Thị trường xe máy tại Việt Nam: Xe cũ lại đắt hơn xe mới
Cùng với việc thiếu chip toàn cầu khiến nhiều mẫu xe máy sản xuất trong nước bị hạn chế nguồn cung sản phẩm, giá tăng cao, thị trường xe máy cũ được dịp “lên ngôi,” đặc biệt một số dòng xe “hot” đang có giá bán cao hơn cả giá bán lẻ đề xuất của xe mới.
Xe mới hạn chế nguồn cung, giá tăng đến 20 triệu đồng
Quan sát thị trường xe máy ở Hà Nội cho thấy giá bán nhiều mẫu xe máy của Yamaha, Piaggio, Suzuki... vẫn khá ổn định và có tăng nhưng không đáng kể, nhiều mẫu xe tay ga “ăn khách” với khả năng tiết kiệm nhiên liệu như Honda Vision, Honda AirBlade, Honda SH Mode… đang bị “đội giá” từ dăm triệu đến hơn 20 triệu đồng với lý do là nguồn cung khan hiếm.
Điểm nhấn của thị trường là mẫu xe tay ga Vision bán chạy nhất của Honda Việt Nam hàng tháng với thiết kế nhỏ gọn, thời trang, tiết kiệm nhiên liệu, nhiều tiện ích và cốp xe khá rộng được nhiều người chọn mua đang có giá bán chênh đến hơn 20 triệu đồng so với giá bán lẻ đề xuất của nhà sản xuất.
Cụ thể, Honda Vision có các phiên bản Tiêu chuẩn và Cao cấp, giá bán lẻ đề xuất lần lượt là 30,230 triệu và 31,899 triệu đồng, ở các đại lý có giá chào bán từ 42 triệu đến 45 triệu đồng, tăng từ gần 12 triệu đến hơn 13 triệu đồng. Đặc biệt, Honda Vision bản Cá tính có giá bán lẻ đề xuất là 35 triệu đồng, ở các đại lý đang đội giá lên từ 53 triệu đến 55 triệu đồng, tăng từ 18 triệu đến hơn 20 triệu đồng so với giá niêm yết.
Điều đáng chú ý, dù giá tăng cao như vậy nhưng không phải khách cần mua là có xe giao ngay. Lý giải về việc này, nhân viên bán hàng của đại lý Kường Ngân ở Nguyễn Lương Bằng (Hà Nội) cho hay do tình trạng thiếu linh kiện, chip bán dẫn cho sản xuất nên nguồn cung xe bị hạn chế và đã tạo ra sự khan hàng, tăng giá. Với những khách có nhu cầu đặt mua, đại lý sẽ lưu số điện thoại lại khi nào có sẽ báo chứ không dám nhận cọc do không biết chính xác thời gian có xe giao.
Cùng với Honda Vision, giá xe Honda SH Mode phiên bản Tiêu chuẩn phanh CBS và phanh APS có giá bán lẻ đề xuất 55,659 triệu và 60,666 triệu đồng, tại các đại lý có giá bán chênh từ 10 đến 15 triệu đồng. Không quá "hot" như Vision, nhưng Honda LEAD cũng đang được bán chênh lệch từ 6 triệu đến 8 triệu đồng so với giá bán lẻ đề xuất của nhà sản xuất…
Thậm chí, mẫu xe số bình dân Wave Alpha thường xuyên có giá bán dưới giá đề xuất khoảng dưới 1 triệu đồng, nay cũng được chào bán với giá 23 triệu đồng, chênh hơn 5 triệu đồng so với giá niêm yết 17,859 triệu đồng; Honda Blade chào bán từ 22-24 triệu đồng, chênh từ 2,7-3 triệu đồng so với giá bán lẻ đề xuất từ 18,841-21,295 triệu đồng.
Không chỉ Honda Việt Nam khan hiếm nguồn cung và tăng giá, một số sản phẩm xe máy của Yamaha như Janus, Latte hay Grande vốn có sự ổn định về giá cũng rơi vào tình cảnh tương tự, nhưng mức chênh ít hơn so với giá đề xuất.
Chị Nguyễn Thu Hằng ở Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội cho hay, mấy ngày qua chị đi nhiều đại lý xe máy Honda ở Hà Nội để tìm mua Honda Vision nhưng các đại lý không chốt được thời gian bàn giao xe nên chị đã chuyển sang mua xe Yamaha Janus phiên bản giới hạn với giá 35 triệu đồng, tăng 3,1 triệu đồng so với giá niêm yết và được đại lý hẹn tuần sau sẽ bàn giao xe...
Nói về tình trạng khan hàng, đại diện Honda Việt Nam - Nhà sản xuất xe máy chiếm đến 80% thị phần ở Việt Nam cho biết toàn ngành tự động hóa nói chung và sản xuất ôtô, xe máy nói riêng đang phải gánh chịu hệ quả nặng nề sau đại dịch COVID-19, các biến động kinh tế-chính trị, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung chip bán dẫn toàn cầu và giá nguyên liệu đầu vào tăng.
Đặc biệt, kể từ tháng Tư năm nay, Honda Việt Nam phải đối mặt với sự sụt giảm sản lượng sản xuất bình quân của một số mẫu xe ga sản xuất trong nước. Tình trạng này được dự báo sẽ tiếp diễn khi hiện tại sản lượng giảm khoảng hơn một nửa so với kế hoạch ban đầu…
Còn về giá bán, Honda Việt Nam cho rằng bên cạnh việc thiếu hụt nguồn cung chip bán dẫn toàn cầu và giá nguyên liệu đầu vào tăng, bản thân Honda Việt Nam và các đại lý cũng như các cửa hàng xe máy được Honda ủy nhiệm (Head) là các pháp nhân độc lập. Honda Việt Nam chỉ có thể đưa ra mức giá bán lẻ đề xuất chứ không có quyền bắt buộc hay đưa ra mệnh lệnh đối với các Head này. Mức giá người tiêu dùng mua xe cao hơn so với giá bán lẻ đề xuất cũng có một phần nguyên nhân là mất cân đối giữa cung và cầu. Trong trường hợp cung không đủ cầu, người tiêu dùng sẽ mua xe với giá cao hơn.
Xe cũ “lên ngôi,” giá cao hơn xe mới
Khi thị trường xe máy mới khan hàng và tăng giá, thậm chí là không có ngày hẹn giao hàng, nhiều người tiêu dùng đã chuyển sang tìm mua xe cũ cùng loại khiến thị trường này “lên ngôi” sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Chủ cửa hàng xe máy cũ ở phố Chùa Hà, Hà Nội cho biết sau thời gian dài thị trường xe máy cũ lao đao vì tồn xe do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hiện nay doanh số tăng khoảng 30% so với cách đây khoảng 3-4 tháng. Cùng với mức tăng trưởng này, giá bán xe cũ cũng tăng từ 2 đến 10 triệu đồng.
Cụ thể, các dòng xe số phổ thông như Honda Blade 110, Wave Alpha 110cc, Yamaha Sirius giá tăng từ 2 đến 3 triệu đồng; còn các dòng xe tay ga “hot” như Honda Vision, Honda AirBlade, Honda SH do nguồn cung xe mới hạn chế lại nhiều người tìm mua nên giá xe tăng từ 5 đến 10 triệu đồng, tùy theo dòng xe, đời xe cũng như chất lượng của xe.
Honda Vision đời 2017 đã lăn bánh khoảng 10.000km có giá bán gần 30 triệu đồng; Vision đời 2018 đến 2020 đã đi được khoảng 5.000km có giá bán từ 33 triệu đồng; Vision đời 2022 đi chưa đến 1.000km được rao ở mức 47 triệu đồng, cao hơn giá niêm yết của xe mới là 35 triệu đồng.
Giá bán Honda Airblade 150cc đời 2021 đã đi 4.500km là 61,5 triệu đồng trong khi giá bán lẻ đề xuất cho phiên bản cao cấp nhất đời 2022 của mẫu xe này cũng chỉ 57,19 triệu đồng.
Thậm chí, ở Choxetot, có những chiếc Honda Vision phiên bản Tiêu chuẩn đăng ký năm 2021 đã đi được 5.000km đang rao bán 35,9 triệu đồng, cao hơn mức giá giá niêm yết của xe mới là 30,230 triệu đồng; Honda Vision phiên bản Cao cấp 2022 mới lăn bánh được 1.000km đang được rao bán với giá 45 triệu đồng, cao hơn 13 triệu đồng so với giá xe mới có giá bán lẻ đề xuất gần 32 triệu đồng.
Đặc biệt, Honda Vison phiên bản Cá tính đăng ký năm 2021, đi được 1.000km đang rao bán với giá 49,5 triệu đồng, cao hơn 14,5 triệu đồng so với giá bán lẻ đề xuất của xe mới là 35 triệu đồng.
Theo anh Nguyễn Văn Hiên, kinh doanh xe cũ ở phố Huế, Hà Nội, trong lúc nhiều mẫu xe “hot” cung không đủ cầu như hiện tại, nếu chưa thực sự cần thiết khách hàng có thể chờ thêm thời gian nữa khi các hãng đang đẩy mạnh giải pháp để tối ưu hóa năng lực sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, khi đó mua xe sẽ có giá tốt hơn.
Cùng với đó, thị trường xe máy Việt Nam có rất nhiều hãng tham gia, có rất nhiều các sản phẩm cạnh tranh về mặt chất lượng cũng như giá bán nên người tiêu dùng có thể chọn những mẫu xe tương đồng trong phân khúc có giá bán hợp lý chứ không nhất thiết phải chọn xe của hãng nào đó để phải trả thêm khoản tiền không đáng chi.
Hơn nữa, trong xu hướng điện hóa toàn cầu và trong bối cảnh giá xăng tăng cao kỷ lục như hiện nay, người tiêu dùng cũng có thể lựa chọn thêm các mẫu xe điện, vừa tiết kiệm chi phí vận hành vừa góp phần bảo vệ môi trường so với các mẫu xe máy chạy xăng.