Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phải có chiến lược tiếp cận, nhiệm vụ, giải pháp mới hơn chống dịch Covid

06:57 | 31/07/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu nhận định, phải có chiến lược tiếp cận, nhiệm vụ, giải pháp mới hơn. Phải xác định cuộc chiến đấu này còn rất trường kỳ, lâu dài, vất vả, kể cả khi có vắc xin cũng không được lơ là...

Ngày 30/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố để thực hiện ngay các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu nhận định, phải có chiến lược tiếp cận, nhiệm vụ, giải pháp mới hơn. Phải xác định cuộc chiến đấu này còn rất trường kỳ, lâu dài, vất vả, kể cả khi có vắc xin cũng không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, phải chuẩn bị tâm thế, nguồn lực, biện pháp phù hợp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phải có chiến lược tiếp cận, nhiệm vụ, giải pháp mới hơn chống dịch Covid - ảnh 1

Khi thực hiện cách ly, giãn cách, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ nhưng phải đáp ứng 3 yêu cầu: Hỗ trợ tối đa người dân về lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; đáp ứng các yêu cầu y tế của người dân ở mọi lúc, mọi nơi; đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, chính đáng, hợp pháp của người dân.

Đối với TPHCM và các tỉnh đang bùng phát dịch, Thủ tướng lưu ý phải có giải pháp giảm tối đa ca tử vong. Phong tỏa, cách ly phải triệt để, kết hợp với các chính sách, biện pháp để kiềm chế đỉnh dịch và kéo số ca mắc đi xuống. Ngoài các biện pháp chung, các địa phương này thực hiện một số biện pháp riêng, đặc thù theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế.

Thủ tướng cũng yêu cầu thay đổi chính sách ưu tiên về vắc xin. Theo đó, ngoài các lực lượng tuyến đầu, tình nguyện, các tổ Covid-19 cộng đồng, người cao tuổi, những người tham gia vào các chuỗi cung ứng sản xuất. Lãnh đạo Chính phủ cũng tán thành với nhiều ý kiến tại cuộc họp là phải ưu tiên vắc xin cho TPHCM.

Thủ tướng lưu ý, TPHCM và các tỉnh có diễn biến xấu về dịch bệnh phải tăng cường các bệnh viện hồi sức cấp cứu với mức độ cao hơn, việc chuẩn bị và khi thực hiện phải sớm hơn, cao hơn. Tăng cường huy động hơn nữa nguồn lực tư nhân về cơ sở y tế, khách sạn, nhà hàng, các nguồn lực của doanh nghiệp..., nhất là tại một số nơi được xem như trong tình trạng khẩn cấp; đẩy mạnh hơn nữa hợp tác công tư về cơ sở vật chất y tế, mua sắm trang thiết bị…

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các đại biểu tập trung cao độ trí tuệ, sức lực, tâm huyết, phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, đóng góp các ý kiến về các giải pháp, nhiệm vụ triển khai các nội dung Quốc hội đã quyết nghị.

Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị các đại biểu phân tích kỹ, làm rõ vì sao cùng một chính sách chung trên toàn quốc nhưng trong một xã thì có tổ, ấp, xóm, thôn làm tốt nhưng có tổ, ấp, xóm, thôn làm chưa tốt; trong một huyện thì có xã, phường làm tốt nhưng có xã, phương làm chưa tốt; trong một tỉnh thì có quận, huyện làm tốt nhưng có quận huyện làm chưa tốt; trên toàn quốc thì có tỉnh, thành phố làm được, có tỉnh, thành phố làm chưa được. Hội nghị phải làm rõ những điều làm tốt và chưa tốt để cùng học tập, cùng rút kinh nghiệm.

Trong Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV khẳng định: “Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cấp ủy, chính quyền các địa phương, toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, triển khai quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, linh hoạt nhiều chủ trương, biện pháp để kiểm soát đại dịch COVID-19, thực hiện mục tiêu kép vừa bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước mà nghị quyết của Đảng và Quốc hội đã đề ra.

Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, sự chủ động tham gia tích cực, trách nhiệm, sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, các lực lượng tuyến đầu chống dịch, đội ngũ cán bộ ngành y tế, quân đội, công an, các tình nguyện viên… trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”, Quốc hội tán thành việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã thực hiện trong thời gian qua; đồng thời, giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách, quyết định và tổ chức thực hiện các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành, áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch”…

Vừa trở về sau chuyến công tác dài ngày chống dịch tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết dịch bệnh sẽ còn căng thẳng cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng bằng vắc xin hoặc có thuốc đặc trị. Vì vậy, các địa phương phải rất cảnh giác, luôn luôn trong tình trạng có dịch.

Nhấn mạnh công tác xét nghiệm phải có trọng tâm, trọng điểm bảo đảm hiệu quả và tiết kiệm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu thực tế gần đây một số địa phương bắt đầu có xu hướng xét nghiệm quá thoải mái, trong khi Bộ Y tế đã hướng dẫn xét nghiệm nhanh cũng có thể làm mẫu gộp, tiết kiệm được chi phí và nguồn lực.

Do dịch đã nhiễm rất rộng, ngấm rất sâu ở khu vực TPHCM, nên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần có những biện pháp đặc biệt...

Nhật Phong