Thúc đẩy tính khả thi của gói hỗ trợ kinh tế lần 2

14:32 | 05/01/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Gói hỗ trợ kinh tế lần 2 sẽ kết hợp với các bộ, ngành trên cơ sở nắm bắt tình hình tác động của COVID-19 và các khó khăn của nền kinh tế để có tính khả thi cao.
Trả lời câu hỏi của báo giới về gói hỗ trợ thứ 2 đối với nền kinh tế tại buổi họp báo của Chính phủ về Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết: Về mặt nhiệm vụ, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ quản phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tựu chung lại là nhiệm vụ xây dựng hỗ trợ giải pháp tốt nhất cho nền kinh tế, cho các doanh nghiệp, các đối tượng khi bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trong 2021.
 
 
Thúc đẩy tính khả thi của gói hỗ trợ kinh tế lần 2 - ảnh 1
 Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trả lời câu hỏi của các nhà báo
 
Trong báo cáo đánh giá, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng báo cáo với Chính phủ lộ trình năm 2021, tình hình COVID-19 rất phức tạp và tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta, và còn kéo dài thêm một số năm sau đó.
 
Các giải pháp trực tiếp để hỗ trợ nền kinh tế cần phải có được nghiên cứu chi tiết, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, phù hợp với các hoàn cảnh cụ thể của 2021, đòi hỏi công tác theo dõi, giám sát, nắm bắt tình hình thường xuyên, liên tục, chặt chẽ, lúc đó mới đề ra được giải pháp phù hợp.
 
Bên cạnh đó, còn phải căn cứ vào các điều kiện về mặt nguồn lực, cũng như cách thức triển khai các giải pháp đã đề ra.
 
"Tựu chung lại, gói hỗ trợ kinh tế lần thứ hai này, chúng tôi nhận nhiệm vụ triển khai do Thủ tướng Chính phủ giao. Chúng tôi sẽ kết hợp với các bộ, ngành trên cơ sở nắm bắt tình hình tác động của COVID-19 và các khó khăn của nền kinh tế, có thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất với các thông tin có tính khả thi cao.
 
Do vậy, để trả lời thời điểm nào có gói hỗ trợ kinh tế lần thứ hai này, áp dụng ra sao, quy mô, phạm vi thế nào, tại thời điểm này chúng tôi chưa thể trả lời chi tiết được. Đến thời điểm chín muồi, chúng tôi hoàn tất nghiên cứu, chuẩn bị thì sẽ thông tin, báo cáo với các nhà báo", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
 
Trước đó, nhiều chuyên gia cũng đã đưa ra khuyến nghị nhằm tạo tính khả thi cho Gói hỗ trợ kinh tế lần 2.
 
Trả lời phỏng vấn của Bnews.vn, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhận định: Trước bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi sâu sắc sau đại dịch COVID-19, cũng sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Để từng bước khôi phục, trong thời gian tới, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần khẩn trương rà soát lại, sửa đổi một số quy định không phù hợp, bổ sung thêm đối tượng để các gói hỗ trợ của Chính phủ kịp thời, rành mạch và có tính thực tế cao.
 
 
Thúc đẩy tính khả thi của gói hỗ trợ kinh tế lần 2 - ảnh 2
Chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm
 
Theo đó, xây dựng gói hỗ trợ lần thứ 2 cần tập trung đặc biệt vào khu vực doanh nghiệp để thực hiện, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất và cơ cấu lại nền kinh tế.
 
Theo ông Lâm, kinh tế nước ta có độ mở lớn, Việt Nam đã ký kết và đang thực hiện nhiều Hiệp định thương mại quốc tế, bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi sâu sắc sau đại dịch COVID -19 sẽ tác động rất lớn đến kinh tế Việt Nam, đòi hỏi Chính phủ phải có cách nhìn mới, có chính sách kịp thời và phù hợp để duy trì và phát triển kinh tế.
 
Chính phủ nhiều nước đã thực hiện các gói hỗ trợ qua hai xu hướng: trực tiếp hỗ trợ cứu doanh nghiệp qua đó cứu người lao động; trực tiếp hỗ trợ cứu người lao động, còn doanh nghiệp sẽ theo cơ chế thị trường quyết định. Các nước châu Âu tiếp cận theo xu hướng thứ nhất.
 
Chẳng hạn, Pháp tập trung cứu doanh nghiệp để khỏi phá sản, từ đó cứu lực lượng lao động. Tổng thống Pháp Macron từng tuyên bố: “Không doanh nghiệp nào, bất kể quy mô, phải đối mặt với nguy cơ phá sản do COVID-19”. Chính phủ Pháp đưa ra gói tài chính hỗ trợ doanh nghiệp lên tới 345 tỷ Euro (380 tỷ USD) bằng 15% GDP của Pháp qua hình thức cấp tiền hay khoản vay ưu đãi. Mỹ áp dụng xu hướng thứ hai đó là cứu người lao động.
 
“Trước tình hình vẫn còn khó khăn, theo tôi, trong thời gian tới Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần khẩn trương rà soát lại, sửa đổi một số quy định không phù hợp, bổ sung thêm đối tượng để các gói hỗ trợ của Chính phủ kịp thời, rành mạch và phải có tính thực tế”, ông Lâm khuyến nghị.
 
Chia sẻ với Thời báo Tài chính Việt Nam, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh – Học viện Tài chính thì cho rằng, trước hết, với những gói hỗ trợ đã ban hành mà tỷ lệ giải ngân còn thấp, thì cần phải đẩy nhanh việc giải ngân các gói hỗ trợ này cho hết, mở rộng thêm đối tượng được thụ hưởng, trước khi ban hành thêm các gói hỗ trợ tương tự. Bởi, khi gói hỗ trợ lần một còn chưa giải ngân hết thì việc đưa ra gói hỗ trợ tương tự tiếp theo sẽ không có nhiều ý nghĩa, đồng thời có khả năng gây thêm gánh nặng cho ngân sách.
 
 
Thúc đẩy tính khả thi của gói hỗ trợ kinh tế lần 2 - ảnh 3
 Thúc đẩy tính khả thi của gói hỗ trợ kinh tế
 
Đối với những gói hỗ trợ đã, đang triển khai tốt, phát huy hiệu quả như gói hỗ trợ tài khóa với các chính sách về giãn, hoãn nộp thuế; miễn, giảm phí, lệ phí, thuế…, thì cần sớm ban hành thêm các chính sách nhằm “gia cố” các chính sách đang thực hiện, như kéo dài thêm thời gian thực hiện chính sách, hay rà soát xem có thể miễn, giảm thêm khoản phí, lệ phí nào thì thực hiện, nhằm hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp.
 
Đặc biệt, theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, khắc phục những bất cập đã được nhận diện từ thực tế triển khai gói hỗ trợ lần 1, việc triển khai gói hỗ trợ lần 2 cần được thực hiện theo hướng khẩn trương, minh bạch, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp, người dân. Cần giảm thiểu những phiền hà về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính...
 
Minh Hoa