Thủ tướng đề xuất các giải pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực
Trong hai ngày 15-16/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn Đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Chiến lược Hợp tác Kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) lần thứ 8 và Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV) lần thứ 9 tại Bangkok, Thái Lan.
Tại các hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng; tiến hành các cuộc gặp gỡ song phương với lãnh đạo một số quốc gia và một số doanh nghiệp lớn của Thái Lan.
Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả của hợp tác ACMECS và CLMV
Đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của hợp tác ACMECS, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Hợp tác ACMECS cần thúc đẩy phối hợp quan điểm trong hợp tác với các đối tác phát triển, đồng thời xây dựng tiếng nói chung về các vấn đề cần giải quyết, các ưu tiên hợp tác của tiểu vùng; cải tiến cơ chế hoạt động của ACMECS và chú trọng hơn việc huy động nguồn lực tài chính cho hợp tác ACMECS thông qua các sáng kiến như Quỹ ACMECS và Quỹ tín thác và cơ sở hạ tầng ACMECS.
Thủ tướng đề nghị các nước cần nghiên cứu cách thức cải tiến cơ cấu hoạt động của ACMECS theo hướng tinh gọn, hiệu quả, tính cả phương án kết hợp tổ chức hội nghị các cấp của ACMECS cùng dịp với các sự kiện của ASEAN và các cơ chế Mekong khác.
Đồng thời, đề xuất nhiều nội dung hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực kết nối giao thông, thương mại và đầu tư, nông nghiệp, du lịch, bảo về môi trường và quản lý tài nguyên và phát triển nguồn nhân lực.
Tại Hội nghị CLMV lần thứ 9 với chủ đề “Vì sự hội nhập và kết nối sâu sắc hơn”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các nước Campuchia, Lào, Myanmar khẳng định quyết tâm thúc đẩy hợp tác nhằm phát huy tiềm năng kinh tế của các nước thành viên, đóng góp cho sự phát triển của Cộng đồng ASEAN và bảo đảm sự phát triển bền vững và bao trùm tại khu vực; thảo luận phương hướng và biện pháp nâng cao hiệu quả hợp tác trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN có tính cấp thiết và ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của từng quốc gia CLMV và ổn định, thịnh vượng của ASEAN.
Thủ tướng nêu ba điểm lớn mà hợp tác CLMV cần chú trọng để đạt hiệu quả hoạt động cao nhất. Đó là: tập trung vào các lĩnh vực hợp tác phù hợp với thế mạnh của cơ chế hợp tác và có tính khả thi cao; sáng tạo trong cách thức huy động nguồn lực và xây dựng các dự án chung liên quốc gia; xây dựng chiến lược hợp tác trung, dài hạn làm cơ sở để triển khai các hoạt động.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng với các nhà lãnh đạo thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao CLMV 9 và nhất trí Lào sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị Cấp cao CLMV lần thứ 10.
Nhất trí thúc đẩy cơ chế hợp tác quan trọng Việt Nam-Thái Lan
Bên lề các hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha; tiếp ông Charoen Sirivadhanabhakdi, Chủ tịch Thai Beverage (ThaiBev)
Hai Thủ tướng khẳng định coi trọng hợp tác về kết nối giữa Việt Nam và Thái Lan cũng như với các nước khác trong khu vực; nhất trí phối hợp thúc đẩy phát triển các tuyến đường thuộc hành lang kinh tế Đông - Tây, đồng thời nghiên cứu, xúc tiến triển khai các dự án kết nối đường bộ, đường thủy nhằm phục vụ hợp tác giao thương, giao thông vận tải, du lịch và giao lưu nhân dân giữa các nước trong khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chính phủ Thái Lan xem xét mở rộng ngành nghề cho lao động Việt Nam sang làm việc tại Thái Lan theo khuôn khổ Thỏa thuận Hợp tác lao động giữa hai nước.
Về phần mình, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha khẳng định mong muốn tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác song phương, đặc biệt trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, đồng thời tập trung phối hợp giải quyết một số vấn đề còn vướng mắc liên quan đến lao động, quốc tịch cho người gốc Việt, nhập khẩu ô tô..., mong muốn Việt Nam tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp Thái Lan kinh doanh tại Việt Nam.
Nhân dịp này, hai Thủ tướng đã chứng kiến lễ ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa Ngân hàng Kasikorn của Thái Lan với Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam, và hợp đồng giữa công ty TNHH Xuân Cầu của Việt Nam với công ty B.Grimm của Thái Lan về hợp tác phát triển nhà máy điện năng lượng mặt trời Dầu Tiếng 1 và Dầu Tiếng 2 tại tỉnh Tây Ninh.
Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị Chủ tịch ThaiBev trong quá trình điều hành cần quản lý tốt các khâu đại lý, thu mua, sản xuất nguyên liệu đầu vào, gia công, liên kết trong hoạt động của Sabeco.
Thủ tướng tin tưởng và mong muốn dưới sự điều hành của ThaiBev, Sabeco sẽ đóng thuế cao hơn, nhiều hơn cho Nhà nước, tuân thủ đúng các quy định về hoạt động của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam; gìn giữ vững và phát huy giá trị thương hiệu Sabeco vì lợi ích nhà đầu tư và thương hiệu Việt.
Chính phủ Việt Nam nhất quán thực hiện nguyên tắc bình đẳng, công khai, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư, trong đó có ThaiBev và Sabeco.
Quyết liệt giải quyết vướng mắc đối với các dự án hợp tác trọng điểm Việt-Lào
Chiều 15/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có cuộc gặp gỡ và hội đàm với Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai bên tiếp tục chia sẻ thông tin, phối hợp chặt chẽ trong ASEAN và các diễn đàn đa phương khác, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững tại mỗi nước cũng như ở khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith cho biết ông sẽ sớm gặp và trực tiếp trao đổi với các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại Lào, khẳng định sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương của Lào phối hợp chặt chẽ với các đối tác Việt Nam cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hợp tác, đặc biệt là tại các dự án quan trọng có ý nghĩa lớn về phát triển kinh tế, xã hội, mang lại lợi ích to lớn cho cả hai bên.