Kinh doanh dưới giá vốn, Vosco vẫn báo lãi tăng gần 200 lần nhờ bán tàu già
Kinh doanh dưới giá vốn, Vosco lãi lớn nhờ bán tàu già
CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco, mã: VOS) vừa công bố báo cáo tài chính tổng hợp quý II/2024 với doanh thu 1.865 tỷ đồng, tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái và lãi sau thuế 284 tỷ đồng, tăng 197 lần so với mức lãi chỉ 1,44 tỷ đồng cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng, Vosco ghi nhận doanh thu thuần 2.955 tỷ đồng, tăng 91% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng vọt 392% so với nửa đầu năm 2023 lên mức 356 tỷ đồng. Tại ĐHĐCĐ năm nay, Vosco đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 2.440 tỷ đồng và lãi trước thuế 323 tỷ đồng. Như vậy, chỉ sau nửa năm, doanh nghiệp đã vượt kế hoạch kinh doanh đề ra cho cả năm.
Đáng lưu ý là khoản lợi nhuận đột biến của Vosco trong quý II vừa qua không đến từ sự khởi sắc của hoạt động kinh doanh chính. Thực tế, doanh nghiệp vẫn đang kinh doanh dưới giá vốn và ghi nhận lỗ gộp quý II là 27 tỷ đồng (cùng kỳ lãi gộp 28 tỷ đồng).
Thực chất, ức tăng đột biến của lợi nhuận trong quý này chủ yếu đến từ khoản mục Thu nhập khác ghi nhận 393 tỷ đồng nhờ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định (tăng mạnh từ mức 442 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái).
Doanh nghiệp chưa công bố báo cáo giải trình khoản lợi nhuận tăng đột biến. Tuy nhiên, vào tháng 11/2023, Vosco từng công bố thông tin chào bán tàu chở hàng rời Neptune Star (trọng tải 25.398 DWT đóng năm 1996 tại Nhật Bản). Ghi nhận tại ngày 31/12/2023, Vosco quản lý và khai thác đội tàu 13 chiếc với tổng trọng tải 433.674 DWT gồm 7 tàu hàng khô - rời, 4 tàu dầu và 2 tàu container, giảm 1 tàu hàng khô - rời và tăng 1 tàu dầu so với thời điểm quý III.
Nhìn lại năm 2023, kết quả kinh doanh của Vosco cũng chứng kiến sự giảm sút khi tổng doanh thu cả năm đạt 3.399 tỷ đồng (+32,6% svck) nhưng lãi trước thuế chỉ đạt 200 tỷ đồng (-67% svck). Tình hình kinh doanh diễn biến tiêu cực trong bối cảnh thị trường tàu hàng khô và tàu container gặp nhiều khó khăn khi nhu cầu tiêu dùng và sản xuất hàng hóa giảm mạnh. Chỉ số tàu hàng khô BDI thường xuyên duy trì quanh mức 1.000 điểm và có thời điểm xuống chỉ còn 530 điểm. Cùng kỳ 2022, BDI thường xuyên duy trì ở mức trên 2.000 điểm, có những thời điểm lên đến 3.300 điểm.
Đội tàu tuổi đời ngày càng cao, biên lợi nhuận ngày càng giảm
Trong một báo cáo phân tích hồi đầu năm nay, Chứng khoán SBSC nhận định sau thời gian dài khó khăn (kể từ đại dịch COVID-19), quy mô và chất lượng đội tàu của Vosco đến nay đều giảm, trong khi đó cơ hội để đầu tư phát triển và trẻ hoá đội tàu đang gặp nhiều trở ngại.
Hiện nay đội tàu của VOS đang có tuổi đời cao, trước tình trạng nhu cầu vận chuyển sụt giảm do kinh tế toàn cầu đang giảm tốc và sự cạnh tranh trong ngành ngày một khốc liệt khiến biên lợi nhuận của doanh nghiệp ngày càng giảm.
Chứng khoán An Bình (ABS) trong một báo cáo mới đây cũng nhận định rằng tình hình kinh doanh năm nay của Vosco vẫn sẽ đối diện nhiều thách thức khi triển vọng năm 2024 cho tàu hàng khô dự kiến sẽ không có nhiều tín hiệu tích cực trong bối cảnh thị trường Trung Quốc cần thời gian để khôi phục lại nhu cầu xuất nhập khẩu các mặt hàng chính như than, quặng, sắt thép,…Ngoài ra nguồn cung ứng ngũ cốc, than, phân bón tại khu vực biển Đen cũng gần như bị ngưng trệ do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine.
Mảng tàu container cũng được dự báo sẽ chứng kiến cầu vận chuyển suy giảm nghiêm trọng do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu vì lạm phát cũng như lãi suất tăng nhanh. Lượng lớn cung tàu mới đưa vào thị trường (700 tàu vào 2023-2024, 150 tàu vào 2025) kết hợp tăng trưởng thương mại chững lại có thể ảnh hưởng đến giá cước vận tải.
Điểm sáng duy nhất đến từ nhóm tàu dầu/sản phẩm, khi năm 2024 tiếp tục được dự báo là năm thuận lợi cho thị trường tàu dầu/sản phẩm với nhu cầu dự kiến tăng trưởng khoảng 6-8% trong khi nguồn cung tàu sụt giảm 0,7%. Giá cước thuê tàu chuyến, tàu định hạn và giá tàu cũ có thể tiếp tục tăng trong năm 2024.
Nhìn chung, ABS cho rằng với dự báo ảm đạm của thị trường vận tải container quốc tế cũng như vận tải hàng rời thì thị trường nội địa dự báo còn gặp nhiều khó khăn.
Nhìn lại quá khứ, đến hết năm 2022, Vosco mới khắc phục hết khoản lỗ lũy kế từ giai đoạn dài thị trường vận tải biển chìm trong khó khăn (2013-2020). Tình hình kinh doanh năm 2023 vẫn chưa lạc quan như kỳ vọng trong khi doanh nghiệp đánh giá triển vọng 2024 còn nhiều thách thức. Tại ĐHĐCĐ năm nay, Vosco cho biết không tiến hành chia cổ tức năm 2024 nhằm tập trung nguồn tài chính cho kế hoạch đầu tư phát triển đội tàu, đảm bảo hoạt động bền vững và lâu dài.
Sau khi bán tàu hàng rời Neptune Star, trong năm nay, Vosco dự kiến bán tiếp tàu dầu sản phẩm Đại Minh, đóng năm 2004 tại Nhật Bản do tàu đã trên 20 tuổi, khó có thể khai thác hiệu quả do đặc thù của dòng tàu này. Ngoài ra, Công ty dự kiến sẽ trả lại 2 tàu Đại An và Đại Phú trong năm 2024 do hết hợp đồng thuê.
Về kế hoạch đầu tư, năm 2024, Vosco dự kiến đầu tư 1 tàu hàng rời 38.000 DWT, 1 tàu hàng rời 64.000 DWT và 1 tàu dầu MR 50.000 DWT nếu thị trường thuận lợi (tổng mức đầu tư khoảng 1.900 tỷ đồng, đối ứng 40% khoảng 760 tỷ đồng). Ngoài ra, Vosco tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường, tập trung nguồn lực tài chính để tìm kiếm, thuê thêm tàu để khai thác bằng nhiều hình thức hoặc đầu tư thêm tàu.
Theo kế hoạch dài hạn, dự kiến đến năm 2027, Vosco sẽ khai thác 23 tàu, với 16 tàu hàng khô (9 tàu thuê ngoài); 4 tàu dầu sản phẩm thuê ngoài; 3 tàu container (1 tàu thuê ngoài), tổng trọng tải khoảng 800.000 DWT.