Thiếu tính liên kết trong thị trường bán lẻ Việt Nam

17:26 | 20/03/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn đầu tư tiếp thị và bán lẻ Việt Nam do Tạp chí Kinh tế và Dự báo phối hợp cùng Hiệp hội Thương mại và điện tử Việt Nam và Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh tổ chức vào sáng 20/3 tại Hà Nội.

Theo số liệu được đưa ra của Tạp chí Kinh tế và Dự báo tại Diễn đàn, chỉ trong giai đoạn từ 2006- 2018 , đóng góp bình quân của thương mại trong GDP đều đạt mức trên 10%/năm, tạo việc làm cho khoảng 12-13% tổng lao động xã hội. Bên cạnh đó, thị trường bán lẻ Việt Nam tăng mạnh với nhiều hình thức ngày càng đa dạng, phong phú, đặc biệt là hình thức bán lẻ hiện đại như các siêu thị, trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại. Hiện cả nước có khoảng 800 siêu thị, trung tâm mua sắm và 150 trung tâm thương mại, gần 9.000 khu chợ và 2,2 triệu hộ kinh doanh bán lẻ trên khắp cả nước. Đến năm 2020, theo quy hoạch cả nước sẽ có khoảng 1.200-1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm.

Nhìn nhận về thị trường bán lẻ Việt Nam, PGS.TS Lê Xuân Đình, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết: Kể từ khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đến nay đã tròn 13 năm. Theo lộ trình đã cam kết thì đến nay thị trường bán lẻ đã mở cửa hoàn toàn. Nỗi lo lớn nhất từ thời gian mới bắt đầu hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và thế giới là chúng ta thua trên sân nhà trong cạnh tranh thị trường bán lẻ. Nhưng đến nay, bên cạnh những hạn chế tiếp tục cần khắc phục, vượt qua, thì nhiều thay đổi tích cực từ thị trường bán lẻ đã tác động lớn đến tiêu dùng của người dân cũng như phương thức phân phối sản phẩm của các nhà sản xuất và cung cấp.

Thiếu tính liên kết trong thị trường bán lẻ Việt Nam - ảnh 1
 PGS.TS Lê Xuân Đình, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo.
Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của nước ta trong giai đoạn 2011-2015 có mức tăng 11,38%; giai đoạn 2016-2018 tăng 10,55%. Tốc độ tăng bình quân hằng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng từ nay tới năm 2020 ước khoảng 13%/năm. Giai đoạn 2021-2025 ước đạt 14%. Quy mô thị trường bán lẻ tăng nhanh từ 70 tỷ USD năm 2010 lên tới 158 tỷ USD năm 2016 và dự kiến 179 tỷ USD vào năm 2020.
Mặc dù có những bước đột phá như vậy nhưng theo ông Lê Xuân Đình, thị trường bán lẻ VN vẫn tồn nhiều hạn chế, bấp cập: Thứ nhất, thị phần bán lẻ bằng các hình thức kinh doanh hiện đại ở nước ta vẫn còn thấp so với khu vực, mới chỉ chiếm 25% tổng mức bán lẻ. Thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Philippines 33%, Thái Lan (34%), Trung Quốc (51%), Malaysia (60%) và Singapore (90%). Thứ hai, phần lớn các siêu thị, trung tâm thương mại tập trung ở các thành phố lớn và khu vực nội thành, khu vực nông thôn và ngoại thành còn bỏ ngỏ, chủ yếu là cửa hàng, hộ kinh doanh cá thể, gánh hàng rong phát triển.
Bên cạnh đó, ông Đình nhấn mạnh, thi trường bán lẻ ở tầm vĩ mô còn thiếu một chiến lược tổng thể và toàn diện để đẩy mạnh lực lượng phát triển thương mại trong nước một cách bền vững. Thiếu tính liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường, thiếu chiến lược phát triển kinh doanh, tính chuyên nghiệp không cao, năng lực tài chính hạn chế, thiếu các dịch vụ hậu mãi. Hệ thống chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ thiếu tính chuyên nghiệp từ công nghệ quản trị chuỗi, tổ chức trưng bày hàng hóa, giá cả thiếu cạnh tranh, nguồn hàng chưa phong phú, mức độ kiểm soát chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng được yêu cầu, mạng lưới chưa rộng khắp và chưa tương xứng với nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, do thói quen của người tiêu dùng như thích hàng ngoại cũng là những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp (DN) bán lẻ. Không chỉ thế, DN còn phải đối mặt với những vướng mắc từ chính sách và thực thi chính sách của nhà nước.
Thiếu tính liên kết trong thị trường bán lẻ Việt Nam - ảnh 2
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương).
Đồng quan điểm, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng: Trước sức ép của hội nhập  kinh tế, việc phải thực hiện cam kết mở rộng thị trường nội địa theo WTO và chuẩn bị thực thi các Hiệp định CPTPP, EVFTA và AEC dẫn đến sự thâm nhập của các DN nước ngoài nhằm mở rộng chuỗi bán lẻ tại Việt Nam đã đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước và DN bán lẻ Việt phải đưa ra những quyết định để thị trường bán lẻ phát triển bền vững trong bối cảnh mới.
Theo đó, dưới góc độ nhà quản lý, bà Lưu Việt Nga cho biết, trong thời gian tới về phía cơ quan quản lý nhà nước cần hoàn thiện các thể chế, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về hoạt động thương mại thị trường trong nước, trong đó chú trọng phát triển thị trường bán lẻ gắn với phát triển bền vững. Đồng thời các cơ quan cần tăng tổng cầu trong nước, đẩy mạnh các hoạt động gắn kết với lưu thông, liên kết các chuỗi cung ứng sản phẩm hàng hóa. Phát triển kết cấu hạ tầng thương mại bán lẻ. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đẩy mạnh hỗ trợ DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại bán lẻ. Đa dạng hóa các kênh phân phối, đảm bảo vận hành tốt các kênh trực tiếp và online, cũng như phát triển mạnh thương mại điện tử. Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực thương bán lẻ. Hỗ trợ DN ứng dụng khoa học công nghệ. Tăng cường công tác thanh tra kiểm tra, kiểm soát sự tuân thủ phát luật đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ, có biện pháp hiệu quả chống buôn lậu, gian lận thương mại, lưu thông hàng giả,… Còn đối với các hiệp hội, ngành hàng liên quan cần cung cấp thông tin, hỗ trợ nghiên cứu thị trường  cho các hội viên; thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế; cung cấp dịch vụ hỗ trợ kinh doanh bán lẻ đa dạng cho các DN về tư vấn pháp lý, đầu tư…
Về phía các DN hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, bà Nga nhấn mạnh: DN cần tăng cường quản trị chiến lược, thực hiện hiệu quả việc xây dựng và thực hiện chiến lược cơ cấu kinh doanh phù hợp với điều kiện thị trường, đáp ứng yêu cầu đa dạng của người tiêu dùng; nâng cao chất lượng dịch vụ bán lẻ trên cơ sở nghiên cứu ứng dụng công nghệ bán lẻ hiện đại, phương thức quản trị kinh doanh tiên tiến; đẩy mạnh nghiên cứu thị trường và marketing sản phẩm, tích hợp thông tin về người tiêu dùng cả offline và online để quản trị quan hệ khách hàng hiệu quả; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển, quảng bá thương hiệu doanh nghiệp qua mạng, trên các kênh internet, điện thoại di dộng, mạng xã hội; thực hiện đa dạng hóa và phát triển bán lẻ đa kênh  nhằm tránh rủi ro, nâng cao hiệu quả trong hoạt động kinh doanh; tăng cường liên kết và hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước, các nhà sản xuất để  tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.