Thủ tướng yêu cầu thực hiện trực tuyến 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 69 ngày 22/5 gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tập trung hoàn thành rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu theo Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ.
Công điện nêu rõ, đến ngày 20/5, các bộ, ngành, địa phương đã tổng hợp, thống kê, công bố tổng số 6.358 thủ tục hành chính (gồm: 5.801 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành; 557 thủ tục hành chính được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật của địa phương), có 4.377 thủ tục hành chính (chiếm 68,8%) liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, có 8.977 điều kiện kinh doanh; 3.086 sản phẩm, hàng hoá kiểm tra chuyên ngành; 886 tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến thực hiện thủ tục hành chính sản xuất, kinh doanh; 640 chế độ báo cáo của doanh nghiệp.
Tổng số chi phí tuân thủ thủ tục hành chính hằng năm là hơn 120.000 tỷ đồng/năm. Tổng thời gian giải quyết của 4.377 thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng yêu cầu thực hiện trực tuyến 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp. (Ảnh minh hoạ: Thời báo Tài chính).
Tại Công điện, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung hoàn thành việc cập nhật, công khai kết quả tổng hợp, thống kê thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính trước ngày 10/6.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương, khẩn trương tổ chức rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm cắt giảm ít nhất 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh trong năm 2025 và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo.
Thủ tướng yêu cầu các đơn vị giảm thiểu sự can thiệp và xoá bỏ các rào cản hành chính, cơ chế "xin - cho", tư duy "không quản được thì cấm". Người dân, doanh nghiệp được tự do kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm.
Các đơn vị phải chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát; chuyển việc quản lý điều kiện kinh doanh từ cấp phép, chứng nhận sang thực hiện công bố điều kiện kinh doanh và hậu kiểm, trừ một số ít lĩnh vực bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp phép.
Cùng với đó, cần minh bạch hoá, số hoá, tự động hoá, áp dụng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong thực hiện các quy trình, thủ tục hành chính, nhất là thành lập, giải thể doanh nghiệp, đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan, bảo hiểm,...
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thành việc thực thi phương án về phân cấp thẩm quyền giải quyết của 307 thủ tục hành chính đã được phê duyệt tại Quyết định số 1015 ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu 100% thủ tục hành chính nội bộ được rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá phù hợp với quy định mới về phân cấp, phân quyền, ủy quyền và việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, theo lộ trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương phải bảo đảm 100% thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp được thực hiện trực tuyến, thông suốt, liền mạch, hiệu quả, minh bạch, giảm tối đa giấy tờ; tổ chức triển khai thực hiện thủ tục hành chính không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh. Việc này được lãnh đạo Chính phủ yêu cầu hoàn thành trong năm nay.
Thủ tướng giao các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về kết quả cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, thời gian giải quyết thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý.
Người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện (trong báo cáo cải cách thủ tục hành chính) trước ngày 25 hằng tháng.
Hội thảo Khoa học ‘Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế’ do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chủ trì, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức. Hội thảo khoa học sẽ diễn ra vào lúc 8h00 ngày 26/05/2025, tại Khách sạn Thắng Lợi, 200 Yên Phụ, TP Hà Nội.
Hội thảo có sự hiện diện và tham gia thảo luận của đại diện một số cơ quan Đảng, bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, đại diện Hội và hiệp hội, đại diện ngân hàng, doanh nhân tư nhân…
Bên cạnh các bài tham luận riêng từ đại diện cơ quan Đảng, các chuyên gia và đại diện hiệp hội, … Hội thảo cũng tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính như cơ hội, tiềm năng, thách thức của kinh tế tư nhân trong sứ mệnh một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, cũng như việc thể chế hóa đầy đủ và khoa học Nghị quyết 68/NQ-TW vào thực tiễn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.