Tổng Thanh tra Chính phủ: Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp

Đông Bắc 16:37 | 05/11/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trả lời thắc mắc của cử tri liên quan đến vấn đề xử lý thu hồi tài sản tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết đây là vấn đề khó, nhất là tài sản kinh tế.

 

Sáng 5/11, trong phiên chất vấn về lĩnh vực Thanh tra, đại biểu Nguyễn Thành Công (đoàn Ninh Bình) cho biết qua hoạt động thanh tra ngành thanh tra đã phát hiện, kiến nghị xử lý vi phạm, trong đó có những vụ việc nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm. Từ đó, đại biểu Nguyễn Thành Công đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết kết quả xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm, nhất là những nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng và những tồn tại, hạn chế nguyên nhân?

Trả lời vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, 9 tháng đầu năm 2022, qua theo dõi đôn đốc, kiểm tra, xử lý sau thanh tra, các cơ quan đã xử lý hành chính 1.714 tổ chức và 4.841 cá nhân. Trong đó, chuyển cơ quan điều tra 76 vụ, 93 đối tượng.

Tuy nhiên, việc xử lý sau thanh tra còn hạn chế. Về nguyên nhân, ông Đoàn Hồng Phong cho biết, cơ quan thanh tra không có quyền xử lý, kỷ luật cán bộ, công chức. Cơ quan thanh tra chỉ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức tiến hành xử lý.

Bên cạnh đó, ông Phong chỉ ra là quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật Đảng về hành chính còn chưa đồng nhất. Nhiều trường hợp đã bị kỷ luật Đảng nhưng khi xem xét kỷ luật hành chính đã hết thời hiệu. Hiện Chính phủ đang trình Quốc hội sửa đổi bổ sung nội dung này.

 

  Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Ảnh Quốc hội.

 Về thực trạng ngăn chặn xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong chia sẻ đây là một trong những nhiệm vụ khó khăn, vướng mắc, phức tạp nên luôn được sự quan tâm lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian qua, các cơ quan theo chức năng đã là thực hiện tốt những công việc về thu hồi tài sản tham nhũng và đạt tỷ lệ là năm sau cao hơn năm trước. Kết quả 9 tháng đầu năm 2022, thanh tra tiến hành là đôn đốc, thanh tra 5586 kết luận thanh tra. Qua đó, thu hồi được hơn 1000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 60% và gấp đôi so với năm 2021.

Tuy nhiên, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, tỷ lệ thu hồi tham nhũng vẫn còn thấp. Do đó, trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ tập trung giải pháp khắc phục như hoàn thiện quy định pháp luật về thu hồi tài sản tham nhũng; tăng cường xử lý sau thanh tra, thi hành án về thu hồi tài sản tham nhũng.

Trong quá trình điều tra và phát hiện dấu hiệu tội phạm phải chủ động có biện pháp kê biên, phong tỏa, tạm giữ tài sản để đảm bảo xử lý. Sau thanh tra thi hành án và kịp thời tháo gỡ khó khăn những quá trình thu hồi và tăng cường hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp để thu hồi tài sản tham nhũng.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) nêu trong hơn 2,3 triệu cuộc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan từ năm 2011 đến nay, số cuộc thanh tra chỉ chiếm 10%, 90% là kiểm tra. Nếu tiếp tục hoàn thiện Luật Thanh tra cũng chỉ điều chỉnh được 10% trong số này.

Ông đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết cơ sở pháp lý điều chỉnh hoạt động kiểm tra, trong khi hiện giờ mới có Luật Thanh tra và đề nghị có giải pháp ngăn tình trạng cơ quan chức năng lạm dụng hoạt động kiểm tra làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của doanh nghiệp, người dân.

Trả lời đại biểu Nghĩa, ông Đoàn Hồng Phong cho biết dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) sẽ tách bạch hoạt động kiểm tra và thanh tra. Dự thảo sẽ có một điều khoản quy định rõ về quy trình, trình tự thủ tục của thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Còn riêng về quy trình kiểm tra, đây là hoạt động thường xuyên theo yêu cầu của thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước. Thủ tục kiểm tra đơn giản hơn, không theo trình tự thủ tục thanh tra mà theo đặc thù từng ngành, lĩnh vực.

Ông Phong cho biết đã hướng dẫn về thực hiện quy trình, thủ tục hoạt động kiểm tra. Tới đây khi sửa đổi Luật Thanh tra, việc chồng chéo hoạt động thanh tra, kiểm toán sẽ được giải quyết tốt hơn. Thanh tra Chính phủ sẽ tham mưu Chính phủ chỉ đạo cụ thể khắc phục liên quan đến hoạt động kiểm tra.

 

  Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau). Ảnh Quốc hội.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị cho biết từ ngày nhậm chức đến nay, Tổng Thanh tra Chính phủ đã chỉ đạo hoạt động thanh tra đột xuất liên quan các vụ việc tham nhũng trong ngành thanh tra như thế nào, kết quả ra sao?

Ông Đoàn Hồng Phong cho biết, các cuộc thanh tra đột xuất được thực hiện theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Theo ông, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra đột xuất, quy mô lớn, phức tạp, phát hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Trong đó có vụ việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn, AVG, Dự án nhiệt điện Thái Bình 2, Gang thép Thái Nguyên, hay vụ thuốc ung thư tại công ty cổ phần VNPharma và các dự án đất đai liên quan đến Phan Văn Anh Vũ; việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, trang thiết bị vật tư, sinh phẩm, kit, vắc xin…

Tổng Thanh tra khẳng định, các cuộc thanh tra đột xuất đều được thực hiện với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao nhất.

Tranh luận, đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) đề nghị Tổng Thanh tra nói rõ quan điểm về số lượng, chất lượng, đạo đức công vụ của lực lượng thanh tra hiện nay?

Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong cho biết, thời gian qua, lực lượng thanh tra cơ bản chấp hành quy định, một số trường hợp để xảy ra vi phạm như vụ việc thanh tra ngành xây dựng đến thanh tra tại Vĩnh Phúc.

Tháng 7 vừa qua, Thanh tra Chính phủ ban hành nghị quyết quy định nâng cao chất lượng, tiến độ kết luận thanh tra, đồng thời quy định trách nhiệm, trong đó nghiêm cấm cán bộ thanh tra nhận quà, tiền của đối tượng thanh tra…

Tổng thanh tra mong đại biểu và cử tri giám sát, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm.