vào tháng 5/2019, người dân xã Cẩm Thủy đã kiến nghị bồi thường đối với các hộ dân có đất tại khu vực bờ kè sông Mã, bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện Cẩm Thủy 1; đồng thời phải có biện pháp khắc phục, giải quyết tình trạng nhà máy thủy điện Cẩm Thủy 1 tích nước dẫn đến nhà ở của các hộ dân bị ngập úng, gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, người dân cũng kiến nghị xem xét hỗ trợ bồi thường đất nông nghiệp cho các hộ dân bị ngập úng và xây dựng tuyến đê bao dọc bờ sông để chống sạt lở.

Ghi nhận những thiệt hại của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khi đó đã chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho dân trên tinh thần “ảnh hưởng đến đâu phải bồi thường hợp lý, thoả đáng cho người dân. Việc tính toán bồi thường phải đúng quy định pháp luật, đảm bảo công khai, công bằng giữa các hộ dân. Sự việc kéo dài đã hơn 2 năm, phía chủ đầu tư vẫn chưa có động thái thực hiện trách nhiệm của mình. Vì thế, ngày 23/08/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản số 12839/UBND-KTTC về việc khẩn trương thực hiện chi trả kinh phí bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Thuỷ điện Cẩm Thuỷ 1, huyện Cẩm Thủy.

Chủ đầu tư dự án là ai?

Intracom được thành lập năm 2002 với 100% vốn nhà nước, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, năng lượng... Năm 2006, doanh nghiệp chuyển đổi sang công ty cổ phần. 

Hiện nay, Intracom đặt trụ sở tại quận Cầu Giấy, Hà Nội do ông Nguyễn Thanh Việt (SN 1963) làm Tổng Giám đốc. Tại thời điểm ngày 15/6/2018, Intracom có vốn điều lệ 600 tỷ đồng, và tăng lên 1.400 tỷ đồng vào ngày 9/8/2021 vừa qua. 

ntracom là đơn vị có kinh nghiệm đầu tư các thủy điện lớn như: Nậm Pung, Tà Lơi 1, Tà Lơi 2, Tà Lơi 3, Pờ Hồ. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn là chủ đầu tư của nhiều tổ hợp nhà cao tầng và văn phòng tại Hà Nội như: Intracom 1, Intracom 2, Intracom Riverside…

Những năm gần đây, Intracom còn mở rộng vốn đầu tư sang lĩnh vực y tế với công việc thành lập Bệnh viện Đa khoa Phương Đông.

Giai đoạn 2016-2019, doanh thu thuần của Intracom (công ty mẹ) luôn duy trì trên mức 410 tỷ đồng và đạt đỉnh vào năm 2019 với 815 tỷ đồng. Ngược lại, lợi nhuận thuần không mấy khả quan, khi năm 2016 lỗ thuần lên tới 23,6 tỷ đồng, năm 2017, 2018 lỗ thuần lần lượt là 8,4 tỷ đồng và 2,25 tỷ đồng. Đến năm 2019, Intracom bão lãi mỏng 0,06 tỷ đồng.

Tài sản của của Intracom (công ty mẹ) tăng nhanh từ 2.298 tỷ đồng năm 2016 lên 5.019 tỷ đồng năm 2019. Tại ngày 31/12/2019, vốn chủ sở hữu là 770 tỷ đồng.

Nguyễn Trường

Xem Thêm:  PHÓ CHỦ TỊCH TỈNH THANH HÓA: KHÔNG ĐÁNH ĐỔI MÔI TRƯỜNG ĐỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ!