Thứ trưởng Bộ Y tế: Phấn đấu sớm nhất năm 2021 sản xuất vắc xin Covid-19 thành công

05:50 | 18/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Việt Nam phấn đấu sớm nhất trong năm 2021 có một nhà sản xuất vaccine trong nước sản xuất thành công vaccine COVID-19.

Cuộc họp của Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, phát triển vaccine phòng Covid-19 đã diễn ra ngày 17/7 theo hình thức trực tuyến, kết nối từ Bộ Y tế với nhiều điểm cầu là các chuyên gia về vaccine, nhà nghiên cứu, đơn vị thử nghiệm lâm sàng, đơn vị nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine phòng Covid-19.

Trước đó, nhằm thúc đẩy quy trình thử nghiệm lâm sàng, phát triển vaccine phòng COVID-19 trong nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 14.7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có Quyết định số 3439/QĐ-BYT thành lập Tổ công tác đặc biệt về nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, phát triển vaccine phòng COVID-19 do GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế làm tổ trưởng.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Phấn đấu sớm nhất năm 2021 sản xuất vắc xin Covid-19 thành công - ảnh 1

Sau khi nghe báo cáo tổng hợp của Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo về tình hình nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19  trong nước cũng như việc chuyển giao công nghệ, các thành viên tham dự cuộc họp đã cùng bàn thảo nhằm thống nhất kế hoạch mời chuyên gia của Tổ chức y tế thế giới (WHO) hỗ trợ nghiên cứu phát triển vaccine Covid-19 tại Việt Nam; thúc đẩy nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine Nanocovax, vaccine COVIVAC trong nước; thống nhất kế hoạch hợp tác chuyển giao công nghệ, kế hoạch triển khai thử nghiệm lâm sàng vaccine chuyển giao công nghệ.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhấn mạnh vắc xin phòng COVID-19 là vấn đề luôn được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm, Thủ tướng đã mời chuyên gia WHO hỗ trợ Việt Nam về nghiên cứu, sản xuất vắc xin để làm sao Việt Nam nhanh chóng sản xuất được vắc xin trong nước nhằm "đảm bảo tự chủ về vắc xin cho nhu cầu của nhân dân".

"Làm sao để tranh thủ, tận dụng tối đa hỗ trợ của chuyên gia WHO trong công nhận phòng xét nghiệm, công nhận tiến trình thử nghiệm lâm sàng và quan trọng nhất là công nhận vắc xin COVID-19 của Việt Nam để tiến tới tự chủ vắc xin và có thể xuất khẩu", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng đề nghị các thành viên của Tổ công tác phát huy cao nhất năng lực, trách nhiệm trong công việc. Hỗ trợ tối đa cho các nhà nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng Covid-19 trong nước. Cục Khoa học đào tạo và công nghệ chủ động mời thêm chuyên gia hỗ trợ khi cần theo đúng thẩm quyền.

Giao các vụ, cục chức năng liên quan của Bộ Y tế theo chức năng nhiệm vụ được phân công để hỗ trợ tối đa cho các đơn vị nghiên cứu, sản xuất và nhập khẩu, cấp phép vaccine phòng Covid-19 trong trường hợp khẩn cấp.

Đồng thời phân công rõ trách nhiệm của các Thành viên Tổ công tác; giao Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur TP.HCM - 2 đơn vị đầu mối chính trong việc tổ chức thực hiện thử nghiệm lâm sàng chủ động các điều kiện tham gia (nhân lực, cơ sở vật chất, phương tiện…) và triển khai các nội dung nghiên cứu thử nghiệm vaccine chuyển giao công nghệ.

Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn yêu cầu lập nhóm trao đổi Viber, trong đó cả lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các cục, vụ liên quan của Bộ Y tế và các đơn vị liên quan để kịp thời trao đổi mọi công việc liên quan đến nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng Covid-19  được nhanh chóng.

Về cấp phép cho vắc xin, đang có 2 phương án: theo quy trình truyền thống phải thông qua hiệu quả giảm số mắc, số ca tử vong của vắc xin, thời gian chờ đợi sẽ kéo dài; phương án thứ 2 là thông qua tính sinh miễn dịch và khả năng ức chế virus của vắc xin, thời gian cấp phép lưu hành vắc xin sẽ nhanh hơn" - đại diện Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo cho biết.

Tại Việt Nam hiện có 2 vắc xin ngừa COVID-19 nội đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, trong đó Nano Covax đang thử nghiệm giai đoạn 3 và COVIVAC chuẩn bị vào giai đoạn 2. Tháng 6 vừa qua, nhà sản xuất Nano Covax đã có Thư gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị được cấp phép vắc xin theo điều kiện khẩn cấp của Luật Dược hiện hành.

Nhà sản xuất cho biết có khả năng sản xuất 50 triệu liều vắc xin trong năm 2021 và 100 triệu liều năm 2022, giá thành 120.000 đồng/mũi tiêm.

Đan Lê (TH)