Thế giới trên bờ vực một cuộc khủng hoảng tài chính mới

16:14 | 12/03/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là dự báo của giới chuyên gia trước nguy cơ của “bong bóng” trên thị trường bất động sản châu Âu, thị trường chứng khoán Mỹ, trái phiếu doanh nghiệp và các loại khác bắt đầu vỡ…

Thế giới trên bờ vực một cuộc khủng hoảng tài chính mới - ảnh 1
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ, ngày 11/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN) 
Chuyên gia kinh tế Jesse Colombo, người từng dự báo cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, cho rằng thế giới đang đứng trên bờ vực một cuộc khủng hoảng tài chính mới và nó có thể tồi tệ hơn nhiều so với trước đó.

Ông Colombo lưu ý dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 không phải là nguyên nhân gốc rễ của tình trạng này, song dịch bệnh này có thể trở thành "tác nhân" cho một cuộc khủng hoảng mới.

Vấn đề chính là sự hiện diện của "bong bóng" tại hơn 20 thị trường và có thể vỡ bất cứ lúc nào. Cụ thể đó là những “bong bóng” trên thị trường bất động sản châu Âu, thị trường chứng khoán Mỹ, trái phiếu doanh nghiệp và các loại khác.

Một trong những "bong bóng" lớn nhất là tín dụng của Trung Quốc, phát triển dựa trên việc cung cấp tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Chuyên gia Colombo cảnh báo giờ đây những "bong bóng" này bắt đầu vỡ. Ông lưu ý cuộc khủng hoảng hiện nay có thể tồi tệ hơn những gì ông từng dự đoán cách đây hơn 10 năm vì tổng khoản nợ ở các lĩnh vực khác nhau đã tăng gần 100.000 tỷ USD.

Trước đó, Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đã cảnh báo, ngoài những thảm họa thảm khốc về con người do dịch COVID-19, nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD trong năm nay.

UNCTAD cảnh báo thế giới đang đứng trước nguy cơ rơi vào tình trạng "không trả nợ được" trên diện rộng và không loại trừ khả năng việc các tài sản trượt giá đột ngột sẽ "đặt dấu chấm hết đối với giai đoạn tăng trưởng của chu kỳ này".    

Phát biểu tại buổi công bố báo cáo nói trên ở Geneva (Thụy Sĩ) trong bối cảnh các thị trường tài chính thế giới "lao đao" do những quan ngại về việc gián đoạn chuỗi cung ứng từ Trung Quốc và sự bất ổn của giá dầu, ông Richard Kozul-Wright, Giám đốc Bộ phận chiến lược phát triển và toàn cầu hóa của UNCTAD nêu rõ Bộ phận này ước tính nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc dưới 2% trong năm 2020.

Nếu xảy ra kịch bản xấu nhất với việc nền kinh tế thế giới chỉ tăng trưởng khoảng 0,5% thì GDP toàn cầu có thể mất tới 2.000 tỷ USD.

Theo ông Kozul-Wright, rất khó để có thể dự doán phản ứng của các thị trường tài chính quốc tế trước các tác động của dịch COVID-19 và hiện tại mức độ lo ngại về vấn đề y tế là rất nghiêm trọng.

Ông nhấn mạnh để làm giảm những lo ngại này, chính phủ các nước cần phải đầu tư ngăn chặn tình trạng hỗn loạn, bởi hỗn loạn thậm chí còn gây thiệt hại hơn so với dịch COVID-19 có thể kéo dài đến hết năm nay.

Ngày 8/3, UNCTAD cũng đã đưa ra báo cáo đánh giá sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ khiến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu giảm 5-15% so với các dự báo được đưa ra trước đó. Các ngành chế tạo ôtô, hàng không và năng lượng bị thiệt hại nặng nề nhất. UNCTAD cảnh báo tác động tiêu cực của dịch COVID-19 nhiều khả năng sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Trong số 100 công ty đa quốc gia được UNCTAD theo dõi như một thước đo kinh tế toàn cầu, nhiều công ty đang giảm bớt chi tiêu vốn vào các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và 41 công ty trong số này đã đưa ra cảnh báo lợi nhuận - yếu tố sẽ tác động đến lợi nhuận tái đầu tư, "lực đẩy chính" của FDI.