Thế giới chi gần 20 nghìn tỷ USD để ngăn chặn suy giảm kinh tế do COVID-19

22:07 | 21/11/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) chính phủ và ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đã cam kết chi khoảng 19.500 tỷ USD kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát để "giải cứu" nền kinh tế.
Cụ thể, tính tới tháng 9/2020, các chính phủ trên thế giới đã công bố các gói kích thích kinh tế trị giá gần 12.000 tỷ USD, còn các ngân hàng trung ương đã "bơm" ít nhất 7.500 tỷ USD để giảm bớt tác động của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế, theo báo cáo thường niên của IMF. 
 
Thế giới chi gần 20 nghìn tỷ USD để ngăn chặn suy giảm kinh tế do COVID-19 - ảnh 1
 
Tuy nhiên, bất chấp quy mô và tốc độ chưa từng có tiền lệ của cuộc giải cứu, bao gồm cắt giảm thuế, trả lương, cấp các khoản vay cho doanh nghiệp nhỏ và hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục, nền kinh tế toàn cầu đang trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. Hoạt động kinh tế và việc làm ở nhiều nơi trên thế giới, bao gồm cả ở Mỹ và Châu Âu, vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với trước khi đại dịch xảy ra.
 
Khi thông tin về vắc xin được đưa ra cho thấy triển vọng nền kinh tế toàn cầu sẽ được cải thiện trong năm tới, nhưng chúng sẽ không giúp ích nhiều cho các quốc gia trong tương lai gần. Và những trở ngại đối với việc đảm bảo hỗ trợ tài chính bổ sung có thể làm hỏng sự phục hồi vốn đã mong manh.
 
Tại Mỹ, nơi số ca nhiễm Covid-19 đang tăng vọt, cuộc chiến pháp lý liên quan tới bầu cử tổng thống có thể là rào cản lớn với một gói kích thích kinh tế mới. Nước này đã mất khoảng 10 triệu việc làm kể từ khi đại dịch bùng phát. Một số bang Mỹ đã bắt đầu tái áp dụng các biện pháp kiềm chế số ca lây nhiễm để bảo vệ thành quả phục hồi kinh tế.
 
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng đang trải qua mâu thuẫn nội bộ và điều này có thể khiến quá trình phê duyệt gói cứu trợ Covid-19 trị giá 950 triệu USD kéo dài thêm nhiều tháng nữa. 
 
Các nhà kinh tế nhận định việc các chính phủ ngừng các gói cứu trợ quá sớm có thể cản trở đà phục hồi của nền kinh tế. Neal Shearing, nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics, cho rằng đây là "rủi ro lớn nhất" mà các nền kinh tế trên thế giới phải đối mặt trong ngắn hạn. 
 
Ngoài ra việc giảm bớt sự hỗ trợ của chính phủ quá sớm sẽ làm suy yếu sức hồi phục sau đại dịch. Mặc dù các ngân hàng trung ương được kỳ vọng ​​sẽ tung ra nhiều gói kích thích hơn nữa để cố gắng thúc đẩy nền kinh tế, nhưng họ hiện đang thiếu một kênh để gửi tiền trực tiếp đến các hộ gia đình.
 
Mỹ Duyên