Theo các nhà khoa học Hà Lan, người phụ nữ cao tuổi mắc một loại bệnh về tế bào máu và suy giảm miễn dịch, đã nhiễm bệnh lần thứ hai khoảng 2 tháng sau khi nhiễm Covid-19 lần đầu tiên. Vài ngày sau tình trạng của bà trở nên tồi tệ hơn, và hai tuần sau khi nhập viện bệnh nhân đã tử vong do tái nhiễm. Trang BNO của Hà lan lưu ý rằng đây là trường hợp tử vong đầu tiên trên thế giới do tái nhiễm
Covid-19.
Cuối tháng 8, nhà virus học Marion Koopmans cho biết, ca tái nhiễm căn bệnh này ở Hà Lan được phát hiện lần đầu tiên ở một bệnh nhân lớn tuổi bị suy giảm hệ miễn dịch. Theo số liệu mới nhất, số người nhiễm COVID-19 trên thế giới đã vượt trên 37 triệu 564 nghìn người. Hơn 26 triệu người đã bình phục, trên 1 triệu người đã tử vong.
Mỹ xác nhận ca tái nhiễm COVID-19 đầu tiên.
Theo Đài NPR (Mỹ), các nhà khoa học tại bang Nevada (Mỹ) đã khẳng định thanh niên 25 tuổi tại bang này đã là trường hợp mắc COVID-19 hai lần. Đây là trường hợp đầu tiên tái nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) được xác nhận tại Mỹ và là trường hợp thứ năm như vậy trên thế giới. Các ca tái nhiễm SARS-CoV-2 cho tới nay đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc cần duy trì thực hiện giãn cách xã hội và đeo khẩu trang ngay cả với ai đó đã từng mắc và khỏi COVID-19.
Nghiên cứu cũng đặt ra những câu hỏi chưa thể giải đáp rõ ràng ở thời điểm này về cơ chế phản ứng của hệ miễn dịch con người với chủng virus corona gây bệnh COVID-19.Theo nghiên cứu công bố ngày 12-10 trên tạp chí y khoa The Lancet, người bệnh ở Nevada mắc COVID-19 hai lần cách nhau 6 tuần.
Người bệnh này dương tính với virus corona lần đầu trong tháng 4 với các triệu chứng biểu hiện gồm ho và buồn nôn. Sau đó anh khỏi bệnh và có kết quả xét nghiệm âm tính với virus trong tháng 5. Tuy nhiên tới cuối tháng 5 anh lại được đưa tới một trung tâm cấp cứu y tế với các triệu chứng sốt, ho và choáng váng. Đầu tháng 6 anh lại dương tính với virus corona và phải nhập viện điều trị.
Theo các tác giả nghiên cứu, lần nhiễm bệnh thứ hai của anh có các biểu hiện triệu chứng nặng hơn lần đầu. May mắn là anh tiếp tục vượt qua COVID-19. Đây là ca tái nhiễm COVID-19 thứ hai mà tình trạng sức khỏe của người bệnh bị nặng hơn lần nhiễm virus đầu tiên. Trước bệnh nhân ở Nevada (Mỹ), một người bệnh khác ở Ecuador cũng đã trải qua tình trạng tương tự: tái nhiễm và bệnh nặng hơn.
Cho tới nay giới khoa học vẫn chưa chắc chắn về lý do của tình trạng này. Về lý thuyết, hệ miễn dịch trong cơ thể chúng ta sẽ sản sinh kháng thể sau lần mắc bệnh đầu tiên để giúp cơ thể có thể đương đầu tốt hơn nếu bị phơi nhiễm virus lần sau.
Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi một số quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Châu Âu lại đối mặt với đợt bùng phát dịch mới khi số ca bệnh tăng mại trở lại ở các nước thành viên.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 8.035.304 ca mắc và 220.005 ca tử vong. Ngày 12/10, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin và Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows đã kêu gọi quốc hội lưỡng viện sớm thông qua dự luật cứu trợ liên quan đến đại dịch COVID-19 bằng cách sử dụng số tiền còn lại từ Chương trình Bảo vệ tiền lương, trong bối cảnh các cuộc thương lượng về một gói cứu trợ toàn diện hơn vẫn đang gặp khó khăn.
Trong một thông cáo bằng văn bản cùng ngày, Bác sĩ riêng của Nhà Trắng Sean Conley cho biết Tổng thống Trump đã có kết quả âm tính với COVID-19 từ cuối tuần trước, tức là khoảng 1 tuần sau khi ông xuất viện, và hiện không còn biểu hiện bệnh nữa.
Virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại 28 ngày trên bề mặt thủy tinh và tiền tệ.
Đây là kết quả của các nhà khoa học Australia đưa ra hôm nay. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng ở nhiệt độ 20 độ C, virus SARS-CoV-2 vẫn có khả năng lây nhiễm khi tồn tại trên các bề mặt như tiền giấy, nhựa và màn hình điện thoại di động trong vòng 28 ngày.
Các thí nghiệm được thực hiện lần lượt ở các mức nhiệt độ 20, 30 và 40 độ C. Kết quả cho thấy thời gian virus sống sót giảm... khi nhiệt độ tăng lên. Các nhà khoa học cũng xác định được rằng môi trường giàu protein và chất béo cũng kéo dài thời gian tồn tại của virus. Điều này giải thích khả năng lây nhiễm mạnh trong các cơ sở chế biến thịt, cũng là nơi thường xuyên duy trì nhiệt độ thấp.
WHO phản bác miễn dịch cộng đồng.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phản bác ý tưởng miễn dịch cộng đồng có thể là một chiến lược thực tế để ngăn Covid-19. Ông cho rằng những đề xuất như vậy "đơn giản là trái với luân thường đạo lý”. Trong cuộc họp báo ngày 12/10, ông Ghebreyesus nhấn mạnh: “Miễn dịch cộng đồng thành công khi bảo vệ được mọi người trước virus thay vì để họ nhiễm virus”.Chưa bao giờ trong lịch sử y tế công cộng, miễn dịch cộng đồng lại được dùng như một chiến lược để ứng phó với sự bùng phát dịch”.
WHO cho biết hơn 180 quốc gia cam kết tham gia vào cơ chế tiếp cận toàn cầu vaccine COVID-19. một nỗ lực của WHO nhằm phân phối vaccinne một cách công bằng giữa các nước giàu và nghèo.
Tính đến sáng 13-10, đại dịch COVID-19 đã lây nhiễm cho hơn 38 triệu người, trong đó có hơn 1 triệu người đã chết và 28,5 triệu người đã được chữa khỏi. Mỹ hiện là vùng dịch lớn nhất thế giới, kế đến là Ấn Độ, Brazil và Nga. Trung Quốc, nơi bùng phát dịch đầu tiên, ghi nhận tổng cộng hơn 85.500 ca nhiễm, trong đó có 4.634 ca tử vong và hiện chỉ còn 230 ca nhiễm đang điều trị tính đến cuối ngày 12-10.
Xem Thêm: WHO: 2 tỷ liều Vaccine ngừa Covid-19 có thể sẵn sàng vào cuối năm 2021
Nguyễn Dung