Thủ tướng chủ trì cuộc họp Thường trực Tiểu ban Kinh tế xã hội
(DNVN) - Chủ trì cuộc họp Thường trực Tiểu ban Kinh tế xã hội phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc, Thủ tướng đề nghị các thành viên Tổ Biên tập chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ phiên họp tới của Tiểu ban.
Chiều 8/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Tiểu ban Kinh tế xã hội phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và các thành viên Thường trực Tiểu ban.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những nỗ lực lớn, sự tập trung, dành thời gian của các thành viên Tổ Biên tập, Thường trực Tiểu ban trong việc triển khai các nhiệm vụ của Tiểu ban Kinh tế xã hội phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Đề cập đến kết quả 6 cuộc làm việc của Tiểu ban với các vùng kinh tế, khu vực các tỉnh, thành phố trong cả nước, Thủ tướng cho biết các thành viên của Tiểu ban, Thường trực Tiểu ban đã lắng nghe, tiếp thu rất nhiều ý kiến đóng góp quan trọng, có chất lượng, trên cơ sở đó có cái nhìn tổng quát, đánh giá nhận định tình hình phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; tổng hợp các ý kiến góp ý vào Đề cương Chiến lược phát triển Kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Tổ Biên tập cũng đã họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng để chốt lại các nhiệm vụ, tiến độ công việc; nỗ lực tập hợp các ý kiến đóng góp.
Đặc biệt, Tổ Biên tập đã tổng hợp, xây dựng và từng bước hoàn thiện 3 dự thảo Báo cáo tổng kết tình hình phát triển kinh tế-xã hội; Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội từng giai đoạn để xin ý kiến của Thường trực Tiểu ban tại cuộc làm việc lần này.
Trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, Thủ tướng đề nghị các thành viên Thường trực Tiểu ban cho ý kiến cụ thể về những nội dung trong dự thảo Báo cáo.
Nhận định đánh giá kết quả đạt được; nhìn nhận những tồn tại hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; bối cảnh trong nước và quốc tế thời gian tới; quan điểm phát triển; mục tiêu chiến lược, bao gồm cả mục tiêu tổng quát và những mục tiêu cụ thể; các đột phá chiến lược; phương hướng, nhiệm vụ thời gian đến..., Thủ tướng đề nghị trên cơ sở kinh nghiệm quản lý, điều hành và các ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, các thành viên Thường trực Tiểu ban cho ý kiến cụ thể, chi tiết, nhất là đối với những nhiệm vụ đột phá để phát triển kinh tế-xã hội thời gian đến.
Thủ tướng nhấn mạnh đến việc tăng cường công tác phối hợp với Tiểu ban Văn kiện phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII để so sánh, đối chiếu các nội dung liên quan, nhất là những nhận định, đánh giá lớn, những quan điểm phát triển, những mục tiêu đột phá và phân định các nội dung giữa 2 Tiểu ban.
Thủ tướng đề nghị các thành viên Tổ Biên tập hoàn tất các khâu liên quan, chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ phiên họp tới của Tiểu ban Kinh tế-xã hội.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Tổ trưởng Tổ Biên tập Tiểu ban Kinh tế-xã hội cho biết thời gian qua, Tổ Biên tập đã rất tích cực tập trung dành thời gian làm việc liên tục với sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành liên quan. Nhờ đó, nội dung của các dự thảo Báo cáo có chất lượng tốt và đảm bảo tiến độ đề ra.
Tiểu ban đã có 6 buổi làm việc với tổng cộng trên 56 tỉnh, thành phố và đã có kế hoạch hoàn tất làm việc với tất cả 63 tỉnh, thành phố trong tháng 8 này.
Tổ Biên tập của Tiểu ban đã chắt lọc ý kiến, trên cơ sở kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban tại các buổi làm việc để dự thảo 3 bản Báo cáo trình Thường trực Tiểu ban và các thành viên của Tiểu ban cho ý kiến đóng góp.
Tổ Biên tập cũng đang tích cực đôn đốc việc triển khai nghiên cứu 42 nhóm chuyên đề do 52 cơ quan, tổ chức đảm nhiệm và tiến độ thực hiện đã tương đối hoàn chỉnh.
Tổ Biên tập cũng đang tiến hành lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức quốc tế, các chuyên gia trong và ngoài nước có uy tín để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo theo hướng tận dụng các cơ hội, tiềm năng, lợi thế đưa đất nước phát triển mạnh mẽ; tránh tư tưởng thích ứng và đối phó./.