Biến động trong 'cuộc đua CASA' của các ngân hàng

Lê Phương 14:17 | 27/07/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Báo cáo tài chính của nhiều ngân hàng đã được đồng loạt công bố trong tuần qua. Bên cạnh các số liệu về lợi nhuận, tài sản, doanh thu... thì tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cũng đặc biệt được chú ý.

Theo đó, nếu xét về số dư tuyệt đối, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vẫn chiếm lợi thế dẫn đầu về "tiền rẻ" trong hệ thống với 402.000 tỷ đồng tính đến hết tháng 6/2022. Số tiền gửi không kỳ hạn trên chiếm đến 34% trong tổng tiền gửi khách hàng của ngân hàng này.

Tuy nhiên, nếu xét về tỷ lệ, quán quân CASA thuộc về Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với 47,5%, tương đương 152.700 tỷ đồng. Vị trí này đã được Techcombank duy trì trong nhiều năm qua nhờ hàng loạt chính sách miễn phí giao dịch trực tuyến, tập trung thu hút tiền gửi không kỳ hạn để giảm chi phí vốn và đẩy mạnh giải pháp số.

Dù vẫn trụ vững ở mức cao nhưng CASA của Techcombank đã ghi nhận sự sụt giảm so với dấu mốc kỷ lục hơn 50% của quý trước.

Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo Techcombank đánh giá tỷ lệ CASA bị ảnh hưởng chỉ là tạm thời, ngân hàng đã có những hành động ngay lập tức và dự kiến sẽ lấy lại phong độ 50% vào cuối năm nay.

"Sụt giảm CASA là một xu hướng chung của toàn ngành, Techcombank cũng không nằm ngoài số đó. Bởi thay vì gửi tiền ngân hàng, khách hàng chuyển sang những kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản hoặc xoay vòng vốn... Với khách hàng doanh nghiệp, cũng có doanh nghiệp khó vay vốn từ các tổ chức tài chính khác nên rút tiền gửi tại Techcombank ra để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh", Tổng Giám đốc Techcombank Jens Lottner chia sẻ.

Bên cạnh đó, không khó để thấy chính sách miễn phí hàng loạt giao dịch trực tuyến vốn là "đặc sản" hút CASA của riêng Techcombank thì nay cũng đã được hàng loạt các ngân hàng, kể cả ngân hàng lớn áp dụng.

Dường như có một “cuộc đua CASA” âm thầm giữa các ngân hàng trong vài năm trở lại đây. Việc gia tăng tiền gửi không kỳ hạn giúp các ngân hàng huy động được nguồn vốn rẻ, tiết giảm chi phí đầu vào, từ đó cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Nhất là trước áp lực giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, CASA càng trở thành một trong những chỉ tiêu được các ngân hàng quan tâm đặc biệt.

Trở lại với kết quả 6 tháng, xu hướng sụt giảm CASA còn được ghi nhận tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) khi tỷ lệ này giảm từ 38,33% hồi cuối quý I/2022 xuống còn 36,72% ở thời điểm hiện tại. Dù vậy, so với cuối năm 2021, tỷ lệ CASA hiện tại vẫn cao hơn nhờ việc MSB đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ và chương trình khuyến mại hấp dẫn, hướng tới mục tiêu tối ưu hóa cấu trúc vốn.

Sau Techcombank và MSB, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng giảm mạnh đến 2,5% tỷ lệ CASA so với quý trước, xuống còn 19%. Tương tự tại một số ngân hàng khác như Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank)..., tỷ lệ CASA cũng giảm nhẹ so với quý đầu năm.

Theo giới chuyên gia, CASA từ nay tới cuối năm vẫn tăng nhưng tỷ trọng CASA trong tổng tiền gửi sẽ khó giữ phong độ như trước. Nguyên nhân là bởi dòng tiền đang có xu hướng quay trở lại ngân hàng khi các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, tiền ảo... không mấy sáng sủa, nhưng thay vì để tiền trong tài khoản thanh toán chờ cơ hội lướt sóng như trước, người dân sẽ có xu hướng lựa chọn tiền gửi có kỳ hạn nhằm gia tăng lợi nhuận.

Bên cạnh đó, Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng tỷ lệ CASA trong các quý tới có thể sẽ gặp áp lực giảm do thị trường đầu tư tài sản kém thuận lợi và dòng tiền nhàn rỗi rút ra để tập trung đầu tư cho sản xuất kinh doanh.

Chính những nguyên nhân này sẽ khiến chi phí huy động vốn của ngân hàng có thể tăng lên, nguồn vốn giá rẻ cũng kém dồi dào hơn giai đoạn trước. Trong khi đó, lãi suất cho vay lại chưa thể tăng tương ứng do nhiều chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Điều này phần nào sẽ tác động đến lợi nhuận ngân hàng trong nửa cuối năm.

Dù vậy, VCBS dự báo một số ngân hàng vốn có lượng khách hàng thường xuyên tăng nhanh như Techcombank, MSB, TPBank… sẽ có ưu thế hơn về nguồn vốn giá rẻ, giúp giảm được chi phí vốn trong dài hạn.

Trên thực tế, số liệu cập nhật mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tại ngày 31/5/2022, tổng tiền gửi của hệ thống ngân hàng đạt hơn 11,37 triệu tỷ đồng, tăng 48.478 tỷ đồng so với cuối tháng 4 và tăng hơn 430.000 tỷ đồng (tăng 3,93%) so với cuối năm 2021.

Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 5,8 triệu tỷ đồng, tăng 11.589 tỷ đồng so với cuối tháng 4 và tăng 161.615 tỷ đồng (tăng 2,86%) so với cuối năm 2021. Còn tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,56 triệu tỷ đồng, tăng 36.889 tỷ đồng so với tháng 4 và tăng 268.480 tỷ đồng (tăng 5,07%) so với cuối năm 2021.

Như vậy, tiền gửi của dân cư trong 5 tháng đầu năm ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với tiền gửi của doanh nghiệp.

Các tổ chức tín dụng kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống sẽ tăng bình quân 4,9% trong quý III và tăng 11,5% trong năm 2022. Mặt bằng lãi suất cho vay và huy động cũng được dự báo có thể tăng nhẹ trong quý III/2022 và trong cả năm 2022 giữa bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng và xu hướng tăng lãi suất phổ biến trên thế giới.