Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp: Lên kịch bản sẵn sàng cho mọi tình huống, đảm bảo hàng hóa cho người dân

07:10 | 01/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hà Nội họp bàn kế hoạch cung ứng hàng hoá - thực phẩm khi dịch lan rộng.

Sáng 31-7, Bộ NN-PTNT đã có cuộc họp trực tuyến với TP Hà Nội để nắm bắt khả năng cung ứng hàng hoá nông sản - thực phẩm, công tác sản xuất nông nghiệp và kết nối, cung ứng hàng hóa nông - lâm - thủy sản giữa Hà Nội và các địa phương phục vụ người dân trên địa bàn Hà Nội trong công tác phòng chống dịch Covid-19. 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp: Lên kịch bản sẵn sàng cho mọi tình huống, đảm bảo hàng hóa cho người dân - ảnh 1

Ông Nguyễn Ngọc Sơn- Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Hà Nội cho biết, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 400 cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản, trong đó có 235 doanh nghiệp, còn lại là các cơ sở có quy mô HTX, hộ gia đình, cá thể.

Bà Trần Thị Phương Lan- Q. Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội- cho biết, dù sức mua tăng đột biến do Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội nhưng đến nay không xảy ra tình trạng thiếu hàng cục bộ, hàng hóa vẫn đảm bảo đủ cho người dân.

Tuy nhiên, trong tình huống xấu, nếu số ca F0 tăng cao, Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách, trong khi các địa phương khác cũng có thể áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt hơn, việc vận chuyển nông sản từ các địa phương về Hà Nội có thể khó khăn- bà Trần Thị Phương Lan bày tỏ lo ngại.

Do một số chợ đầu mối đã xuất hiện các ca F0, hiện chợ đầu mối phía Nam đang tạm thời bị phong tỏa, các chợ dân sinh, chợ cóc đều đã đóng cửa, phương án của Sở Công Thương Hà Nội là chia nhỏ các điểm tập kết, các điểm bán hàng để không làm đứt gãy nguồn cung sản phẩm- bà Trần Thị Phương Lan cho hay.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT TP Hà Nội, trên địa bàn hiện có khoảng 400 cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản, trong đó có 235 doanh nghiệp, còn lại là các cơ sở có quy mô HTX, hộ gia đình, cá thể.

Các doanh nghiệp tham gia chế biến ba sản phẩm chủ lực là thịt (42,6%), thủy sản (26,7%), rau quả (33,7%) với tổng sản lượng cung cấp khoảng trên 1.000 tấn/tháng, trong khi nhu cầu về sản phẩm chế biến của Hà Nội hiện là 5.165 tấn, chủ yếu nhập từ các tỉnh và nhập khẩu.

Hiện nay, Hà Nội có 29 trung tâm thương mại, 127 siêu thị chủ yếu tập trung tại các quận nội thành; 458 chợ, trong đó có hai chợ đầu mối nông sản (chợ đầu mối phía Nam, chợ đầu mối Minh Khai) và một số chợ có tính chất đầu mối; trên 1.800 cửa hàng tiện ích, 786 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, trên 128 chuỗi kinh doanh các mặt hàng nông sản, thực phẩm...

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đề nghị Hà Nội tiếp tục duy trì kế hoạch sản xuất, cung ứng nông sản cho người dân, đảm bảo hàng hóa, lương thực thiết yếu cho người dân trong thời gian phòng chống dịch bệnh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, Bộ NNPTNT sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát, lên các kịch bản nhằm đáp ứng được tất cả tình huống xảy ra, đồng hành cùng HN đảm bảo cung ứng hàng hóa nông sản thực phẩm cho người dân Thủ đô trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Đáng mừng là, đến thời điểm này, các hàng hóa phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng, trong đó có nguyên liệu, vật tư cho sản xuất nông nghiệp đã được Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ ách tắc trong khâu vận chuyển, lưu thông. Dù vậy, các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân... cần nắm chắc các quy định trong phòng, chống dịch, phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan để việc vận chuyển hàng hóa không bị ùn ứ vì thiếu những thủ tục cần thiết.

Trong khi dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, việc tự cung ứng đủ nguồn lương thực, thực phẩm cho thành phố đóng một vai trò rất quan trọng. Do đó, cùng với linh hoạt rải vụ thu hoạch để đáp ứng nhu cầu thị trường, ngành Nông nghiệp cần hướng dẫn, phối hợp với các địa phương mở rộng mô hình sản xuất an toàn. Cùng với đó, tăng cường kiểm soát thực phẩm từ khâu sản xuất và phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để giữ nguồn cung ổn định cho thị trường.  

Nhã Oanh

ĐỌC NHIỀU