Thủ tướng Phạm Minh Chính: Hi sinh 1- 2 tháng để hoá xanh vùng đỏ
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có buổi làm việc trực tuyến với đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, thua lỗ, đời sống nhân dân nói chung và công nhân nói riêng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, đóng cửa, rút khỏi thị trường.
Đẩy nhanh việc giải ngân các gói hỗ trợ
Báo cáo, đánh giá tình hình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay tính đến tháng 7/2021, cả nước có khoảng 840.000 doanh nghiệp (DN). Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, đưa ra các giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần duy trì tăng trưởng GDP dương năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 đạt 5,64%.
"Tuy nhiên, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 với biến chủng Delta, đặc biệt bắt đầu từ tháng 7/2021, đã khiến cho những mảng màu xám loang rất nhanh trong bức tranh toàn cảnh khu vực doanh nghiệp. Các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dự trữ đang cạn dần trong khi thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm" - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Ngoài ra, lãnh đạo một số hiệp hội DN và đại diện DN kiến nghị chung là cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng, nhất là đối với các tỉnh, TP phía Nam. Về cơ chế, cần chính sách đặc thù hỗ trợ DN giảm chi phí sản xuất - kinh doanh, chi phí tiền điện, thuế, phí, tiếp cận nguồn lực. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt hơn trong hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam đề xuất đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm và nâng tỉ lệ bao phủ vắc-xin đối với ngư dân, các DN chế biến; hướng dẫn cụ thể hơn về y tế tại chỗ đối với khu vực kinh tế này, nhất là hướng dẫn cách ly y tế khi phát hiện có F0, F1, tránh tình trạng đóng cửa toàn bộ nhà máy.
Cộng đồng DN FDI mong muốn Chính phủ tiếp tục triển khai sâu rộng, hiệu quả hơn nữa chiến lược vắc-xin; quan tâm, bảo đảm ngày càng có nhiều lao động ở khu vực DN FDI được tiêm vắc-xin; duy trì tốt chuỗi cung ứng, nhất là cung ứng lao động cho các DN; tạo điều kiện hơn nữa cho các chuyên gia nước ngoài được nhập cảnh Việt Nam trên tinh thần bảo đảm an toàn về dịch bệnh...
Nhìn nhận đất nước đang ở giữa 2 "cuộc chiến" là cuộc chiến chống dịch để bảo vệ sinh mạng và cuộc chiến kinh tế để bảo vệ sinh kế của người dân, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc khẳng định gói kích thích kinh tế lớn nhất lúc này là tìm mọi cơ hội để nới lỏng giãn cách, thiết lập vùng xanh và luồng xanh, mở cửa thị trường được trong điều kiện có thể.
"Nếu không mở cửa rộng khắp thì những vùng xanh, những cơ hội có thể mở trong vùng hẹp, để làm sao tạo điều kiện tốt nhất cho DN có thể duy trì được sản xuất - kinh doanh" - ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng Giám đốc Hãng Hàng không Vietjet thì đề xuất xã hội hóa công tác chống dịch. Theo bà Thảo, việc đề xuất xã hội hóa công tác chống dịch COVID-19 nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. DN và người dân sẵn sàng chi trả chi phí vắc-xin, xét nghiệm, các chi phí y tế. Đề nghị Bộ Y tế cho cơ chế cụ thể để có thể triển khai.
Đề nghị Chính phủ sớm hỗ trợ các hãng hàng không bằng các gói vay ưu đãi lãi suất, sẵn sàng cho việc bật tăng trở lại. Năm 2019, Vietjet đóng góp cho ngân sách trực tiếp và gián tiếp hơn 9.000 tỉ đồng.
Sau thời gian giãn cách chống dịch, Việt Nam cũng cần chuẩn bị sẵn sàng và an toàn cho việc mở lại các đường bay quốc tế và nội địa, để đáp ứng nhu cầu chữa bệnh, giáo dục, du lịch... được dự báo tăng trở lại. Để triển khai hiệu quả, kinh nghiệm từ các nước như Singapore cho thấy cần đồng bộ các ứng dụng công nghệ thông tin để mỗi người dân, mỗi khách nước ngoài đều có mã QR nhằm cập nhật khai báo y tế, trạng thái tiêm chủng, xét nghiệm thường xuyên...
Chính phủ sẽ có Nghị quyết về hỗ trợ, phát triển DN
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định vai trò và vị trí đặc biệt quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp trong sự phát triển kinh tế đất nước. Trong điều kiện khó khăn gây ra bởi dịch bệnh, doanh nghiệp vẫn luôn đồng hành, sát cánh, tin tưởng vào Chính phủ, ủng hộ Chính phủ trong cuộc chiến chống lại COVID-19.
Cụ thể, doanh nghiệp đã hỗ trợ người dân, cộng đồng, tổ chức cán bộ vận chuyển và thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện trên cả nước; đóng góp kinh phí vào quỹ vaccine quốc gia; cùng các địa phương chủ động tìm ra các giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp, duy trì sản xuất kinh doanh, tìm kiếm cơ hội vươn lên.
Thủ tướng đánh giá cao vai trò của cộng đồng doanh nghiệp khi phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng đã cố gắng "chung tay, góp sức" hỗ trợ người dân trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Ảnh: VGP.
“Mặc dù vậy, chúng ta vẫn phải thẳng thắn nhìn nhận rằng tác động của đại dịch COVID-19 là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 từ tháng 4 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của nền kinh tế, nhất là các vùng, địa phương động lực, có nhiều khu công nghiệp ở phía Nam, khiến hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, tiêu dùng tại các khu vực này bị đứt gãy, đình trệ.
Sức mua trong nước và xuất khẩu giảm sút; đời sống người dân tại các khu vực bị cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội, nhất là công nhân lao động trong các khu công nghiệp, lao động tự do bị ảnh hưởng nặng nề.
Người đứng đầu Chính phủ đánh giá cao cộng đồng doanh nghiệp bằng bản lĩnh, trí tuệ vẫn duy trì được sản xuất, kinh doanh, không đứt gãy chuỗi sản xuất, bảo đảm cuộc sống của người lao động, góp phần vào tăng trưởng kinh tế những năm qua và 7 tháng đầu năm 2021.
"Tôi cũng rất chia sẻ, thấu hiểu với nhiều lĩnh vực kinh doanh dù nỗ lực đến đâu cũng không tránh được sự thua lỗ, thậm chí phá sản nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, của nhân dân, đặc biệt là các ngành hàng không, du lịch", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Chính phủ, Thủ tướng đã và đang nghiên cứu ban hành nhiều giải pháp chủ động, sáng tạo, quyết liệt, linh hoạt, huy động mọi nguồn lực để thực hiện phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh và duy trì sản xuất ở những nơi an toàn và đảm bảo an dân.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Chính phủ sẽ có Nghị quyết về hỗ trợ, phát triển DN trong điều kiện hiện nay. Trước mắt, phải thực hiện thật tốt phòng chống dịch COVID-19, giãn cách xã hội để tránh lây nhiễm.
"Chúng ta quyết tâm hy sinh 1-2 tháng để xanh hóa vùng đỏ; chấp nhận mất mát hy sinh, đổi lại có sự bình yên, khỏe mạnh" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ luôn đồng hành, hỗ trợ DN lúc khó khăn, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Tới đây, Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho DN.
Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành thực hiện hiệu quả chiến lược vắc-xin. Trong đó, phải thúc đẩy hợp tác công - tư trong chiến lược vắc-xin, đẩy mạnh tiêm vắc-xin theo thứ tự ưu tiên, không phụ thuộc địa giới hành chính. Bộ Tài chính khẩn trương triển khai giải pháp miễn giảm thuế, phí, nhanh chóng hỗ trợ người dân và DN. Bộ GTVT xây dựng các giải pháp bảo đảm lưu thông hàng hóa; mọi chính sách đưa ra phải thực hiện nhất quán, không được đẻ ra các giấy phép con... Các địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch linh hoạt, bảo đảm cho DN duy trì sản xuất - kinh doanh. Hạn chế tối đa thanh tra, kiểm tra DN trong thời kỳ dịch bệnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ luôn thể hiện tinh thần đổi mới, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và DN; nói đi đôi với làm, chú trọng hiệu quả, không phô trương hình thức; xem DN và người dân là chủ thể để phục vụ. Đây là thử thách rất lớn nhưng Thủ tướng tin tưởng cộng đồng DN sẽ vượt qua thử thách này với 4 yếu tố "tâm, tài, trí, tín".
"Thời gian tới, Chính phủ sẽ có phương án gặp doanh nghiệp theo từng lĩnh vực, từng nhóm ngành nghề để bàn sâu hơn, có giải pháp phù hợp hơn. Chính phủ luôn đồng hành, quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ doanh nghiệp lúc khó khăn, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, Thủ tướng nhấn mạnh.
Hoa Trần (T/h)
Xem thêm: Gỡ rối việc doanh nghiệp gặp khó khi tiếp cận gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng