Tháo gỡ điểm nghẽn để kinh tế phát triển thời hậu COVID-19

17:09 | 01/06/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Nhằm nhận diện những điểm nghẽn cần tháo gỡ để phát triển kinh tế sau dịch COVID-19, sáng 1/6, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức Hội thảo “Nhận diện các điểm nghẽn phát triển của Việt Nam trong bối cảnh hậu COVID-19: Một số yêu cầu cải cách thể chế”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM cho biết, kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19. Đến nay, Việt Nam cơ bản khống chế được dịch, nhờ đó bắt đầu bước vào khôi phục kinh tế. Tuy nhiên, trên thế giới diễn biến của dịch còn hết sức phức tạp.

Tháo gỡ điểm nghẽn để kinh tế phát triển thời hậu COVID-19 - ảnh 1
 Hội thảo “Nhận diện các điểm nghẽn phát triển của Việt Nam trong bối cảnh hậu COVID-19: Một số yêu cầu cải cách thể chế”. Ảnh DNVN/HuongLan.
Do đó, theo bà Minh, đây là lúc chúng ta nhìn nhận lại những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế để có biện pháp tháo gỡ, qua đó đưa nền kinh tế phát triển. Những điểm nghẽn này thực tế không phải đến lúc có dịch COVID-19 mới xuất hiện, mà đã có từ trước chưa khắc phục được. Trong bối cảnh ảnh hưởng dịch COVID-19, các điểm nghẽn đó có thể có những biến đổi cần phải nhìn nhận rõ để tháo gỡ.
Tại hội thảo, trong báo cáo của CIEM cũng nhận định, đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực đối với nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp (DN) nói riêng. Trong khi đó, căng thẳng/xung đột địa chính trị, chủ nghĩa cực đoan tiếp tục diễn ra, kéo theo rủi ro đối với thương mại và đầu tư toàn cầu chưa lắng xuống, chủ nghĩa bảo hộ; căng thẳng thương mại; chiến tranh thương mại Mỹ-Trung còn nhiều bất định... Ngay cả khi các lĩnh vực cải cách đã xác định thì yêu cầu thực hiện vẫn cần phải nhanh và triệt để hơn, đặc biệt là nhận diện những điểm nghẽn đối với phát triển hậu COVID-19.
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp của CIEM cho rằng, hiện nay dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, vì thế chúng ta vẫn phải tiếp tục theo dõi tình hình dịch bệnh của các nước để có những biện pháp chủ động đề phòng dịch.
Về những hệ lụy của dịch COVID-19, ông Nguyễn Anh Dương cho biết, hiện các tổ chức quốc tế đều hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Không ít đánh giá cho rằng, tác động đối với kinh tế thế giới nghiêm trọng hơn so với cả thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu và những hệ lụy này có thể kéo dài. Ông Dương nhấn mạnh, đã có chuyên gia cảnh báo khủng hoảng nợ toàn cầu do hệ lụy của các biện pháp kích thích tài khóa - tiền tệ trong thời kỳ trong và sau đại dịch COVID-19.
Cũng theo ông Dương, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang có xu hướng giảm dần. Quý I/2020 thấp hơn so với cùng kỳ các năm 2010- 2019. Xuất khẩu và cán cân thương mại vẫn tích cực trong các tháng đầu năm, nhưng khả năng duy trì điều này là rất khó khăn kể từ tháng 4 trở về sau.
Tháo gỡ điểm nghẽn để kinh tế phát triển thời hậu COVID-19 - ảnh 2
 Đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các ngành nghề và doanh nghiệp.
“Bên cạnh đó, gia tăng giá trị trong nước không còn là yêu cầu để tạo việc làm và thu nhập, mà còn là cách thích ứng với sự vận động của chuỗi giá trị. Trong bối cảnh hiện nay, không chỉ cần nỗ lực của DN trong nước, mà vẫn cần cách tiếp cận thân thiện và bền chặt với đầu tư nước ngoài (FDI)", ông Dương cho biết.
Liên quan đến câu chuyện nhận diện điểm nghẽn đối với phát triển hậu COVID-19, ông Dương nhấn mạnh đến chất lượng thể chế; triển khai Chính phủ điện tử (tiến tới Chính phủ số); hiệu quả điều phối và sử dụng nguồn lực công; phát triển bao trùm và bền vững; ứng xử với nhà đầu tư. Theo ông Dương, việc ứng xử với nhà đầu tư không chỉ là cắt giảm thủ tục không cần thiết, mà để thu hút FDI có hiệu quả vào các lĩnh vực quan tâm, Việt Nam cần để ý đến ban hành các tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, mặc dù vẫn có những yếu tố lạc quan khi nguồn lực tài chính của DN được cải thiện khá nhanh trước COVID-19, trong đó khu vực ngoài nhà nước chiếm tới 54,8% nguồn vốn, và cũng là khu vực có tỷ lệ DN chịu ảnh hưởng từ bởi COVID-19 thấp nhất. Nhưng đáng lo ngại là tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng chậm khi quý I/2020 chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ 2019, thấp hơn đáng kể so với quý I các năm 2016-2019; đầu tư công giải ngân nhanh hơn, nhưng vẫn còn thấp so với yêu cầu đề ra; thu hút vốn FDI 5 tháng 2020 đã giảm 11,1% về số dự án mới và giảm 8,2% về vốn thực hiện.
Do đó, gợi mở về một số yêu cầu cải cách thể chế, đại diện CIEM nhấn mạnh, cần tiếp tục theo dõi diễn biến dịch COVID-19 kết hợp với tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hợp tác quốc tế liên quan trong vấn đề phục hồi và phát triển kinh tế hậu COVID-19. Cụ thể là cần xây dựng và thực thi kế hoạch phục hồi tăng trưởng kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu kinh tế, hoàn thiện chính sách công nghiệp và thu hút FDI. Cùng với đó cần cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua phát triển hạ tầng (bao gồm cả hạ tầng cứng và hạ tầng số); phát triển kỹ năng thích ứng cho DN và người lao động. Đồng thời thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại (FTA), đặc biệt là các FTA mới (CPTPP, EVFTA), tận dụng tối đa các mô hình kinh tế mới: kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn... để thúc đẩy kết nối dịch vụ, sản xuất kinh doanh, phục hồi đà tăng trưởng.