Thỏa thuận hạt nhân mới của Iran có thể thay đổi hoàn toàn giá dầu toàn cầu
Tuần trước, Mỹ đã đồng ý tạm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt quan trọng trong lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt, hóa dầu và ô tô, cùng với một số trừng phạt trong lĩnh vực ngân hàng của Iran.
Tuy nhiên, Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei và các nhân vật cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) cũng đang yêu cầu loại bỏ thêm các cá nhân và doanh nghiệp của họ khỏi danh sách trừng phạt.
Mặc dù ông Ali Khamenei nhiều lần tuyên bố rằng Iran sẽ không đàm phán lại bất kỳ yếu tố nào của JCPOA (Kế hoạch Hành động Toàn diện chung thường được gọi tắt là Thỏa thuận hạt nhân Iran) mà Mỹ đã đơn phương rút khỏi vào tháng 5/2018, các nguồn tin Iran tin rằng lãnh đạo quốc gia này có thể nhượng bộ.
Một trong những nguồn tin Iran cho biết: “Tehran có thể đang trong tình trạng khẩn cấp, với tình trạng mất điện trên toàn quốc và thiếu lương thực, lạm phát gia tăng và đồng rial mất giá làm tình trạng bất ổn dân sự lan rộng”.
Nhiều phân tích cho rằng giá dầu hầu như không bị ảnh hưởng khi có ít nhất 2,5 triệu thùng dầu thô của Iran quay trở lại thị trường.
Nhưng thực tế không phải như vậy. Vì sự thay đổi giá dầu cần phải xét đến những yếu tố: Đầu tiên, giá dầu liên quan trực tiếp đến thương mại toàn cầu và nước Mỹ. Tiếp theo, sản lượng dầu Iran khai thác liên quan trực tiếp tới nhu cầu phục hồi của đất nước này. Cuối cùng, Iran đang có ý định nâng sản lượng khai thác lên khoảng 6,5 triệu thùng/ngày.
Mỹ đã đồng ý tạm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt quan trọng trong lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt, hóa dầu và ô tô, cùng với một số trừng phạt trong lĩnh vực ngân hàng của Iran. Ảnh: ArabNews.
Thực tế là gã khổng lồ thương mại toàn cầu Goldman Sachs vẫn đang nhắm đến mục tiêu dầu thô Brent đạt giá 80 USD/thùng vào một thời điểm nào đó trong năm nay.
Điều đó có nghĩa là bản thân Goldman đã ủy quyền cho các phương tiện giao dịch độc quyền hùng mạnh của mình mua Brent trong một thị trường không có tính thanh khoản, chẳng hạn như thị trường ngoại hối toàn cầu (FX).
Có nghĩa là các nhà giao dịch nhận được nhiều hiệu quả giao dịch hơn với lượng tiền ít hơn trong dầu so với FX. Tại nhiều thời điểm trong quá khứ, giao dịch theo hành động giá của một gã khổng lồ như Goldman đủ để có tác động đáng kể và duy trì giá ở một số mức quan trọng nhất định.
Tiếp theo, với danh tiếng giao dịch xuất sắc của Goldman trên nhiều thị trường tài chính, không chỉ các khách hàng lớn của họ sẽ mua Brent mà tất cả những người tham gia thị trường nhận thức được khuyến nghị từ Goldman có thể làm gì đối với giá tài sản, cũng sẽ mua Brent.
Điều này nói lên rằng chỉ có trong dài hạn thì các nguyên tắc cơ bản của cung - cầu có thể bị chênh lệch, đặc biệt là trên thị trường dầu mỏ và thậm chí còn hơn thế khi chính phủ Mỹ không muốn giá dầu cao hơn.
Điều này đã được phân định rất rõ ràng dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump - nhưng nó cũng liên quan đến tất cả các nhiệm kỳ tổng thống Mỹ gần đây - Washington chỉ đơn giản là không muốn giá dầu ở mức cao hơn nói chung.
Lý do kinh tế cho điều này là cứ mỗi 0,01 USD tăng trên giá xăng trung bình quốc gia của Mỹ thì ước tính sẽ có hơn 1 tỷ USD chi tiêu tiêu dùng bổ sung tùy ý bị mất đi.
Giá nhiên liệu tăng cao là nỗi ám ảnh đối với các tổng thống Mỹ. Ảnh: FT.
Theo quy luật chung của lịch sử, người ta ước tính cứ 10 USD thay đổi trên giá của mỗi thùng dầu thô sẽ dẫn đến sự thay đổi 0,25 USD trong giá 1 gallon xăng. Dựa trên lịch sử gần đây, giá dầu Brent 90-95 USD/thùng tương đương khoảng 3 USD/gallon xăng và 125-130 USD/thùng Brent tương đương khoảng 4 USD/gallon xăng.
"Vùng nguy hiểm" đối với các tổng thống Mỹ bắt đầu ở mức khoảng 3-4 USD/gallon. Khi giá lên tới mức này, họ được khuyên nên thu dọn hành lý hoặc bắt đầu một cuộc chiến làm lạc hướng chú ý của dân chúng" - Bob McNally, cựu cố vấn năng lượng của cựu Tổng thống George W. Bush nói, và nhấn mạnh rằng: “Ít có điều gì khiến tổng thống Mỹ khiếp sợ hơn giá nhiên liệu [xăng] tăng vọt”.
Cảnh báo sớm đối với ông Trump là giá dầu Brent ở bất kỳ mức nào trên 70 USD/thùng. Đó là lý do tại sao bất cứ khi nào Brent có mức giá cao hơn thế và hướng tới 75-80 USD/thùng, ông bắt đầu lên MXH Twitter, đưa ra những lời đe dọa đối với các thành viên OPEC, đặc biệt là Ả rập Xê-út.
Cụ thể, khi Ả rập Xê-út (với sự giúp đỡ của Nga) đang đẩy giá dầu lên trên 80 USD/thùng theo mức Brent trong nửa cuối năm 2018, ông Trump phát biểu trước Đại hội đồng LHQ: “OPEC và các quốc gia OPEC, như thường lệ, xé toạc phần còn lại của thế giới, và tôi không thích điều đó. Không ai nên thích nó... Chúng tôi bảo vệ nhiều quốc gia trong số họ chẳng để làm gì, và sau đó họ lợi dụng chúng tôi bằng cách cung cấp cho chúng tôi giá dầu cao. Không tốt. Chúng tôi muốn họ ngừng tăng giá. Chúng tôi muốn họ bắt đầu hạ giá và họ phải đóng góp đáng kể vào việc được bảo vệ về mặt quân sự từ bây giờ”.
Thị trường dầu vẫn chưa biết mức giá dầu Brent sẽ gây ra mối lo ngại với chính quyền của Tổng thống Biden, nhưng giả định rằng nó ở đâu đó gần với mức 70-80 USD/thùng (với cùng mức giá sàn 35-40 USD/thùng để bảo vệ ngành dầu đá phiến). Mức trên sẽ tác động tiêu cực đến sự phục hồi kinh tế sau COVID-19 của Mỹ, khi giá dầu tăng và có xu hướng cao hơn.
Nguồn 2,5 triệu thùng/ngày từ Iran chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá dầu theo thời gian nhưng có thể sản lượng này sẽ nhanh chóng tăng lên. Cần nhớ rằng, dù có báo cáo là xuất khẩu dầu thô của Iran đã giảm xuống mức đặc biệt thấp do các lệnh trừng phạt của Mỹ, thực tế Iran vẫn đang xuất khẩu một lượng lớn dầu sang Trung Quốc.
Dòng xuất khẩu liên tục này đồng nghĩa với việc Iran không bao giờ phải đóng các giếng dầu. Đây cũng chính là lý do tại sao, theo các số liệu trong ngành, Iran đã bơm 2,43 triệu thùng/ngày (bpd) vào tháng 4.
Vùng dầu Tây Karoun của Iran. Ảnh: The Iran Project.
Số liệu cũng cho thấy, ngay trước khi Mỹ tái áp đặt các biện pháp trừng phạt vào năm 2018, Iran đã có sản lượng khoảng 3,8-3,9 triệu thùng/ngày, với kế hoạch thực tế là tăng con số này lên ít nhất 5,7 triệu thùng/ngày trong vòng 2 năm kể từ khi thực thi JCPOA vào ngày 16/1/2016, mặc dù mục tiêu này đã bị hoãn lại do các thỏa thuận với các công ty dầu mỏ phương Tây chưa được hoàn tất.
Tuy nhiên, trong hai tuần qua, Iran đã đưa ra nhiều tuyên bố khác nhau phác thảo kế hoạch tăng đáng kể lượng dầu của mình, ban đầu từ các mỏ chính ở Tây Karoun - bao gồm các mỏ chính ở Bắc Azadegan, Nam Azadegan, Bắc Yaran, Nam Yaran và Yadavaran với trữ lượng ít nhất 67 tỷ thùng dầu.
Cứ tăng 1% hệ số thu hồi dầu, số dầu dự trữ sẽ tăng thêm 670 triệu thùng, tương đương khoảng 34 tỷ USD doanh thu bổ sung cho Iran ngay cả với dầu ở mức giá 50 USD/thùng. Sự tập trung vào các mỏ Tây Karoun cũng liên quan chặt chẽ đến việc hoàn thành đường ống xuất khẩu dầu Goreh-Jask gần đây.
Tuần trước, các quan chức Iran tuyên bố rằng mỏ Azadegan đứng đầu trong danh sách vùng khai thác cần phát triển nhanh hơn nữa. Và mặc dù chính thức được quản lý bởi các công ty nội địa của Iran, trên thực tế mỏ này vẫn chịu ảnh hưởng của các công ty Trung Quốc.
Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) vẫn là nhà phát triển nước ngoài chủ chốt tại Bắc Azadegan. Hiện có sự nhất trí giữa Iran và Trung Quốc: khi Total của Pháp rút khỏi South Pars Giai đoạn 11 thì Trung Quốc sẽ tiếp quản công tác phát triển để được phép vào Nam Azadegan, tạo ra một chương trình phát triển thống nhất với các hoạt động ở Bắc Azadegan.
Chính quyền Mỹ thời Tổng thống Biden đã quay trở lại với JCPOA (thỏa thuận hạt nhân Iran). Ảnh: IRNA English.
Hiện tại, Bắc Azadegan đang sản xuất khoảng 80.000 thùng/ngày nhưng kế hoạch Giai đoạn 2 - bao gồm cả việc đào các giếng mới - sẽ tăng sản lượng này lên ít nhất 100.000 thùng/ngày. Cụ thể hơn, Iran kỳ vọng Trung Quốc sẽ đảm bảo rằng sản lượng từ Bắc Azadegan khi kết hợp với sản lượng từ Nam Azadegan (hiện đang được phát triển bởi các công ty Iran) là ít nhất 250.000 thùng/ngày. Theo các nguồn tin từ ngành dầu mỏ Iran, Nam Azadegan hiện đang sản xuất ổn định 105.000 thùng/ngày với mức tăng đột biến lên tới 115.000 thùng/ngày.
Về dài hạn, kế hoạch của Iran là tăng hệ số thu hồi dầu từ tất cả các mỏ dầu của họ, bắt đầu từ các mỏ ở Tây Karoun lên ít nhất 25% từ mức 4,5% hiện tại (5,5% trước khi các lệnh trừng phạt của Mỹ được tái áp đặt). Để so sánh, hệ số thu hồi trung bình từ các mỏ dầu của Ả rập Xê-út là khoảng 50%, với kế hoạch tăng lên 70%.
Ngày 31/5, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh cho biết, Iran có thể tăng sản lượng dầu thô của mình lên 6,5 triệu thùng/ngày khi lệnh trừng phạt hoàn toàn bị dỡ bỏ: "Chính phủ Iran tiếp theo nên ưu tiên hàng đầu là nâng sản lượng dầu lên 6,5 triệu thùng/ngày". Theo ông Zângneh, sản lượng dầu cao hơn cũng sẽ mang lại cho Iran nhiều ảnh hưởng chính trị hơn.
Các cuộc đàm phán tại Vienna về việc Iran và Mỹ quay trở lại với JCPOA vẫn tiếp tục. Các nhà phân tích cho rằng cả hai bên có thể sẵn sàng nhìn thấy kết quả từ các cuộc đàm phán đó trước cuộc bầu cử tổng thống ở Cộng hòa Hồi giáo vào ngày 18/6. Cũng theo các chuyên gia, nếu mọi chuyện suôn sẻ, dầu Iran sẽ chảy vào thị trường sớm nhất vào tháng 8.
Tiệp Nguyễn