Thống kê hoạt động kinh tế chưa được quan sát vẫn khó khăn

16:11 | 21/02/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đó là thông tin được Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm chia sẻ tại buổi Họp báo về Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát mới đây.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế chưa được quan sát gồm 5 khu vực: Kinh tế ngầm (khu vực kinh tế hợp pháp nhưng bị giấu giếm có chủ ý để tránh thuế, thủ tục hành chính và trách nhiệm xã hội); Kinh tế bất hợp pháp (khu vực bị luật pháp cấm hoặc hợp pháp nhưng chưa đăng ký); Kinh tế chưa chính thức; Kinh tế tự sản tự tiêu (hộ gia đình); Kinh tế bị bỏ sót (khu vực, hoạt động bị sót trong quá trình thu thập thống kê).

Để bức tranh kinh tế Việt Nam được phản ánh đầy đủ, toàn diện và chân thực hơn, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát”. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Tổng cục Thống kê tính đúng, tính đủ khu vực kinh tế chưa được quan sát vào GDP.

Tuy nhiên, Tổng cục trưởng cũng thừa nhận việc thống kê các nhóm hoạt động này không đơn giản. Ông cho biết sẽ cùng với các bộ, ngành và địa phương tìm giải pháp có tính khả thi để triển khai thực hiện, từng bước tính toán đầy đủ hơn quy mô chỉ tiêu GDP trong những năm tới.

Thống kê hoạt động kinh tế chưa được quan sát vẫn khó khăn - ảnh 1
Toàn cảnh buổi họp báo.
Cũng trong khuôn khổ buổi họp báo, Tổng cục Thống kê đã đưa ra 6 giải pháp cơ bản để thực hiện Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát:
Một là, khảo sát, đánh giá cụ thể, chi tiết và toàn diện thực trạng các hoạt động kinh tế chưa được quan sát theo 5 nhóm hoạt động của ba khu vực kinh tế (Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, khu vực công nghiệp và xây dựng, khu vực dịch vụ); loại hình sở hữu (Kinh tế Nhà nước, kinh tế ngoài Nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài); ngành, lĩnh vực; địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tiêu thức khác. Trên cơ sở đó, xây dựng Danh mục các hoạt động kinh tế chưa được quan sát.
Hai là, xây dựng, ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê nguồn thông tin đầu vào đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát, bảo đảm tính toàn diện và khả thi, phù hợp với khả năng thu thập thông tin của ngành Thống kê và các cơ quan, tổ chức liên quan, trong đó quy định rõ ràng, đầy đủ tiêu thức phân tổ, kỳ thu thập thông tin, cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, định kỳ rà soát, cập nhật bổ sung Hệ thống chỉ tiêu thống kê nguồn thông tin đầu vào để đáp ứng yêu cầu với thực tế.
Ba là, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chuyên môn nghiệp vụ thống kê, góp phần nâng cao hiệu quả đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát. Sử dụng đồng thời ba hình thức: Điều tra thống kê, báo cáo thống kê và khai thác dữ liệu hành chính trong thu thập thông tin. Kịp thời cài đặt nội dung khu vực kinh tế chưa được quan sát vào các hệ thống chỉ tiêu thống kê hiện có (Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; hệ thống chỉ tiêu thống kê của các bộ, ngành; hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, huyện, xã); bổ sung một số chỉ tiêu phản ánh kết quả sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế chưa được quan sát.
Bốn là, tăng cường phối hợp, cung cấp, chia sẻ thông tin thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát giữa các bộ, ngành, địa phương.
Năm là, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách quản lý kinh tế về đăng ký sản xuất kinh doanh, nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước và nghĩa vụ xã hội của các chủ thể tham gia hoạt động kinh tế; quy định về sử dụng lao động, đào tạo nghề, cung cấp tín dụng, mức đóng và hưởng bảo hiểm xã hội; quy định về xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự và các quy định khác, góp phần đánh giá chính xác và thu hẹp pham vi, quy mô khu vực kinh tế chưa được quan sát.
Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế về thống kê, cập nhật lý luận, phương pháp nghiệp vụ tiên tiến và kinh nghiệm đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát của các nước, hướng tới thực hiện mục tiêu nâng mức độ biên soạn Hệ thống tài khoản quốc gia của Thống kê nước ta theo Khung đánh giá của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc từ mức 2/6 năm 2008, lên đạt mức 4/6 vào năm 2020 và mức 6/6 vào năm 2030 đề ra trong Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.