Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh hiệu quả xây dựng Chính phủ điện tử
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá dù đạt được nhiều thành tựu nhưng kết quả xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới.
Chiều 26/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến về chính phủ điện tử của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT). Hội nghị có sự tham gia của Ban chỉ đạo xây dựng CPĐT bộ, ngành và Ban chỉ dạo xây dựng chính quyền điện tử của 63 tỉnh, thành phố.
Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá lại kết quả thực hiện CPĐT thời gian vừa qua, đặc biệt là các nhiệm vụ đã đã được triển khai cho các bộ, ngành, địa phương trong hội nghị đầu năm 2020. Đồng thời, đây cũng là cơ hội tốt để Chính phủ đánh giá lại các hạn chế, tồn tại, nguyên nhân của hạn chế để kịp thời đánh giá và khắc phục trong tương lai.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Hội nghị trực tuyến với các thành viên. Ảnh:VGP
Đánh giá về việc xây dựng CPĐT, Thủ tướng đánh giá đây là vấn đề mới nhưng lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giúp đất nước phát triển. Các kết quả bước đầu cho thấy Chính phủ đã đi đúng hướng khi chỉ số phát triển CPĐT chung của Việt Nam đã tăng 2 bậc.
Dẫu vậy, thực tế chỉ ra vẫn còn rất nhiều bất cập, tồn tại cần phải tìm cách giải quyết nhanh hơn nữa. Vậy nên Thủ tướng đề nghị các đại biểu, cơ quan ban ngành tập trung thảo luận thẳng thắn để công việc đạt được hiệu quả cao.
Tại Hội nghị, đại diện Bộ Y tế cho biết một trong những bài học quan trọng là sự quyết liệt của người đứng đầu. Đến nay Bộ Y tế đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế. 100% bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT); 99,5% các cơ sở khám chữa bệnh đã kết nối giám định khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam,...
Bình Phước cũng là một địa phương đạt được thành công nhờ khả năng sát sao của người đứng đầu. Tính tới nay, 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện đều được trang bị máy tính, cấp xã đạt 71%. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tiếp từ cấp tỉnh tới xã đều được hoàn thiện. Vậy nên phần lớn hồ sơ tại tỉnh đều đã được xử lý qua mạng thay vì hồ sơ giấy như trước kia.
Bộ Công an cho biết đã bố trí 100% công an xã chính quy để tạo nguồn lực thu thập, bổ sung và hoàn thành dữ liệu. Đến nay Bộ đã thu thập được 40 triệu thông tin. Dự kiến, Bộ sẽ vận hành chính thức Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ 1/7/2021. Dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân đồng bộ với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia cũng đang được Bộ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần phải đẩy mạnh việc xây dựng CPĐT. Ảnh: VGP
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết 100% Văn phòng Đăng ký đất đai đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ địa chính, quản lý đất đai. Dự kiến cuối năm 2020, cơ sở hạ tầng, phần mềm nền tảng của hệ thống thông tin dất đát sẽ sẵn sàng để kết nối, chia sẻ với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Một số doanh nghiệp chia sẻ mong muốn cấp thiết về việc sớm hoàn thiện hành lang pháp lý quan trọng (muộn nhất trong năm 2020) nhằm hỗ trợ triển khai các nền tảng chính phủ số cấp quốc gia cũng như dữ liệu quan trọng của quốc gia.
Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ một số cách nghĩ, cách làm mới để phát triển Chính phủ số. Bộ cũng sẽ cố gắng chia sẻ những cách nghĩ, dữ liệu, sản phẩm mẫu để các địa phương, đơn vị hiểu và triển khai nhanh chóng trong thực tiễn.
Anh Quân t/h