Thống đốc: Phấn đấu năm 2025 tăng trưởng tín dụng 15%, giảm lãi suất hay không phụ thuộc vào tỷ giá
Sáng ngày 11/11, tại phiên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết sang năm 2025, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%, tương tự như năm 2024.
Đây là một trong những biện pháp nhằmhỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế khi lạm phát có thể được kiểm soát ở mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra.Thống đốc cho biết kể từ nửa cuối năm 2023, trong điều hành vĩ mô chung, Chính phủ đã đặt ra ưu tiên tăng trưởng kinh tế với sự kết hợp giữa hai chính sách là tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm trọng điểm còn chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt.
Tuy nhiên, Thống đốc cũng khẳng định là sẽ không chủ quan với lạm phát. Trong trường hợp có biến động lạm phát hiện hữu, NHNN sẽ phối hợp với các bộ ngành để điều hành chính sách vĩ mô liên quan.
"Do là chính sách ngắn hạn, NHNN theo dõi rất sát diễn biến kinh tế vĩ mô, điều hành với liều lượng phù hợp. Mục tiêu theo quy định là điều hành chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, nên trong quá trình điều hành, NHNN không bao giờ chủ quan với lạm phát", Thống đốc nhấn mạnh.
Về khả năng giảm lãi suất trong thời gian sắp tới, Thống đốc cho biết mục tiêu này còn phải phụ thuộc vào yếu tố tỷ giá. Giảm lãi suất có thể hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng nhưng cũng tác động tới tỷ giánên NHNN phải duy trì sự cân bằng.
"Rất khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ giảm lãi suất cho người dân [...] Nếu giảm lãi suất quá sẽ tạo tác động làm tăng tỷ giá và có thể lại gây ra những câu chuyện ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư nước ngoài", bà Hồng cho biết.
Đại biểu Đỗ Huy Khánh, tỉnh Đồng Nai đặt câu hỏi cho Thống đốc về dư địa tăng trưởng cho vay BĐS tại Việt Nam. Theo đại biểu, tại thị trường bất động sản Trung Quốc có lúc cho vay BĐS chiếm 30% dư nợ, trong khi thị trường Việt Nam mới chỉ là khoảng 20%.
Trả lời câu hỏi này, Thống đốc khẳng định các tổ chức tín dụng cấp tín dụng vào lĩnh vực nào và tỷ lệ là bao nhiêu, hoàn toàn phụ thuộc vào sự quyết định của tổ chức tín dụng, tùy thuộc vào nguồn vốn huy động.
"Có ngân hàng huy động được nhiều vốn dài hạn, trong khi có ngân hàng huy động vốn ngắn hạn", bà Hồng nói. Theo Thống đốc, do 80% tiền gửi toàn hệ thống có kỳ hạn ngắn nên khi cho vay, ngân hàng phải cân đối, đảm bảo nguyên tắc hoạt động an toàn, khi người dân rút tiền, sẵn sàng có khả năng chi trả.
"Cho nên, cũng khó có thể nói về dư địa. Quan trọng nhất vẫn là mỗi tổ chức tín dụng phải an toàn, cả hệ thống phải an toàn. NHNN không cấm cho vay BĐS", Thống đốc khẳng định.