Giữa đỉnh dịch, lo ngại tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc

11:49 | 07/09/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trước tình trạng một số nhân viên y tế tự ý bỏ vị trí công tác, không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được phân công; Bộ Y tế đã phải lên tiếng chấn chỉnh.

Cụ thể, vào thời điểm đầu tháng 8 trước tình hình dịch bệnh phức tạp Bộ Y tế đã phải yêu cầu địa phương đảm bảo duy trì khám chữa bệnh thường quy. 

Tuy nhiên, theo Bộ thì vẫn còn tình trạng "người hành nghề y tự ý bỏ vị trí công tác, không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được phân công". 

Do đó, ngày 6/9 Bộ yêu cầu các Sở Y tế bảo đảm nhân lực làm việc tại cơ sở khám chữa bệnh, có phương án bố trí nhân lực phù hợp, dự phòng tình huống lây nhiễm phải cách ly y tế. Đối với y bác sĩ có nhiều đóng góp cho công tác phòng chống dịch cũng như hoạt động khám chữa bệnh, cần biểu dương, khen thưởng; đồng thời giám sát, chấn chỉnh quản lý người hành nghề y tại các cơ sở khám, chữa bệnh.

Các bác sỹ tuyến đầu lấy mẫu xét nghiệm cho bệnh nhân COVID-19

Ngược lại, "Các trường hợp tự ý bỏ việc hoặc vi phạm quy định về đạo đức hành nghề gửi về Bộ Y tế, sẽ bị xem xét kỷ luật hành chính hoặc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề" - Bộ Y tế nêu rõ. 

Cơ quan đầu ngành y tế cũng đề nghị yêu cầu tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh việc quản lý người hành nghề tại cơ sở khám chữa bệnh, tổng hợp các trường hợp tự ý nghỉ việc hoặc vi phạm y đức, sau đó báo cáo về Bộ. 

Theo nhiều chuyên gia, tại các địa phương vốn xảy ra tình trạng thiếu hụt lực lượng y, bác sỹ từ trước nên khi dịch xảy ra, chính quyền mới phải điều lực lượng chi viện cho các địa phương đông như vậy. Chính vì vậy, nếu đội ngũ này mà nghỉ thì sẽ khiến cho hệ thống y tế địa phương “trống” và các địa phương càng khó khăn hơn khi phải thực hiện phương châm chống dịch, sản xuất kinh tế tại chỗ. 

Khi lực lượng tăng cường rút thì đội ngũ y bác sỹ địa phương sẽ tiếp tục chăm sóc và bảo vệ người dân. Khó khăn về nhân lực sẽ cần các chính quyền Nhà nước sớm có biện pháp dài hạn khắc phục. 

Những khó khăn của y bác sỹ khi tham gia tuyến đầu chống dịch

Khi đại dịch COVID-19 bùng nổ suốt từ năm 2020 đến nay, đại bộ phận nhân viên y tế đã làm việc trên 100% công suất. Khi làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 bùng phát ở các tỉnh thành phía Nam đến nay, , các bệnh viện, trường phía Bắc đã chi viện 17.000 nhân lực y khoa cho khu vực phía Nam chống dịch. 

Tuy nhiên, đã có những mất mát xảy đến. Theo PGS Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến Bảo vệ blouse trắng nơi tuyến đầu, sáng 19/8 thì đã có hơn 2.300 nhân viên y tế bị lây nhiễm khi làm việc, ba người tử vong gồm hai tại Tp.HCM, một Bình Dương, trong cuộc chiến chống dịch vừa qua.

Còn theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, thành viên Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế chống dịch tại Tp.HCM đã ghi nhận 900 nhân viên y tế đã bị lây nhiễm trong quá trình làm việc trong đợt dịch này, theo báo cáo của Sở Y tế thành phố. "Song, mất đi ba nhân viên y tế là điều đau xót nhất", ông Khoa nói.

Bên cạnh đối mặt với lây nhiễm, y bác sĩ còn chịu áp lực nặng về tâm lý bởi lượng quá đông, trở nặng nhanh, tỷ lệ tử vong cao; thiếu trang thiết bị, máy móc, đồ bảo hộ; ăn uống, ngủ nghỉ qua loa...

Những cuộc gọi từ nửa đêm, nhiều nhân viên y tế tâm sự rằng đã khóc rất nhiều khi không cứu được người bệnh. Đối với thầy thuốc nữ còn vất vả hơn rất nhiều khi còn vướng bận gia đình, nhiều các bộ trong khu cách ly khi nghe tin người thân mất còn không thể về nhà được... 

Trước sự vất vả của đội ngũ y tế trong thời gian vừa qua, Công đoàn Y tế đã đề nghị hỗ trợ cho đội ngũ này. Cụ thể, Công đoàn đã đưa ra đề xuất lên Tổng Liên đoàn hỗ trợ dinh dưỡng cho tất cả những người tham gia tuyến đầu 1 triệu đồng/đợt, con số này sẽ trích từ nguồn quỹ của Tổng Liên đoàn hoặc Liên đoàn Lao động các tỉnh chi trả.

Trường hợp của các cán bộ trực thuộc Công đoàn Y tế Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Y tế điều động tăng cường, đơn vị này đã đề nghị hỗ trợ thêm cho mỗi người 2 triệu tiền tăng cường/đợt từ kính phí của Công đoàn Y tế Việt Nam.

Ngoài ra, tất cả các chế độ chính sách nhà nước quy định từ tiền trực, tiền phụ cấp, tiền chống dịch, đội ngũ tham gia tuyến đầu chống dịch đều được nhận đầy đủ, được ưu tiên tiêm vaccine cho người thân tại nhà. Tất cả cán bộ y tế đi tăng cường đều được bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Công đoàn Y tế Việt Nam. 

Công đoàn Y tế cũng đã triển khai thẻ bảo hiểm cho những cho các y, bác sỹ tại tuyến đầu khi đã cấp 20.000 thẻ và đang tiếp tục đề xuất 25.000 thẻ bảo hiểm an toàn nữa cho lực lượng này. Đặc biệt, đối với các cán bộ y tế đang đi chống dịch mà có hoàn cảnh gia đình khó khăn thì được hỗ trợ 2 triệu đồng, đối với các trường hợp cán bộ y tế đang đi chống dịch mà thân nhân mất, không về chịu tang thì sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng.

 

Nhân viên y tế có thể nghỉ việc trong trường hợp đặc biệt nào?

Trả lời báo Thanh Niên, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Đoàn luật sư Tp.HCM, cho biết thủ tục nghỉ việc và kỷ luật nhân viên y tế công lập phải áp dụng theo luật Viên chức.

Cụ thể, luật này quy định viên chức được quyền đơn phương chấm dứt lao động trong một số trường hợp cụ thể: Với viên chức ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì chỉ cần tuân thủ về thời gian báo trước (45 ngày). Với viên chức ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn thì được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong một số trường hợp, trong đó có “Bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng”, và cũng phải báo trước cho tổ chức ít nhất 30 ngày. Theo đó, nhân viên y tế họ có quyền xin nghỉ việc theo quy định của luật này. 

Vị luật sư cho rằng, trong đội ngũ y tế chống dịch cũng có những trường hợp đặc biệt vì lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình thì việc họ xin nghỉ việc là chính đáng, không thể kỷ luật hay lấy lý do khác luật để cản trở quyền của họ được. 

Tuy nhiên, luật sư Hưng cũng lưu ý rằng: nghỉ việc của viên chức nhằm trốn tránh trách nhiệm, thoái thác công việc hoặc nhiệm vụ được giao là hành vi vi phạm. Cơ quan quản lý hoàn toàn có thể xử lý kỷ luật và không giải quyết cho nghỉ việc.