Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: ‘Thành công của doanh nghiệp là thành công của chúng ta’
Sự gợi mở về chiến lược
Dẫn khảo sát của Nikkei, Việt Nam đang có chỉ số thất nghiệp thấp nhất, đơn đặt hàng sản xuất tăng cao nhất khu vực ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang tốt, không chỉ tăng trưởng cao mà lạm phát được kiểm soát, khả năng dự trữ, chống chịu của nền kinh tế tốt hơn rất nhiều so với trước đây, nhất là dự dự trữ ngoại tệ, lương thực, năng lượng.
“Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam từ một quốc gia nghèo, kém phát triển đã vươn lên trở thành quốc gia đang phát triển, có thu nhập trung bình, đã sớm hoàn thành nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), được cộng đồng quốc tế coi là điểm sáng về xóa đói giảm nghèo”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc chính là một sự gợi mở về mặt chiến lược để Việt Nam thực hiện chiến lược cải cách và phát triển của mình, lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào các kế hoạch hành động.
“Phát triển bền vững là mục tiêu bao trùm không chỉ là nhiệm vụ của một bộ, ngành, một lĩnh vực, không chỉ là vấn đề kinh tế, chất lượng tăng trưởng mà bao gồm cả vấn đề xã hội, môi trường, văn hóa, con người, cần thống nhất cả trong nhận thức và hành động của tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội. Tôi đề nghị chúng ta cùng chung tay thực hiện tốt tất cả các mục tiêu này”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tiếp cận công nghệ mạnh mẽ nhất phải là doanh nghiệp
Đánh giá về tầm quan trọng đặc biệt của đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, người đứng đầu Chính phủ cho biết Chính phủ xác định đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt của phát triển bền vững.
Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, hoàn thiện thể chế chính sách để khuyến khích các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu. Cam kết bảo vệ hữu hiệu quyền tài sản và ý tưởng sáng tạo.
“Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể làm thay đổi sâu sắc cấu trúc nền kinh tế, có thể mang lại cơ hội vô cùng to lớn cho phát triển. Đây không phải là nhiệm vụ của riêng ngành khoa học công nghệ mà các bộ, ngành, địa phương đều phải chủ động nhận diện, tiếp cận, khai thác hiệu quả cơ hội này. Đặc biệt người tiếp cận công nghệ nhanh nhất, mạnh mẽ nhất phải là doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Mấu chốt là cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn, minh bạch, giảm cả chi phí tài chính và thời gian, hướng tới mức trung bình của ASEAN-4 làm nền tảng hướng tới chuẩn mực của OECD.
Đặc biệt là tiếp tục phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, nhất là VCCI trong việc phát hiện các rào cản về thể chế pháp luật, nhất là điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính; đề cao trách nhiệm giải trình, kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, các tiêu cực, nhũng nhiễu
“Tinh thần của Chính phủ Việt Nam là tạo mọi điều kiện cho mọi doanh nghiệp, nhất là kinh tế tư nhân phát triển tốt hơn nữa, mạnh hơn nữa. Mọi doanh nghiệp, mọi cá nhân, thậm chí kể cả các ngài đại sứ, hãy tạo điều kiện tốt nhất cho họ thành công. Thành công của họ là thành công của chúng ta. Thành công đó phải lan tỏa sự đổi mới, sáng tạo bền vững”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, với những nỗ lực của Chính phủ, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng thuận của xã hội và sự ủng hộ, hợp tác của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ hoàn thành Các mục tiêu phát triển bền vững cùng Chương trình Nghị sự 2030 với những kết quả tốt nhất, đặc biệt trong bối cảnh tối ưu hoá mọi thành tựu của cuộc cách mạng 4.0.