Thủ tướng đề nghị Bộ Công an xử lý nghiêm hành vi "bom hàng" giữa dịch bệnh

15:36 | 07/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Cần có quy định, hướng dẫn rõ ràng, thống nhất hơn về quá trình tiếp nhận đơn hàng, giao hàng, thanh toán để kiểm soát tốt hơn.

Hàng trăm đơn hàng bị "bom" khi "đi chợ hộ"

Theo đó bắt đầu từ 0h ngày 23/8, TP.HCM tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội, việc đảm bảo nguồn lương thực, thực phẩm cho người dân trong thời gian này được đặt lên hàng đầu, chính vì vậy các phường, xã tại TP đã tổ chức thực hiện việc đi chợ giúp người dân. Tuy nhiên, nhiều địa phương phản ánh tình trạng cán bộ đi chợ giúp nhưng đến lúc giao lại không có người nhận, một số trường hợp người dân cho biết, "chỉ là đặt thử".

Tình trạng chung của các đơn hàng bị "bom" là gọi không nghe máy. Số ít lại nói "đặt thử xem có được không chứ không mua", hoặc thẳng thừng trả lời "không mua nữa".

Ngày 27-8, phường Tân Thạnh, quận Tân Phú có 30 đơn hàng không có người nhận - Ảnh: Người dân cung cấp

Theo VOV thông tin từ UBND phường An Phú, TP Thủ Đức, TPHCM, trong đợt giao hàng cho người dân vào ngày 27/8 vừa qua, phường phát hiện gần 100 đơn hàng mà người dân đã đặt nhưng không nhận.

Không chỉ ở phường An Phú mà ở nhiều địa bàn khác tại TPHCM cũng xảy ra tình trạng này. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến ngày 28/8/2021, 8/11 phường trên toàn quận có hiện tượng người dân đặt hàng rồi nhưng không nhận. Có phường bị “bom” đến 30 đơn trong một ngày, một số phường khác cũng trên chục đơn. Trong các trường hợp từ chối nhận hàng, nhiều người khi được gọi điện để nhận hàng đã đặt thì cho biết, chỉ “đặt thử” xem có ai nhận đơn và mua hàng không…

Liên quan đến việc “đặt thử” mua hàng, có ý kiến cho rằng, vì lâu nay chính quyền địa phương chưa làm người dân tin tưởng nên người dân phải “kiểm tra” xem thông tin về việc đi chợ hộ đó thật không? Đây là ý kiến lệch lạc, thể hiện thái độ thiếu trách nhiệm của một số người khi đặt nghi vấn về các chủ trương, giải pháp phòng chống dịch trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Trong quá trình thực hiện giãn cách xã hội, có lúc, có nơi còn xảy ra những thiếu sót, chậm trễ, chưa đồng bộ… Nhưng trên thực tế, Chính phủ và hệ thống chính trị thành phố đã nỗ lực cao độ để kiểm soát dịch bệnh và mỗi người dù ở bất cứ vị trí nào cũng đều đồng hành trong nhiệm vụ cấp bách này.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Xuân Trọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Kiểm định và Huấn luyện an toàn vệ sinh lao động TP.Hồ Chí Minh cho rằng, trước hết phải khẳng định, việc huy động bộ đội vào TP.HCM và các tỉnh để chống dịch, để giúp dân là đúng, vì niềm tin son sắt và truyền thống quân với dân như cá với nước, vì nước quên thân, vì dân phục vụ, trong đó bộ đội làm công tác hậu cần y tế, kiểm soát di chuyển địa bàn, vận tải, cứu trợ, an táng hậu sự là rất đúng, kịp thời và thực tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đó là những hình ảnh đẹp trong lòng đồng bào miền Nam và cả nước.

Việc đi chợ hộ với mục đích hạn chế người dân tiếp xúc, tập trung đông người, tập trung mua sắm là tốt; cũng làm cho bộ đội hiểu hơn thực trạng đời sống nhân dân và hình ảnh bộ đội Cụ Hồ trong sáng, thuỷ chung, đẹp hơn trong ánh mắt người dân.

Tuy nhiên, việc "bom" hàng, chỉ là số ít và ở một số cá nhân ý thức kém, cố tình làm ảnh hưởng đến hình ảnh và chủ trương chung. Theo ông Trọng, việc này cần phải được lên án và xử lý nghiêm về mặt hành chính. Bởi, về đạo đức xã hội, nó là những hành vi xấu không chỉ trong thời kỳ dịch bệnh mà trong trạng thái bình thường cũng đã xảy ra. Hành động này gây thiệt hại cả vật chất và tinh thần cho người đi chợ hộ. Để xử lý, tại 1 số nơi, bà con các địa phương đã chung tay chia sẻ đơn hàng bị "bom hàng". Qua đó, thể hiện nét đẹp và tương ái đồng hành cùng chính quyền nỗ lực chống dịch!.

Cần có chế tài xử lý nghiêm

Ngày 6/9, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc nghiên cứu xử lý hành vi hủy đơn hàng “đi chợ hộ”.

Theo Văn phòng Chính phủ, việc “đi chợ hộ” đã được triển khai trong thời gian thực hiện tăng cường giãn cách xã hội tại TP HCM. Tuy nhiên, tại một số nơi đã xảy ra tình trạng hủy đơn hàng “đi chợ hộ”, gây khó khăn bộ đội, tình nguyện viên, làm dư luận, nhân dân bức xúc.

Lực lượng quân đội được phân công về các địa bàn để hỗ trợ cán bộ địa phương trong các công tác chống dịch và chăm lo đời sống người dân

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu có chế tài xử lý nghiêm hành vi trên, để bộ đội, tình nguyện viên yên tâm hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân.

Cùng ngày, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân ở khu vực tăng cường giãn cách xã hội.

Công văn nêu rõ, nhu cầu lương thực, thực phẩm của người dân ở khu vực tăng cường giãn cách xã hội tăng cao, hệ thống cung cấp đang quá tải. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương kịp thời nắm tình hình, khắc phục các hạn chế, bảo đảm lương thực, thực phẩm cung cấp cho người dân, đặc biệt tại “vùng đỏ".

Trước đó, chỉ trong 5 ngày thực hiện "đi chợ hộ", nhiều phường tại TP HCM đã gặp khó khăn khi đơn hàng bị bom quá lớn. Điển hình phường An Phú (TP Thủ Đức, TP HCM), trong 5 ngày triển khai việc đi chợ giúp người dân (23/8 - 27/8), phường đã có tới 100 đơn hàng bị "bom" trong ngày. Không chỉ ở TP Thủ Đức, mà một số địa bàn khác như quận 1,3,5,8,10,12, Tân Phú, Bình Tân, Bình Thạnh, Tân Bình… cũng xảy ra tình trạng đặt đi chợ hộ rồi không nhận hàng. Trong thời gian từ ngày 23/8 đến 31/8, quận Bình Tân có hơn 200 đơn hàng bị "bom". Trong đó, riêng phường Tân Tạo của phường này có đến 116 đơn hàng, phường An Lạc A có 44 đơn hàng…Để hạn chế tình trạng này, nhiều địa phương đã chủ động yêu cầu người dân khi đặt đơn hàng, nếu theo combo thì sau khi đặt xong phải thanh toán trước bằng cách chuyển khoản cho cán bộ hoặc nhân viên cửa hàng phụ trách, trường hợp đặt đơn không theo combo thì phải đặt cọc số tiền tương ứng 2/3 giá trị và người dân khi đặt đơn hàng chỉ gọi hoặc nhắn tin vào số điện thoại do phường công bố nhằm tránh tình trạng lừa đảo.

Bên cạnh đó, có địa phương đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Công an phường và các tổ trưởng dân phố để kiểm tra thông tin chính xác về người và địa chỉ đặt mua hàng hộ rồi mới thực hiện mua. Trường hợp nào thông tin chưa rõ ràng thì gọi điện thoại lại để xác định và nếu gọi nhiều lần không nghe hoặc tắt máy thì hủy ngay đơn hàng đó.

Trong bối cảnh TP HCM đang triệt để thực hiện giãn cách xã hội và chính quyền các địa phương triển khai rất tích cực mô hình đi chợ giúp dân để đáp ứng nhu cầu về hàng hóa thiết yếu của người dân là hết sức quan trọng và rất cần thiết phải duy trì. Việc bom hàng của một số người thể hiện thái độ thiếu trách nhiệm, gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch bệnh và tâm lý của những người ở tuyến đầu và khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Nhiều người dân cũng đã bức xúc đề nghị cơ quan thực thi pháp luật cần phải xử lý nghiêm hành vi này.

 

Theo đó để đảm bảo công tác an toàn chống dịch, người dân TP HCM sẽ được các tổ công tác đặc biệt trên địa bàn đi chợ hộ một lần một tuần.

Đây là một trong những nội dung vừa được UBND TP HCM đưa ra liên quan kế hoạch cung cấp hàng hóa và an sinh xã hội khi thành phố thực hiện "ai ở đâu ở yên đó" từ ngày 23/8 đến 6/9. Theo đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố Thủ Đức và các quận huyện sẽ thực hiện việc phân phối hàng hoá và lương thực thực phẩm cho người dân. Trong đó, việc cung ứng lương thực cho dân được thực hiện qua phương thức "đi chợ hộ". Những nhóm công tác đi chợ hộ cho dân là Tổ hậu cần địa phương, Tổ Covid-19 cộng đồng, các lực lượng tình nguyện tại địa phương, các lực lượng công an, quân đội. Tần suất thực hiện đi chợ hộ là một lần một tuần và tổ chức phân phối trực tiếp đến người dân(hộ dân trả tiền)