Thủ tướng: Doanh nhân là động lực tăng trưởng của khu vực Mekong

20:46 | 31/03/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Các nhà đầu tư, doanh nhân trong và ngoài khu vực chính là nguồn động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế khu vực Mekong.

Ngày 30/3, lần đầu tiên Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) được tổ chức theo sáng kiến của Việt Nam nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh của lãnh đạo cấp cao khu vực GMS.

Tham dự Hội nghị có Thủ tướng và lãnh đạo cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Diễn đàn.

Hội nghị cũng có sự tham dự của Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tổng thư ký ASEAN, Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) cùng đại diện gần 100 tổ chức quốc tế và đối tác phát triển. Đặc biệt, Diễn đàn thu hút hơn 2000 doanh nhân trong nước và quốc tế đăng ký tham dự.

Thủ tướng: Doanh nhân là động lực tăng trưởng của khu vực Mekong - ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS. (Ảnh: Lao Động)

Phát biểu tại phiên toàn thể đối thoại chính sách của diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định các nhà đầu tư, doanh nhân trong và ngoài khu vực chính là nguồn động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế khu vực Mekong.

Thủ tướng nhận định các quốc gia, các đối tác dù nhỏ, tiềm lực hạn chế nhưng liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau trong khuôn khổ chung GMS, sẽ cùng tạo ra một khu vực kinh tế chung, một thị trường chung, mang lại sức mạnh cộng hưởng to lớn, mở ra rất nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng cho rằng Diễn đàn thượng đỉnh kinh doanh GMS chính là nơi để thúc đẩy các sáng kiến và khơi nguồn kết nối không chỉ giữa Chính phủ, chính quyền các cấp với nhau mà còn với các doanh nghiệp.

Và điều quan trọng nhất là đề cao vai trò của kết nối hợp tác giữa các doanh nghiệp với nhau nhằm tạo nên những liên kết, hợp tác thực chất cho phát triển thịnh vượng của khu vực GMS và tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.

Tại diễn đàn, các đại biểu cũng nhất trí rằng nhịp độ phát triển hiện nay của tiểu vùng Mekong có thể được nâng cao hơn nữa, thông qua tăng cường đối thoại, hợp tác và phối hợp trong các mục tiêu phát triển. 

Các doanh nghiệp, các tổ chức phát triển quốc tế và khu vực có vai trò quan trọng, quyết định trong thực hiện thành công các mục tiêu về đẩy mạnh phát triển khu vực.

Theo Thủ tướng, tầm nhìn mới cho hợp tác GMS trong tương lai sau 2022 là một tiểu vùng Mekong kết nối, hội nhập, phát triển bền vững, thịnh vượng và hài hòa cần được định hình ngay từ lúc này.

"Để hiện thực hóa tầm nhìn và để GMS không phải là một phép cộng cơ học của các nền kinh tế thành viên, chúng ta cần tập trung cải cách thể chế pháp luật, phát triển hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực, phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy các hoạt động thương mại xuyên biên giới; 

Tiếp tục đẩy mạnh việc tham gia vào những nấc giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu thông qua các khuôn khổ hợp tác kinh tế và thương mại tự do", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.