Thúc đẩy kinh doanh liêm chính trong doanh nghiệp

18:19 | 13/11/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) -11 Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam đã chính thức ký Bản cam kết kinh doanh liêm chính nhằm đề cao giá trị cốt lõi của tính chính trực, tính trách nhiệm và hành vi đạo đức của doanh nghiệp.

Sự kiện này được công bố tại hội thảo “Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp thông qua thúc đẩy cam kết kinh doanh liêm chính”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) và Đại sứ quán Anh tại Hà Nội phối hợp tổ chức vào sáng 13/11 tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết: Liêm chính là vấn đề rất quan trọng với doanh nghiệp và là cái "neo" giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Bởi sự chuyên nghiệp, hành vi đạo đức đúng đắn và tính chính trực được đề cao đối với nhân viên, khách hàng và chuỗi cung ứng là phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh.

Thúc đẩy kinh doanh liêm chính trong doanh nghiệp - ảnh 1
 Trao chứng nhận về những nỗ lực cam kết ban đầu về đóng góp xây dựng văn hóa kinh doanh liêm chính tại Việt Nam.
Ông Lộc cho biết, theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) thì hàng năm, mức chi cho tham nhũng chiếm tới 50% GDP toàn cầu, tương đương 2.600 tỷ đô la Mỹ (USD). Ngân hàng Thế giới thì ước tính riêng mức chi cho hối lộ là 1.000 tỷ USD/năm. Đây là những con số quá lớn! Tham nhũng làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và tạo ra bất ổn cho sự phát triển của doanh nghiệp. Tham nhũng dẫn tới việc sử dụng ngân sách kém hiệu quả với lý do ngân sách đầu tư thường không được đến với những khu vực cần đầu tư.
Mặt khác, tham nhũng đã trực tiếp tàn phá môi trường kinh doanh, khiến việc sử dụng nguồn lực, ngân sách công kém hiệu quả, ảnh hưởng đến niềm tin cuả các đối tác liên quan. Đặc biệt, với các nước đang phát triển như Việt Nam, tham nhũng để lại hậu quả lớn hơn nhiều so với các nước phát triển, do các quốc gia này đang trong quá trình chuyển dịch kinh tế thị trường.
Chủ tịch VCCI cũng chi ra, tới 98% số doanh nghiệp ở Việt Nam có quy mô nhỏ, vừa và siêu nhỏ. Do đó, vấn đề phòng chống tham nhũng và xây dựng văn hóa liêm chính trong kinh doanh là hết sức quan trọng.
Theo ông Lộc nhìn nhận, đây cũng là đối tượng rất dễ bị tổn thương bởi chi phí tham nhũng. Các doanh nghiệp lớn thì thường có những công cụ, hệ thống quản trị hay những chuẩn mực tốt để phòng ngừa tham nhũng. Trong khi đó, nền tảng quản trị của các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ lại rất mỏng manh và yếu nên nguy cơ tổn hại rất lớn. Đó là lý do vì sao họ phải nâng cấp trình độ và khả năng quản trị, giúp tạo dựng được chỗ đứng và khả năng cạnh tranh tốt trên thị trường
Thúc đẩy kinh doanh liêm chính trong doanh nghiệp - ảnh 2
 Thúc đẩy kinh doanh liêm chính trong doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI cũng cho rằng, hiệp hội doanh nghiệp sẽ là đơn vị cộng tác tích cực, triển khai mạnh mẽ phong trào, thúc đẩy kinh doanh liêm chính trong các đơn vị do mình đại diện, cùng hành động tạo nên lá chắn vững chắc, giảm thiểu, ngăn chặn rủi ro liên quan tới hối lộ, tham nhũng trong các giao dịch kinh tế.
Đồng quan điểm, bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh, tầm quan trọng của việc phòng chống tham nhũng, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Yêu cầu thúc đẩy những giá trị công bằng, liêm chính và minh bạch... để "không bỏ ai lại phía sau" đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Thực tế cho thấy, đã có hơn 50% doanh nghiệp khi được điều tra đã trả lời rằng đang phải gánh những chi phí không chính thức hết sức nặng nề, ảnh hướng lớn tới sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.
Tuy nhiên bà Caitlin Wiesen cũng đánh giá cao nỗ lực gần đây của Chính phủ Việt Nam qua việc thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng 2018. Nhưng đại diện UNDP cho rằng: “Thay đổi cần thời gian, vì vậy, chúng ta cần có những mục tiêu rõ ràng cho từng thời điểm để theo dõi tiến độ thực hiện cam kết, đảm bảo cam kết không chỉ là một lời hứa mà còn là một công cụ hiệu quả thúc đẩy môi trường kinh doanh công bằng và minh bạch tại Việt Nam”.
Được biết, 11 Hiệp hội doanh nghiệp ký cam kết kinh doanh liêm chính bao gồm: Hiệp hội doanh nghiệp Dệt may Việt Nam; Hiệp hội doanh nghiệp phát triển hàng tiêu dùng Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội; Hiệp hội doanh nghiệp da giày túi xách Việt Nam; Hiệp hội doanh nghiệp TP Hà Nội; Hiệp hội doanh nghiệp Dược Việt Nam; Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM; Hiệp hội Cao su – Nhựa TPHCM; Hiệp hội Lương thực, thực phẩm TPHCM; Hiệp hội Dệt may, thêu đan TPHCM, Hiệp hội Nhựa TPHCM.