Thuế VAT: Kẻ giàu, người nghèo đều ảnh hưởng
Hội thảo đã công bố nghiên cứu “Tác động của tăng thuế VAT đến tổng thể nền kinh tế và phúc lợi hộ gia đình”, đồng thời bàn thảo sâu về các tác động của đề xuất tăng thuế VAT của Bộ Tài chính tới các hộ gia đình cũng như nền kinh tế đất nước.
Hộ giàu bị ảnh hưởng, hộ nghèo có xu hướng càng nghèo hơn
Vừa qua, Bộ Tài chính đã đề xuất dự thảo luật sửa đổi về thuế VAT, theo đó thuế VAT sẽ tăng trên hầu hết các mặt hàng.
Nhận định về đề xuất này, nghiên cứu “Tác động của tăng thuế VAT đến tổng thể nền kinh tế và phúc lợi hộ gia đình” của VEPR chỉ rõ: Thuế VAT có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế và là một trong các nguồn thu quan trọng của Chính phủ. Tuy nhiên, thuế VAT cũng làm tăng giá mà người tiêu dùng phải trả, và hạn chế tiêu dùng cũng như sản xuất.
Khi thuế giá trị gia tăng áp dụng cho một mặt hàng, gánh nặng thuế được chia sẻ cho cả người tiêu dùng và người sản xuất. Người tiêu dùng phải trả giá cao hơn trong khi người sản xuất nhận giá thấp hơn trên mỗi đơn vị sản phẩm.
“Tăng thuế VAT dưới góc độ vĩ mô và vi mô, nhìn chung đều ảnh hưởng đến người dân, hộ gia đình nhưng những mức độ tác động là khác nhau. Quan điểm của tôi thì thuế VAT vẫn có tính chất lũy tiến ở Việt Nam. Người giàu hay người nghèo đều chịu ảnh hưởng”, PGS.TS Nguyễn Đức Thành phát biểu.
Thậm chí, ông Thành cho rằng, tăng thuế không làm tăng sản lượng thực của nền kinh tế và làm giảm phúc lợi của tất cả các hộ gia đình. Nếu tiền thuế tăng thêm lại được Chính phủ đưa vào chi thường xuyên mà không chi đầu tư phát triển sẽ làm cho sản lượng thực của nền kinh tế giảm.
Với phương án tăng thuế VAT lên mức chung 10% thì tác động nhỏ hơn một chút. Thuế suất chung có ưu điểm là đơn giản hóa việc thu thuế và tránh gian lận trong việc trốn thuế VAT bằng cách điều chỉnh danh mục mặt hàng chịu thuế từ 10% thành 5% trong sản xuất và kinh doanh.
“Tác động nhỏ hơn một chút, sẽ làm giảm chi tiêu 0,32% và gia tăng hộ nghèo thêm 202.000 trường hợp. Các nhóm hộ tiêu dùng nhiều thực phẩm như rau và thịt sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn”, ông Cường chia sẻ.
Phân tích ở góc độ bình đẳng giới, nghiên cứu của VEPR cũng cho thấy, các cải cách thuế gián thu trong đó có VAT không đưa lại các thiên kiến giới trực tiếp nhưng gián tiếp phân biệt đối xử với phụ nữ do phụ nữ có trình độ học vấn thấp hơn, lao động trong khu vực có trình độ chuyên môn và tay nghề thấp và/hoặc trong khu vực phi chính thức, tỉ lệ thất nghiệp cao trong khi thu nhập từ tiền lương, tiền công thấp hơn so với nam giới.
Minh bạch giải trình trước khi đề xuất tăng thuế
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Thành, hiện nay nguồn thu từ dầu thô của Việt Nam đã giảm, không còn được như trước nữa. Thu thuế theo hình thức cũ không còn phù hợp. Nhà nước cần cân nhắc việc điều chỉnh thuế VAT trong thời gian tới, vì đây là việc đánh đổi giữa tăng ngân sách với tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo.
Đồng thời, ông Thành cũng cho rằng, Bộ Tài chính có thể nghĩ đến các giải pháp như cải thiện hiệu quả thu thuế nhằm giảm gian lận thuế để làm tăng nguồn thu. Trong trường hợp Chính phủ vẫn cần phải tăng thuế để bù đắp cho thâm hụt và giảm nợ công, Chính phủ nên nghĩ đến việc cải cách lại các loại thuế tài sản.
“Nếu như không có những cải cách đáng kể trong điều hành và chi tiêu ngân sách của nhà nước mà chỉ dựa vào tăng thuế VAT thì sẽ không ổn. Chính phủ phải hết sức thận trọng khi tăng các loại thuế. Về dài hạn, vẫn là phải cắt giảm chi tiêu công, tinh giản bộ máy, tăng chi tiêu cho đầu tư sản xuất thay vì dành quá nhiều cho chi thường xuyên như hiện nay”, ông Thành nói.