Thủ tướng đề nghị WHO ưu tiên cung cấp vaccine cho Việt Nam nhanh nhất, sớm nhất có thể

20:35 | 24/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa hoạt động ngoại giao vaccine, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có thư gửi ông Tedros Adhanom, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Đề nghị ưu tiên cấp vaccine

Trong thư, Thủ tướng vui mừng nhận thấy các sáng kiến hợp tác được thống nhất tại cuộc điện đàm giữa Thủ tướng và ngài Tổng Giám đốc WHO vào ngày 24/6 vừa qua đã và đang được tích cực triển khai, trân trọng cảm ơn WHO về điều này. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của WHO và nhiều đối tác quốc tế, Việt Nam đã nhận được nhiều triệu liều vaccine thông qua Chương trình COVAX.

Thủ tướng đề nghị WHO ưu tiên cung cấp vaccine cho Việt Nam nhanh nhất, sớm nhất có thể - ảnh 1

Vaccine phòng Covid-19 về Việt Nam từ nguồn hỗ trợ của COVAX Facility.

Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với đợt bùng phát dịch trên diện rộng do biến chủng Delta gây nên. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị WHO ưu tiên cung cấp vaccine cho Việt Nam trong đợt phân bổ vaccine sắp tới của COVAX nhanh nhất, nhiều nhất, sớm nhất có thể; đồng thời, tiếp tục hỗ trợ vật tư y tế, chuyển giao công nghệ vaccine mRNA giúp Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đặc biệt, Việt Nam mong  sớm được đón đoàn chuyên gia của WHO sang trao đổi, hướng dẫn cụ thể về hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam ủng hộ vai trò của WHO trong thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng chống đại dịch Covid-19 và tiếp cận công bằng chẩn đoán, điều trị và vaccine ngừa Covid-19.

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có hai cuộc điện đàm quan trọng với Tổng giám đốc Tập đoàn AstraZeneca và Chủ tịch, Giám đốc điều hành Công ty Pfizer. Lãnh đạo các tập đoàn đều cho biết, sự xuất hiện của chủng virus Delta đã và đang làm tăng mạnh số ca lây nhiễm trên toàn cầu, gây rất nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu rất lớn của thế giới về vaccine hiện nay, thậm chí một số nước phát triển đang muốn triển khai tiêm vaccine mũi thứ 3. Tuy nhiên, lãnh đạo AstraZeneca và Pfizer đều khẳng định cam kết sẽ nỗ lực đẩy mạnh cung ứng vaccine và tiến độ giao vaccine cho Việt Nam nhanh nhất, sớm nhất có thể.

Tại cuộc điện đàm với Chủ tịch, Giám đốc điều hành Công ty Pfizer, ông Albert Bourla tối 20/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ cảm ơn Công ty Pfizer đã có những đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển ngành y tế tại Việt Nam, cũng như đã hợp tác tích cực để chuyển giao vaccine cho Việt Nam theo hợp đồng cung cấp 31 triệu liều giữa Pfizer với Chính phủ Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Pfizer ưu tiên, quan tâm và đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giao vaccine cho Việt Nam theo các hợp đồng, thỏa thuận, trước mắt là hoàn thành cam kết số lượng vaccine giao trong tháng 8, tháng 9 và quý 4 năm 2021, sớm bàn giao vaccine cho trẻ em và người dưới 18 tuổi.

Ngoại giao vaccine là nhiệm vụ cấp bách, chiến lược

Chiều ngày 24/8, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã chủ trì cuộc họp Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine nhằm rà soát, đánh giá tiến độ và kết quả triển khai các nhiệm vụ ngoại giao vaccine thời gian qua; thống nhất các nhiệm vụ cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện nhằm tiếp cận, đưa vaccine, trang thiết bị y tế và thuốc điều trị về nước nhanh nhất, nhiều nhất và sớm nhất có thể.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng Tổ Công tác báo cáo, với những biện pháp hiệu quả và quyết liệt, trong tháng 8 và tháng 9 tới đây, mặc dù thế giới rất khan hiếm vaccine, chúng ta sẽ tiếp tục nhận được thêm  vaccine nhiều hơn dự kiến, có thể trên 16 triệu liều qua các hình thức viện trợ, các đối tác nhượng lại vaccine và giao vaccine theo các hợp đồng đã ký kết. Trước mắt, trong tuần từ 23-28/8, ít nhất chúng ta sẽ nhận thêm được khoảng 3 đến 4 triệu triệu liều vaccine từ các đối tác.

Bên cạnh vaccine, nhiều đối tác, cả Chính phủ, các địa phương và hiệp hội doanh nghiệp, cũng như kiều bào ta tại nước ngoài đã dành sự hỗ trợ quý báu về trang thiết bị y tế để phục vụ kịp thời và thiết thực cho công tác phòng chống dịch. Đến nay, Việt Nam đã nhận được khoảng hơn 1 triệu USD tiền mặt, hơn 6.368.000 bộ xét nghiệm, gần 600.000 khẩu trang các loại, khoảng 600 máy thở, 300 máy nén oxy, 100 tấn oxy hóa lỏng, hơn 100 máy tạo oxy và 77 tủ lạnh bảo quản vaccine cùng nhiều thiết bị y tế phục vụ công tác điều trị bệnh nhân và phòng chống dịch khác.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng kiến nghị các biện pháp cần khẩn trương thực hiện để tiếp tục vận động vaccine và các trang thiết bị phòng chống dịch.

Phó Thủ tướng đánh giá cao các kết quả tích cực của công tác ngoại giao vaccine thời gian qua, góp phần thiết thực vào nỗ lực phòng chống dịch trong nước, tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Phó Thủ tướng đánh giá kết quả vận động để chúng ta có thể nhận được thêm ít nhất hơn 16 triệu liều vaccine trong tháng 8 và tháng 9 là rất đáng mừng và có ý nghĩa rất lớn trong giai đoạn hiện nay.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định ngoại giao vaccine vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược, dài hạn và là mặt trận quyết định thành công của chiến lược vaccine của Chính phủ.

Tổ Công tác cần tổ chức tiếp nhận nhanh, kịp thời các trang thiết bị y tế do Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp các nước và kiều bào ta ở nước ngoài dành tặng cho nhân dân Việt Nam trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay; đẩy nhanh việc tiếp cận, vận động và đàm phán các loại thuốc điều trị để phục vụ việc chữa trị bệnh nhân và giảm tối đa tỷ lệ tử vong do COVID-19. 

Phạm Giang (t/h)