60% doanh nghiệp thủy sản khặp khó khăn ngay sau giãn cách xã hội
Theo khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính tới cuối tháng 8/2021, chỉ có khoảng 30-40% doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam hoạt động được “3 tại chỗ”; khoảng 30-40% doanh nghiệp không đủ thực hiện “3 tại chỗ” đã phải ngừng sản xuất, số còn lại đã tạm dừng sản xuất, tổ chức lại nhà máy để thực hiện “3 tại chỗ”.
Với những nhà máy thực hiện được phương án này thì lượng công nhân có thể huy động được khoảng từ 30-50% trên tổng số lượng lao động, số còn lại nghỉ việc hoặc nghỉ không lương, công suất chế biến đã giảm từ 50-60% so với trước. Ước tính, công suất chung của các doanh nghiệp trong ngành giảm từ 60-70%. Nguyên nhân do chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị dứt gãy, hoặc khó khăn trong vận chuyển; doanh nghiệp bị mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, không đảm bảo tiến độ giao hàng. Đặc biệt là khó quy tụ lại lực lượng lao động như ban đầu do công nhân chưa được tiêm vaccine nên chưa thể đến cơ sở sản xuất, đã về quê, cách ly, hoặc đang điều trị COCID-19…
Kịch bản nào cho tình hình xuất khẩu thủy sản sau tháng 9?
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ và cá biển khác đều giảm từ 35-40% so với cùng kỳ năm 2020. Nhờ kết quả xuất khẩu 7 tháng qua tăng cao nên lũy kế 8 tháng, xuất khẩu thủy sản vẫn tăng khoảng 6%, đạt 5,5 tỷ USD.
Trong số đó, xuất khẩu tôm đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 4%, xuất khẩu cá tra vẫn giữ tăng trưởng 7%, đạt 980 triệu USD. Xuất khẩu cá ngừ 8 tháng cũng tăng trên 10%, đạt 460 triệu USD. Trong khi đó, xuất khẩu mực, bạch tuộc và các loại cá khác (trừ cá ngừ, cá tra) chỉ tăng nhẹ 2% và 4%.
Theo kết quả khảo sát của VASEP, từ giữa tháng 7 tới nay, chỉ có khoảng 30-40% số doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ” và cũng chỉ huy động được từ 40-50% người lao động tham gia sản xuất. Do đó, công suất sản xuất trung bình giảm chỉ còn từ 40-50% so với trước đây
Trong khi đó, chuỗi cung ứng nguyên vật liệu của ngành thủy sản bị đứt gãy hoặc gặp khó khăn trong vận chuyển, chi phí đầu vào và chi phí vận tải đều tăng đang và sẽ là gánh nặng cho cộng đồng doanh nghiệp thủy sản Việt Nam thời gian tới.
VASEP nhận định diễn biến dịch COVID-19 vẫn còn đang căng thẳng ở các tỉnh phía Nam, nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Dương, trong khi việc triển khai tiêm vaccine cho lực lượng công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp vẫn còn hạn chế và không đồng đều. Với thực trạng đó, bức tranh sản xuất và xuất khẩu thủy sản tháng 9 này sẽ vẫn ảm đạm.
Tới thời điểm này, một số tỉnh Nam sông Hậu như Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang… kiểm soát dịch COVID-19 tốt và linh hoạt nên tình hình sản xuất sẽ hồi phục sớm hơn. Đây là những tỉnh trọng điểm về sản xuất và xuất khẩu tôm, do vậy mặt hàng tôm được kỳ vọng sẽ giúp hạn chế mức sụt giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, sản xuất và chế biến cá tra lại tập trung chủ yếu ở các tỉnh Bắc sông Hậu, khu vực vẫn đang gặp thách thức với sản xuất “3 tại chỗ.” Hơn một nửa các nhà máy phải đóng cửa, tình hình xuất khẩu cá tra sẽ khó cải thiện trong tháng tới. Tương tự, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ là nơi có nhiều nhà máy và doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu các mặt hàng hải sản như mực, bạch tuộc, cá ngừ, các loại cá biển khác.Với tình trạng COVID-19 phức tạp như hiện nay, sản xuất và xuất khẩu tại những địa bàn này sẽ tiếp tục đình trệ trong tháng 9.
Chia sẻ nguyên nhân không thể tiếp tục “3 tại chỗ”, bà Nguyễn Thị Ánh- Giám đốc Công ty TNHH Sông Tiền (Tiền Giang) - cho biết, do địa phương thực hiện giãn cách quá lâu, công nhân, người lao động làm việc “3 tại chỗ” đã bắt đầu mệt mỏi và mong được về nhà. Thêm vào đó, việc thực hiện “3 tại chỗ” đã phát sinh rất nhiều chi phí trong khi công suất sản xuất giảm nên công ty không thể tiếp tục được.
“Hiện chúng tôi chỉ duy trì được 10 công nhân trong nhà máy để giải quyết những đơn hàng đang dang dở. Số công nhân còn lại tạm thời cho nghỉ việc và được trả lương cơ bản”- bà Ánh cho biết thêm.
“Chỉ tính riêng đến nguồn thức ăn chăn nuôi cho thủy sản hiện cũng đang rơi vào thiếu hụt bởi đơn vị sản xuất cũng phải thực hiện “3 tại chỗ” nên công suất giảm. Điều này ít nhiều ảnh hưởng tới nguồn nguyên liệu nuôi cá tra cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dự báo, nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng sẽ thiếu từ 20-30% và giá nguyên liệu sẽ tăng từ 10-20% trong những tháng cuối năm”- một doanh nghiệp chế biến thủy sản cho hay.
Trước các khó khăn bủa vây, doanh nghiệp thủy sản kiến nghị cần sớm được tiêm vắc xin bởi hiện tỷ lệ doanh nghiệp được tiêm mũi 1 tính tới cuối tháng 8/2021 tại miền Nam mới đạt trung bình 30-40%.
“Chúng tôi đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thứ tự ưu tiên các thành phần được tiêm vắc xin ngừa COVID-19. Theo đó, sau những người làm tại các cơ sở y tế và những cán bộ liên quan phải tiếp xúc với người dân, người cao tuổi, người có bệnh nền thì thứ tự tiếp theo là những người lao động như ngành thủy sản, trong đó đặc biệt ưu tiên cho lực lượng tại các nhà máy đang áp dụng phương thức “3 tại chỗ”. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất các địa phương không áp dụng cứng nhắc quy định sản xuất “3 tại chỗ” bằng việc hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện “1 cung đường - 2 điểm đến” sau khi đã tiêm đủ vắc xin ngừa COVID -19 và nơi ở công nhân là một địa điểm ngoài nhà máy”- đại diện VASEP cho biết.
Cùng với đó, vào tháng 8/2021 VASEP đã kiến nghị Bộ Công Thương xem xét hỗ trợ giảm giá tiền điện dài hạn cho doanh nghiệp thủy sản. Lý do, điện rất quan trọng đối với bất cứ nhà máy nào, từ khâu chế biến - cấp đông - kho bảo quản, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn đầu tư cả khâu nuôi trồng để hoàn thiện chuỗi cung ứng.
Những kiến nghị của VASEP gần đây đã được Chính phủ đồng ý. Điển hình là việc giảm giá tiền điện, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 97/NQ-CP thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 như đề xuất của Bộ Công Thương. Theo đó, các doanh nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, rau quả sẽ được giảm giá tiền điện 10% trên hóa đơn (trước thuế VAT), kéo dài trong 3 tháng tính từ kỳ hóa đơn tháng 9/2021.
“Chúng tôi đánh giá cao việc giảm giá tiền điện kéo dài trong 3 tháng cho doanh nghiệp thủy sản. Với mức giảm 10%, mỗi tháng chúng tôi sẽ tiết giảm được hơn 100 triệu đồng, bù vào các chi phí đang phát sinh do thực hiện kéo dài giãn cách xã hội”- bà Nguyễn Thị Ánh chia sẻ.
Với kịch bản từ sau tháng 9, hầu hết công nhân chế biến thủy sản được tiêm vaccine, các công ty không phải sản xuất “3 tại chỗ,” xuất khẩu 3 tháng cuối năm sẽ hồi phục nhẹ và có thể đạt được kim ngạch khoảng 8,5-8,6 tỷ USD. Trong số đó, xuất khẩu tôm dự báo đạt khoảng 3,9-4 tỷ USD, cá tra khoảng 1,5 tỷ USD, hải sản khoảng 3,1 tỷ USD.
Tiền Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp là các tỉnh có số lượng doanh nghiệp thủy sản ngừng hoạt động hoàn toàn hoặc tạm ngừng sản xuất nhiều nhất để tổ chức lại thực hiện “3 tại chỗ”.
Khả năng phục hồi của thị trường phụ thuộc nhiều vào diễn biến của dịch bệnh
Xuất khẩu thủy sản tháng 8/2021 giảm 33,6% và dự báo tiếp tục giảm trong tháng 9. Tuy nhiên, các thị trường xuất khẩu thủy sản chủ lực như Mỹ, EU, Nhật... đang khôi phục, nhu cầu cao khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế, mở ra cơ hội cho thủy sản Việt Nam.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) ước tính, tháng 8/2021 xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 123 nghìn tấn, trị giá 600 triệu USD, giảm 33,6% về lượng và giảm 26,35% so với cùng kỳ năm 2020. Tháng 8/2021, xuất khẩu thủy sản bị tác động mạnh sau khi chững lại trong nửa cuối tháng 7/2021 khi dịch Covid-19 khiến nhiều tỉnh thành phía Nam, thủ phủ sản xuất và xuất khẩu thủy sản của cả nước buộc phải giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Tính chung 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam ước đạt 1,283 triệu tấn, trị giá 5,578 tỷ USD, tăng 4,19% về lượng và tăng 7,14% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Theo VASEP, trải qua hơn một tháng hoạt động trong hoàn cảnh giãn cách xã hội và phương thức hoạt động 3 tại chỗ, kết quả xuất khẩu thủy sản tháng 8 giảm so với cùng kỳ năm ngoái đã phản ánh rõ mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh đối với ngành thủy sản. Trong tháng 8/2021, xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ, mực, bạch tuộc, cua ghẹ và cá biển khác đều giảm từ 35-40% so với cùng kỳ năm 2020. Nhờ kết quả xuất khẩu 7 tháng đầu năm tăng cao, nên tính cộng dồn 8 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản vẫn đạt trên 5,5 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm đạt gần 2,4 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu cá tra vẫn giữ tăng trưởng 7% đạt 980 triệu USD.
Phản ánh của các doanh nghiệp chế biến tôm tại Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu - ba địa phương dẫn đầu về sản lượng và sản xuất tôm của cả nước, hiện nay, diễn biến dịch bệnh COVID-19 phức tạp và các tỉnh đều thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên không chỉ việc lưu thông hàng hóa, mua bán con giống, thu hoạch tôm gặp khó khăn mà các nhà máy cũng đã phải giảm công suất chế biến 60-70%, thiếu hụt công nhân, chi phí tăng cao.
Còn với các doanh nghiệp chế biến cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long, từ cuối tháng 7/2021, dịch bệnh lan từ TP. Hồ Chí Minh xuống các tỉnh miền Tây thì các doanh nghiệp ngành này hứng chịu đầu tiên, có tới 50% doanh nghiệp tại một số địa phương vùng trọng điểm phải đóng cửa, cá tra nuôi tại ao của công ty vượt size do các nhà máy ngừng hoạt động hoặc giảm tối đa công suất. Một số doanh nghiệp nuôi cá tra thời gian nuôi bị kéo dài, mật độ lớn khiến cá chết hàng chục tấn mỗi ngày. Hiện nay, ước tính, công suất hoạt động của toàn ngành cá tra chỉ từ 10 - 20%.
VASEP dự báo, xuất khẩu thủy sản trong tháng 9 sẽ tiếp tục giảm ít nhất 20%, đạt khoảng 660 triệu USD. Cục Xuất nhập khẩu nhận định, dịch COVID-19 trong nước vẫn diễn biến phức tạp, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ chưa thể phục hồi trong tháng 9/2021.
Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu nhận định, xuất khẩu thủy sản sẽ phục hồi sau khi dịch COVID-19 trong nước được kiểm soát tốt nhờ nhu cầu từ các thị trường lớn như Mỹ, EU… tăng mạnh khi tỷ lệ tiêm vắc xin cao, khả năng phục hồi và mở cửa nền kinh tế sẽ mạnh mẽ hơn. Để đảm bảo cho ngành thủy sản phục hồi sau dịch, việc đảm bảo ổn định hoạt động nuôi trồng và chế biến là cấp thiết.
Tại cuộc họp trực tuyến về sản xuất, tiêu thụ thủy sản những tháng cuối năm 2021 đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 với các đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và một số công ty, hiệp hội sản xuất, kinh doanh thủy sản diễn ra ngày 4/9, ông Bùi Bá Sự - Phó Tổng giám đốc kinh doanh của Tập đoàn Việt - Úc - nhận định, các thị trường Mỹ, EU và Nhật đang hồi phục kinh tế rất nhanh sau khi khống chế được dịch bệnh COVID-19, cùng với đó là nhu cầu nhập khẩu thủy sản, cụ thể là tôm cũng tăng cao. Đây là cơ hội để người nuôi và các doanh nghiệp thủy sản trong nước cùng tăng tốc. Để tận dụng cơ hội thị trường, ông Bùi Bá Sự đề xuất tiêm vắc xin cho người lao động ngành thủy sản. Những người được tiêm từ 1 mũi trở lên sau 14 ngày được phép đi lại, sản xuất bình thường. Việc này sẽ giúp các nhà máy sớm khôi phục sản lượng, thông suốt trong cả tiêu thụ lẫn thu mua đầu vào.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - nhận định. Để đạt được mục tiêu xuất khẩu thủy sản 8,8 tỷ USD, cần khắc phục nhanh những khó khăn trước mắt và tận dụng triệt để cơ hội thị trường trong dịp Noel và năm mới sắp tới. Bộ NN&PTNT sẽ vào cuộc để giải quyết vấn đề thu mua, sản xuất và vận chuyển, không để xảy ra tình trạng nhà máy ngừng hoạt động. Ông Phùng Đức Tiến cũng yêu cầu các đơn vị của Bộ NN&PTNT phải theo dõi các quy luật tiêu thụ hàng năm để đưa ra được kịch bản sản xuất phù hợp.
VASEP dự báo, với kịch bản từ sau tháng 9, hầu hết công nhân chế biến thủy sản được tiêm vắc xin, các công ty không phải sản xuất 3 tại chỗ, xuất khẩu 3 tháng cuối năm sẽ hồi phục nhẹ và có thể đạt được xuất khẩu khoảng 8,5-8,6 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu tôm dự báo đạt khoảng 3,9 - 4,0 tỷ USD, cá tra khoảng 1,5 tỷ USD, xuất khẩu hải sản khoảng 3,1 tỷ USD.