Thị trường “tồi tệ hơn cả giai đoạn COVID”, Vosco báo lỗ nặng trong quý I

Trang Mai 15:59 | 07/05/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
CTCP Vận tải Biển Việt Nam (Vosco, mã: VOS) vừa công bố quý thua lỗ thứ 3 liên tiếp, cũng là mức lỗ nặng nhất từ quý I/2020 đến nay.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I vừa công bố, doanh thu của hãng tàu biển chỉ đạt 462 tỷ đồng, giảm 58% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính là năm ngoái, Vosco có hơn 521 tỷ đồng doanh thu từ mảng thương mại hàng hóa, nhưng năm nay khoản này không còn.

Doanh thu thấp hơn giá vốn khiến Vosco lỗ gộp gần 35 tỷ đồng. Trong khi đó, các khoản thu chi khác không thay đổi nhiều, dẫn đến lỗ ròng gần 54 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp doanh nghiệp này báo lỗ. 

 

Trong giải trình, Vosco cho biết thị trường tàu hàng khô quý đầu năm rất khó khăn. Giá cước sụt giảm mạnh do cung vượt cầu. Có những thời điểm, giá thuê tàu Supramax chỉ còn 2.500-3.000 USD/ngày, mức thấp nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Tàu loại nhỏ như Small Handy cũng bị cạnh tranh gay gắt do lượng hàng khan hiếm. Ngoài ra, thị trường tàu dầu không ổn định, đặc biệt trong kỳ nghỉ lễ và cuối tháng 3, khiến doanh thu từ đội tàu giảm sút.

Một phần nguyên nhân lỗ còn đến từ việc Vosco trích khấu hao nhanh để tạo dòng tiền phục vụ đầu tư. Công ty cho biết nếu áp dụng mức khấu hao thông thường, quý I vẫn có lãi. Bên cạnh đó, một số tàu lớn như Vosco Sky, Vosco Unity và Vosco Starlight phải dừng hoạt động để sửa chữa định kỳ, dẫn đến không có doanh thu.

Năm 2025 Vosco đặt mục tiêu vận chuyển 7,5 triệu tấn hàng, tăng 16% so với năm 2024. Tuy nhiên, doanh thu mục tiêu giữ nguyên ở mức 6.000 tỷ đồng, còn lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm 10%, xuống còn 376 tỷ đồng. Kết quả quý đầu năm cho thấy những thách thức ban đầu trong việc đạt được kế hoạch này.

Tại ĐHĐCĐ 2025 tổ chức hồi tháng 4, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, để cải thiện tình hình, Vosco kỳ vọng hoạt động thương mại sẽ hồi phục từ quý II. Đồng thời, công ty đang đẩy mạnh kế hoạch mở rộng và tái cấu trúc đội tàu theo hướng linh hoạt, kết hợp mua mới và mua lại tàu cũ. Danh mục đầu tư dự kiến bao gồm 2 tàu hàng rời Supramax, 4 tàu dầu MR, 4 tàu Ultramax. Ngoài ra, Vosco cũng có kế hoạch mua thêm 1–2 tàu container cũ có sức chứa khoảng 1.000 TEUs và khoảng 1.600 vỏ container.

Song song với việc bổ sung tàu mới, Vosco cũng tiến hành tái cấu trúc đội tàu hiện có. Công ty lên kế hoạch bán thanh lý tàu hàng rời Vosco Star đóng từ năm 1999 trong quý II, đồng thời cân nhắc chuyển nhượng hai tàu container đang khai thác tùy theo diễn biến thị trường. 

Gần đây nhất, Vosco đã nhận bàn giao tàu Vosco Starlight vào đầu tháng 1 và bổ sung tàu hàng khô Vosco SunLight (trọng tải gần 56.000 DWT, đóng tại Nhật Bản năm 2013), nâng tổng số tàu trong đội lên 16 chiếc (gồm 9 tàu hàng khô).

 Tàu Vosco SunLight mới nhận bàn giao. Ảnh: Vosco.

Tính đến cuối tháng 31/3/2025, tổng tài sản Vosco đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Khoản tiền mặt và tiền gửi ngân hàng gần 1.200 tỷ đồng. Nợ phải trả hơn 1.100 tỷ đồng, trong đó có khoản vay dài hạn mới phát sinh 214 tỷ đồng.

Trong quý I, Vosco đã chi 374 tỷ đồng để đầu tư tài sản cố định, tài sản này không được thuyết minh cụ thể. 

Ngành vận tải biển 2025 vẫn còn nhiều điểm sáng

Chỉ số cước vận tải container thế giới Drewry cho thấy, cước vận tải biển từ 3.905 USD/container 40 feet vào đầu năm 2025 xuống còn 3.364 USD/container vào cuối tháng 1, tương ứng mức giảm hơn 16% chỉ trong một tháng, chủ yếu do lệnh ngừng bắn tại khu vực Trung Đông.

Theo Xeneta (nền tảng phân tích cước vận tải đường biển và hàng không), lệnh ngừng bắn ở Trung Đông không có nghĩa là tàu thuyền đi qua Biển Đỏ đã an toàn, nhưng điều này đủ để thay đổi tâm lý thị trường và tác động đáng kể đến cước vận tải biển quốc tế.

Đối với thị trường vận tải hàng rời, giá cước cũng sẽ giảm do cán cân cung - cầu được dự báo đảo chiều so với năm 2024. Tuy nhiên, sản lượng vận chuyển vẫn là điểm sáng cho ngành vận tải biển trong năm nay. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự báo, khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu năm 2025 tăng trưởng 3% so với năm trước. Trong đó, dự báo tăng trưởng xuất khẩu từ các nước châu Á đạt 4,7%.

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán An Bình (ABS), ngành vận tải biển năm 2025 sẽ tiếp tục đà tăng trưởng do dự báo sản lượng vận chuyển tiếp tục gia tăng. Trong đó, các yếu tố hỗ trợ gia tăng sản lượng hàng hoá vận tải đến từ kinh tế Việt Nam đang phấn đấu tăng trưởng 8% trong năm 2025. Đặc biệt, hoạt động đầu tư công và phát triển hạ tầng tiếp tục được Chính phủ thúc đẩy, với hàng loạt dự án đường cao tốc, sân bay, cảng biển... được triển khai, từ đó gia tăng nhu cầu vận tải nguyên vật liệu, hàng rời.