Thời điểm khởi động chiến dịch quốc gia về tăng năng suất

23:55 | 11/01/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đó là điểm nhấn quan trọng mà các học giả trong và ngoài nước đưa ra tại Hội thảo chuyên đề “Cải thiện năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa” (trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2018, do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức ngày 10/1 tại Hà Nội).

Thời điểm khởi động chiến dịch quốc gia về tăng năng suất - ảnh 1
 Hội thảo chuyên đề “Cải thiện năng suất trong bối cảnh công nghiệp hóa”
Tăng trưởng chưa phản ánh năng suất lao động

Mở đầu Hội thảo, ông Ngô Văn Tuấn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã đưa ra một con số đáng buồn: Năng suất lao động của Việt Nam đang rất thấp, hiện chỉ tương đương 7% Singapore và tương đương 17,6% của Malaysia, 36% của Thái Lan và bằng 87% của Lào.

GS. Kenichi Ohno, Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản (GRIPS) chỉ ra khiếm khuyết của nền kinh tế Việt Nam: Tăng trưởng của Việt Nam trong quá khứ là do số lượng nguồn vốn và lao động, không phải là chất lượng năng suất lao động. Tình hình nâng cao năng suất lao động của Việt Nam đang rất ảm đạm. Việt Nam tăng trưởng chậm là do năng suất lao động giảm. Trong khi đó, chất lượng chính sách của Việt Nam vẫn thấp so với các nền kinh tế có năng suất cao ở Đông Á.

Một trong những điểm chưa đạt được là năng suất lao động Việt Nam thấp, thậm chí thấp hơn cả nước chưa phát triển. Đây cũng là một trong những nguyên nhân tồn tại thực trạng doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước như 2 con tàu, đi trên hai đường ray, với tốc độ rất khác nhau, theo GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

GS. Trần Văn Thọ, Đại học Waseda (Tokyo), thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ: Đặc trưng cơ bản của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là nhiều doanh nghiệp tư nhân với quy mô quá nhỏ nên năng suất lao động thấp, không có năng lực xuất khẩu và không kết nối được với chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty đa quốc gia. Cũng vì quy mô nhỏ nên các doanh nghiệp tư nhân không có năng lực du nhập công nghệ, không đổi mới thiết bị, không đầu tư lớn để cách tân công nghệ. Doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đang chiếm vị trí lớn nhưng chất lượng FDI còn thấp, ít tác động đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế lên cao. Liên kết hàng dọc giữa FDI và doanh nghiệp trong nước còn quá yếu nên không tạo tác động lan tỏa công nghệ, tri thức kinh doanh đến nền kinh tế. Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí cao và được ưu đãi về vốn, về đất đai. Điều này đặt ra yêu cầu cải cách thể chế thị trường và sản xuất ở khu vực doanh nghiệp để tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực và tăng năng suất.

Hãy để doanh nghiệp tự chèo lái

Để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, GS. Trần Văn Thọ khuyến nghị: Dư địa để tăng năng suất là chuyển dịch lao động từ nông sang công nghiệp, từ khu vực cá thể sang hình thức tổ chức doanh nghiệp hiện đại, tăng qui mô doanh nghiệp đang quá nhỏ hiện nay. Bên cạnh đó, khuyến khích du nhập công nghệ, kết hợp với phát triển thị trường vốn sẽ thúc đẩy đầu tư theo hướng cách tân công nghệ, tăng năng suất. Cần tiến hành công nghiệp hóa theo chiều sâu và theo diện rộng để tạo việc làm năng suất cao cho lao động chuyển từ nông nghiệp và khu vực cá thể.  Thay đổi chiến lược thu hút FDI, doanh nghiệp trong nước sẽ tham gia vào mạng lưới cung ứng toàn cầu và tăng năng suất qua chuyển giao công nghệ.

GS. Kenichi Ohno cho rằng chất lượng chính sách của Việt Nam cần phải được cải thiện cả về tư duy và tâm thế. Chính phủ Việt Nam cần linh hoạt thực hiện dự án nâng cao năng suất lao động và Nhật Bản sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ. Phải có giải pháp để doanh nghiệp tự chèo lái được, đồng thời, kết nối doanh nghiệp với các địa phương và có chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài mang tính chiến lược cao. Tập trung vào sáng kiến năng suất mới, thông qua báo cáo năng suất, chiến dịch tư duy, đưa ra mục tiêu năng suất và sửa đổi chính sách công nghiệp hỗ trợ, áp dụng các công cụ năng suất cụ thể. Đây là thời điểm Việt Nam khởi động chiến dịch quốc gia về tăng năng suất.

Năng suất phải ở khu vực tư nhân và sản xuất, đó cũng là ý kiến tâm huyết của TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách VERP, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo ông Thành, khu vực tư nhân giữ vai trò khiêm tốn trong phát triển hạ tầng ở Việt Nam - chiếm dưới 10% là có vấn đề về năng suất lao động, không có khả năng hấp thụ năng lượng lao động. Trong khi, 72% sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam là của doanh nghiệp FDI. Mở rộng năng suất lao động khu vực kinh tế tư nhân sẽ hút lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang và thu hút được thêm FDI. Điều quan trọng là, trong sự mở rộng này, phải vừa thay đổi môi trường kinh doanh, cải thiện thủ tục hành chính, vừa thúc đẩy sự hiện diện khu vực tư nhân trong tất cả các lĩnh vực, kể cả đào tạo nghề.

Tận dụng cách mạng khoa học 4.0, nâng cao được năng suất các yếu tố tổng hợp TFP và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo cũng là giải pháp mà các học giả đưa ra nhằm cải thiện năng suất lao động tại Việt  Nam thời gian tới.

Minh Hoa