Thủ tướng yêu cầu chấm dứt di dân tự do từ năm 2025

19:01 | 10/12/2018 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Sáng 9/12, tại tỉnh Đắk Lắk, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị “Giải pháp ổn định dân di cư tự do trên địa bàn cả nước và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây Nguyên”.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết năm 2017, tổng số hộ dân di cư tự do được hỗ trợ bố trí, sắp xếp theo quy hoạch và người dân tự ổn định là 42.237 (đạt 63,3%). Như vậy, đến nay, vẫn còn khoảng 24.500 hộ dân di cư tự do chưa được bố trí, sắp xếp ổn định theo các dự án, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên (hơn 22.000 hộ).

Đối với vùng này, thời điểm dân di cư tự do đi thường là vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán. Số lượng di cư không nhiều như những năm trước mà di chuyển từng nhóm nhỏ lẻ, vào thăm người thân, ở tá túc với người di cư tự do đã đến trước đó, sau đó dựng nhà tạm và tiếp tục đưa cả gia đình vào. Các hộ dân di cư tự do thường sống theo các nhóm hộ, cùng dân tộc đến định cư tại các vùng riêng lẻ trong rừng, trong các thung lũng, dọc các khe suối… và ít giao lưu với bên ngoài.

Thủ tướng yêu cầu chấm dứt di dân tự do từ năm 2025 - ảnh 1
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị (ảnh VGP).
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, dân di cư tự do mang tính toàn cầu, tính lịch sử chứ không phải hiện tượng nhất thời. Theo số liệu mới nhất của ILO, năm 2017, có 277 triệu người di cư giữa các quốc gia trên thế giới. Vấn đề này trong phạm vi toàn cầu và nước Việt Nam cần có biện pháp chủ động hơn.
Nếu năm 1975, dân số Tây Nguyên chỉ có 1 triệu người thì đến năm 2004 đã có 4,7 triệu và đến 2017, 5,7 triệu người, trong đó, dân di cư tự do chiếm 50%, khoảng 3 triệu người. Vấn đề này dẫn tới nhiều hệ lụy như ảnh hướng lớn đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới tình trạng phá rừng, tranh chấp đất đai, một bộ phận con em không được học hành, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng phần lớn dân di cư tự do là dân tộc thiểu số, từ các vùng điều kiện khó khăn, vì kế sinh nhai, phải rời bỏ quê hương, tìm vùng đất mới để cuộc sống tốt hơn. Vì vậy, giải quyết vấn đề di dân tự do ở các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên không chỉ cần đúng pháp luật mà còn phải hài hòa, linh hoạt, đồng bộ từ các cấp, các ngành. Mục đích cuối cùng là làm sao người dân di cư có cuộc sống ổn định và phát triển, con cái được học hành, người già được chăm sóc, chữa bệnh, không ai bị bỏ lại phía sau.
“Chúng ta không khuyến khích di dân tự do nhưng họ đã đi rồi, đã lỡ đến đây rồi, nhất là hiện tại có 20.000 hộ này thì chúng ta phải quan tâm, giải quyết những chính sách cụ thể để bảo đảm an sinh xã hội, đừng để đồng bào ta lâm cảnh màn trời chiếu đất, mất an ninh trật tự, phá rừng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nơi nào mà bà con đã đến rồi thì phải chủ động, tập trung nguồn lực, huy động sự vào cuộc cả hệ thống chính trị ở nơi dân đến, tạo mọi thuận lợi người dân có nơi cư trú hợp pháp, ổn định đời sống, sinh kế, có đất sản xuất, được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, bảo đảm an ninh. Tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai có nguồn gốc từ nông lâm trường ở Tây Nguyên, xử lý dứt điểm và không để tái diễn các vụ việc vi phạm, khiếu nại, tranh chấp, lấn chiếm.
Thủ tướng cũng yêu cầu, từ nay đến năm 2020 phải giảm tình trạng di dân tự do, hoàn thành dứt điểm 32 dự án ổn định dân di cư tự do kéo dài nhiều năm. Ngoài ra, các địa phương tổ chức đào tạo nghề để người dân di cư đến phải có đời sống ngang bằng với dân cư tại chỗ. Ngoài mức sống, đời sống tinh thần, văn hóa của các khu dân cư này cũng phải được quan tâm. Đồng thời, đến năm 2025 phải ngăn chặn hoàn toàn di dân tự do, hoàn thành dứt điểm các dự án ổn định dân di cư tự do. Muốn vậy, các tỉnh phía bắc phải được nâng cao để yên tâm ở lại, các tỉnh Tây Nguyên phải ổn định người dân đã đến.
Thủ tướng cho rằng, đất rừng phải có chủ, “không để tình trạng vô chủ, sổ sách không có, bìa đỏ bìa hồng không có, ranh giới đất đai không rõ ràng”. Giải quyết tình hình thiếu đất sản xuất, kiểm soát tình hình di dân tự do. Giảm thiểu và triệt tiêu tình hình tranh chấp, lấn chiếm đất đai; phá rừng lấy đất sản xuất. “Tây Nguyên phải là màu xanh, Tây Bắc phải là màu xanh, chứ không phải vùng đất này hoang hóa, sa mạc hóa”.
Thủ tướng nêu rõ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức; hoàn thiện cơ chế, chính sách. Chính sách lạc hậu phải bãi bỏ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi sát sao, hướng dẫn các địa phương để tháo gỡ kịp thời các khó khăn.
Thủ tướng đồng ý, trước mắt về nguyên tắc bổ sung từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương trong 2 năm 2019-2020 cho các dự án sắp xếp, ổn định dân cư (khoảng 2,5 nghìn tỷ đồng). Đồng thời, giao Bộ Tài chính và các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương cho địa phương để thực hiện Đề án tăng cường quản lý  đố́i với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh, ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng. Trước hết là việc đo vẽ bản đồ chính xác để xác định, giá trị tài sản trên đất, “ở đâu là rừng, ở đâu là vườn cây, nhà xưởng.. để xác định phần vốn còn lại bàn giao về địa phương”.