Thị trường ví điện tử phát triển mạnh mẽ trong đại dịch Covid - 19

11:07 | 30/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đại dịch Covid – 19 khiến phương thức thanh toán online ngày càng phát triển mạnh mẽ, trong đó ví điện tử góp phần quan trọng, giúp người dân hạn chế đi lai lại, mua sắm không cần dùng tiền mặt.

Ví điện tử “bùng nổ” mùa Covid - 19

Trong bối cảnh dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam, ví điện tử là phương thức được nhiều người sử dụng bên cạnh các giao dịch thực hiện qua Mobile Banking, Internet Banking, cà thẻ, quét QR Code, thanh toán bằng nhận diện gương mặt... 

Ngoài các ví điện tử phổ biến đang được người dùng sử dụng nhiều như MoMo, Moca, ZaloPay, Viettel Pay, Payoo, ShopeePay…trên thị trường lại xuất hiện thêm ví điện tử MobiFone Pay khiến cuộc đua trở nên ráo riết, sôi động. Các cổng thanh toán, ví điện tử nắm bắt cơ hội thực hiện nhiều các chương trình ưu đãi khi thanh toán online khiến cho tỷ lệ thanh toán bằng hình thức này tăng cao.

Khảo sát của Visa cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đang dần ưu tiên lựa chọn sử dụng ví điện tử cũng như thanh toán không tiếp xúc và thanh toán bằng mã QR. Đặc biệt, 57% người tiêu dùng có tới ba ứng dụng ví điện tử trên điện thoại, 55% người tiêu dùng ưa thích ứng dụng có thể thực hiện tất cả các giao dịch.

Thị trường ví điện tử phát triển mạnh mẽ trong đại dịch Covid - 19 - ảnh 1

Ví điện tử ngày càng phát triển mạnh do tác động của Covid - 19.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đầu năm 2021, có hơn 200 triệu giao dịch được thực hiện thông qua ví điện tử, với giá trị khoảng 77,7 nghìn tỷ đồng. Sự thuận tiện của ví điện tử trong thanh toán là lý do để nhiều ngân hàng “nhảy” vào mảng dịch vụ này.

Ông Vũ Minh Đức - Giám đốc vận hành ShopeePay cho biết, trong năm 2020,  tổng số đơn đặt hàng được thanh toán qua ví điện tử ShopeePay trên toàn khu vực đã tăng trưởng gấp 4 lần. Trong đó, nhóm tăng trưởng mạnh nhất ở hầu hết các thị trường là nhóm người dùng trên 50 tuổi - độ tuổi thường được xem là khó thích ứng với thanh toán kỹ thuật số.

Theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng, một trong những dấu ấn đặc biệt nhất trên thị trường thanh toán 5 năm qua là sự nổi lên của ví điện tử. Dù giá trị giao dịch chưa bằng ngân hàng, song số giao dịch qua ví điện tử đã gần tương đương giao dịch ngân hàng.

Từ khi xảy ra dịch Covid-19, số lượng người sử dụng ví điện tử tang mạnh mẽ, hơn 85% người tiêu dùng sở hữu ít nhất một ví điện tử hoặc ứng dụng thanh toán, hơn 42% người tiêu dùng sử dụng thanh toán không tiếp xúc bằng thiết bị di động. Đặc biệt, 71% người dùng sử dụng ví điện tử hoặc các ứng dụng thanh toán ít nhất một lần/tuần.

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện hầu hết các ví điện tử đều liên kết với tất cả các ngân hàng để mở rộng hệ sinh thái khách hàng và gia tăng trải nghiệm thanh toán cho người dùng. Ví điện tử đang hoạt động theo cơ chế người dùng chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng sang tài khoản thanh toán, nên không bị khống chế hạn mức thanh toán. Bởi vậy, các đơn vị vận hành ví điện tử tăng cường liên kết với các ngân hàng để mở rộng phạm vi chuyển tiền thanh toán cho người dùng.

Ngược lại, các ngân hàng cũng có lợi thế mở rộng khách hàng và tận dụng được một hệ sinh thái thanh toán sẵn có kết nối với các sàn thương mại điện tử, cửa hàng tiện lợi...

Theo dự báo của AppotaPay, thị trường thanh toán không dùng tiền mặt trong 3-5 năm tới sẽ phát triển rất mạnh. Trong đó, Mobile Money cùng với ví điện tử sẽ là những dịch vụ mũi nhọn giúp thanh toán không dùng tiền mặt và chiếm lĩnh được tới thị phần rộng lớn còn lại trong bức tranh thanh toán trực tuyến ở Việt Nam.

Hiện các ví điện tử đang hoạt động đều cung cấp đầy đủ các tiện ích cơ bản như thanh toán điện thoại, điện, nước, Internet, thanh toán, thanh toán các khoản vay, phí bảo hiểm, phí dịch vụ chung cư, dịch vụ công, học phí, mua vé (tàu xe, máy bay)…

Ngoài việc xây dựng cho mình các trò chơi, chương trình ưu đãi riêng, các ví còn liên kết với các sàn thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Zalora… để gia tăng trải nghiệm, tiện ích cho khách hàng. Ví điện tử nào có nhiều tiện ích, phù hợp với tập khách hàng của mình sẽ có được lợi thế trong cuộc đua thu hút khách hàng.

Cuộc đua khốc liệt

Sự phát triển ví điện tử là tín hiệu vô cùng đáng mừng đối với lĩnh vực fintech Việt Nam, tuy nhiên nó cũng báo hiệu sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường này trong thời gian tới. Ví dụ, Việt Nam chỉ có hơn 97 triệu dân nhưng đã có tới 37 ví điện tử của các trung gian thanh toán, chưa kể ví điện tử của các ngân hàng thì Trung Quốc với hơn 1,4 tỷ dân nhưng lại chỉ có vài ví điện tử chiếm thị phần chi phối.

Để cạnh tranh thị trường, nhiều ví điện tử đã liên kết với rất nhiều ngân hàng, cụ thể như MoMo đang kết nối trực tiếp với 28 ngân hàng trong nước và quốc tế lớn nhất tại Việt Nam, cùng với hệ thống điểm nạp/rút phủ khắp toàn quốc, nổi bật là Circle K, Ministop, FPT Shop... giúp việc nạp và rút tiền trở nên đơn giản, nhanh chóng.

Thị trường ví điện tử phát triển mạnh mẽ trong đại dịch Covid - 19 - ảnh 2

Cuộc đua chiếm thị phần của các ví điện tử dự báo sẽ diễn ra vô cùng khốc liệt.

Hoặc như ví điện tử Moca đang có liên kết trực tiếp với 25 ngân hàng và một ngân hàng số tại Việt Nam, giúp người dùng thanh toán không tiền mặt an toàn, bảo mật và tiện lợi; mang đến cho người dùng những trải nghiệm liền mạch và thuận tiện, qua việc cho phép người dùng thanh toán cho các dịch vụ di chuyển, đặt đồ ăn, đi chợ hộ… trên ứng dụng Grab. Bên cạnh đó, người dùng còn có thể thanh toán cho các dịch vụ ngoài ứng dụng Grab như thanh toán hóa đơn, nạp tiền điện thoại, thanh toán tại cửa hàng, mua sắm trực tuyến…

Moca cũng đang ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng về số lượng người dùng thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là kết quả từ xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng tăng và việc người dùng ngày càng quan tâm đến yếu tố an toàn, giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Theo nhận định của các chuyên gia, với việc nâng cao trải nghiệm để mở rộng tập khách hàng, thị trường ví điện tử năm 2021-2022 sẽ là cuộc chiến rất gay gắt. Ưu thế sẽ thuộc về ví điện tử nào có nhiều tính năng, tiện ích và ưu đãi để giữ chân được nhiều người dùng.

Với cuộc đua cạnh tranh thị phần khốc liệt, nhiều ví điện tử đã phải chọn hướng đi mới để tồn tại và giữ khách hàng. Trong hướng đi đó, việc liên kết với các sàn thương mại điện tử được các ví điện tử lựa chọn nhiều nhất để tăng tỉ lệ người dùng quay trở lại cũng như tăng khách hàng trung thành.

Đơn cử như từ tháng 11/2019, Lazada chính thức tích hợp phương thức thanh toán qua ví điện tử eMonkey (eM). Shopee cũng áp dụng nhiều chính sách khuyến mại hấp dẫn cho người dùng khi thực hiện thanh toán qua ví AirPay, Sendo có ví SenPay, Tiki hợp tác với ví điện tử MoMo.

Nhiều chuyên gia tài chính nhận định, bắt đầu từ năm 2021, sau giai đoạn bùng nổ, thị trường ví điện tử nói riêng và fintech nói chung sẽ bắt đầu có các cuộc chạy đua về thành lập hệ sinh thái số, đồng thời thanh lọc lẫn nhau. Những ví điện tử giống nhau sẽ phải tìm hướng đi mới, xây dựng nên những “siêu ứng dụng” để tồn tại, nếu không muốn lao vào cuộc đua “đốt tiền” lãng phí.

Hùng Dân

Xem thêm: zalopay-lo-lien-tuc-5-nam-luy-ke-toi-1000-ty-dong