Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không được làm đô thị thông minh kiểu phong trào

07:00 | 23/10/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương của Việt Nam không phát triển phong trào đô thị thông minh.
Theo báo Tuổi trẻ phát biểu tại phiên toàn thể của Diễn đàn cấp cao đô thị thông minh ASEAN (ASEAN Smart Cities Summit & Expo 2020) do Ban Kinh tế trung ương và Bộ Xây dựng phối hợp tổ chức tại Hà Nội chiều 22-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, phát triển đô thị thông minh thực sự là một "cuộc chơi lớn", trong đó cần có những "người cùng chơi" có tầm nhìn và tiềm lực.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không được làm đô thị thông minh kiểu phong trào - ảnh 1
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, phát triển đô thị thông minh là cuộc chơi lớn, cần những người có tiềm lực, tầm nhìn.
 
Theo Thủ tướng, phát triển đô thị thông minh không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tăng trưởng kinh tế, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tài nguyên hiệu quả, mà còn có thể định hướng, dự báo được các vấn đề rủi ro, nguy cơ một cách chính xác hơn, nhanh chóng hơn, từ đó tăng khả năng thích ứng, tự phục hồi của xã hội và đô thị. "Việt Nam xác định phát triển đô thị thông minh, bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia" - Thủ tướng phát biểu.
 
Qua các ý kiến thảo luận tại Diễn đàn cấp cao đô thị thông minh ASEAN 2020, có thể thấy các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo quản lý các bộ ngành từ xây dựng đến thông tin và truyền thông, giao thông vận tải… đã có cùng quan điểm. Đó là để giải quyết những tồn tại, hạn chế trong quá trình phát triển của các đô thị tại Việt Nam trong thời gian qua cũng như trong tương lai gần, một giải pháp quan trọng là cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, phát triển đô thị.
 
Báo Dân trí dẫn lời ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế trung ương - phát biểu tại Diễn đàn cho hay: Quá trình đô thị hóa và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng trên toàn thế giới, dự kiến 55% dân số toàn cầu hiện đang sinh sống tại các đô thị.
 
Năm 2050, dự báo khoảng 70% dân số toàn cầu sẽ chọn đô thị làm nơi sinh sống và các đô thị tạo ra khoảng 80% GDP toàn cầu nhưng đồng thời cũng là tác nhân của 70% lượng CO2 trên toàn thế giới. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra và làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt của các đô thị và tại ASEAN, quá trình đô thị hóa cũng đang phát triển mạnh mẽ, hơn một nửa dân số hiện đang sinh sống tại các đô thị.
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không được làm đô thị thông minh kiểu phong trào - ảnh 2
Thủ tướng cùng Trưởng Ban kinh tế Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà thăm quan la bàn đô thị thông minh tại Hà Nội
 
"Đô thị hóa mang đến cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức từ việc tập trung dân cư ngày càng cao như tiêu thụ tài nguyên rất lớn, tác động tiêu cực đến môi trường và sự quá tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội" - ông Bình nói.

Theo Trưởng Ban kinh tế trung ương, đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra và tác động tiêu cực trên toàn cầu, những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nhất là đối với các quốc gia có biển dẫn đến yêu cầu phát triển đô thị thông minh bền vững là hết sức cần thiết.
 
"Làm thế nào để quá trình đô thị hóa và quá trình chuyển đổi số giúp các quốc gia tận dụng được những cơ hội về phát triển kinh tế xã hội, đồng thời tăng cường hiệu quả sử dụng tài nguyên, hạn chế những tác động tiêu cực tới môi trường và giảm tải các hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội?" - ông Nguyễn Văn Bình đặt câu hỏi.
 
Trả lời câu hỏi trên, ông Bình cho biết: Năm 2018, mạng lưới các đô thị thông minh ASEAN đã được lập ra nhằm hướng tới những mục tiêu chung về phát triển đô thị thông minh và bền vững với 26 đô thị thành viên.
 
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định Diễn đàn Cấp cao về đô thị thông minh 2020 sẽ mở ra cơ hội để Việt Nam và các nước ASEAN trong trao đổi kinh nghiệm trong quá trình phát triển đô thị thông minh, giải quyết được các vấn đề đặt ra và phát huy bản sắc riêng của mỗi dân tộc, đô thị.
 
 

ĐỌC NHIỀU