Thương mại điện tử gỡ khó cho doanh nghiệp thời trong đại dịch

08:25 | 26/04/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Nhằm đề cao hơn nữa trách nhiệm của doanh nghiệp với người tiêu dùng trong bối cảnh dịch COVID-19, chỉ ra những giải pháp kinh doanh hiệu quả, góp phần thích nghi với giai đoạn hiện nay, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với Hội Bảo vệ Người tiêu dùng tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Doanh nghiệp và người tiêu dùng chung tay trong bối cảnh đại dịch COVID-19”.

Trong hơn ba tháng qua, cả thế giới đang phải đối mặt với một dịch bệnh khủng khiếp khiến hơn 1,5 triệu người nhiễm bệnh và gần 100 ngàn người tử vong trên toàn thế giới. Con số này được dự báo chưa dùng lại và sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Tại Việt Nam, chúng ta xác định song song với chống dịch nhưng phải đảm bảo phát triển kinh tế, xác định tinh thần “sống chung với dịch”. Với bối cảnh đó, doanh nghiệp cũng phải đưa ra các giải pháp để thích ứng với bối cảnh mới, thực hiện mục tiêu kép chống dịch và đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thương mại điện tử gỡ khó cho doanh nghiệp thời trong đại dịch - ảnh 1
 Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh.
Tại tọa đàm, nhìn nhận về khả năng thích nghi của doanh nghiệp trong đại dịch, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết: Ngay từ khi dịch bệnh xảy ra, các doanh nghiệp chắc chắn rơi vào tình trạng bị động và chưa sẵn sàng, nhưng cho đến giờ phút này thì tôi cho rằng các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp sản xuất tiêu dùng và lương thực thực phẩm đã chủ động thích nghi. Bằng chứng thể hiện là trong khi nhiều nước trên thế giới xảy ra tình trạng thiếu thốn hàng hoá tiêu dùng, lương thực thực phẩm thì tại TPHCM nói riêng và trên cả nước nói chung không hề có tình trạng này xảy ra.
Đặc biệt, giá cả hàng hoá các mặt hàng thiết yếu không có sự tăng giá nhiều gây ảnh hưởng tới thị trường, nếu có chỉ là một nhóm và ngay lập tức Chính phủ đã kiên quyết chỉ đạo để ổn định trở lại. Bên cạnh đó, trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh COVID-19 nhưng doanh nghiệp đều đảm bảo chất lượng hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp luôn được đặt lên hàng đầu.
Theo bà Chi, đó là những kết quả tốt. Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn một nhóm nữa gặp nhiều khó khăn như xuất khẩu rau quả tươi, chế biến thuỷ sản… đều bị sụt giảm.  Hơn 60% sản lượng lương thực thực phẩm được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc. Do đó, tương ứng 60% sản lượng này gặp khó khi các thị trường này đóng cửa vì COVID-19. Điều này đặt ra yêu cầu doanh nghiệp phải “tự thân vận động”, cùng với chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, doanh nghiệp phải linh động đổi mới thị trường.
Tuy nhiên việc cơ cấu lại thị trường xuất khẩu chưa làm được ngay. Do đó, bà Chi cho rằng: Doanh nghiệp phải hướng phát triển thị trường nội địa, mở kênh online để người tiêu dùng có thể gọi đặt hàng trực tuyến. Như vậy, dịch vừa rồi cũng là thời cơ với các doanh nghiệp trước đây ít chú trọng tới bán hàng trực tuyến, nay phải thay đổi.
Thương mại điện tử gỡ khó cho doanh nghiệp thời trong đại dịch - ảnh 2
 Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Doanh nghiệp và người tiêu dùng chung tay trong bối cảnh đại dịch COVID-19”.
Đánh giá về việc chuyển hướng sang thương mại điện tử (TMĐT) của doanh nghiệp trong thời gian qua, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương cho rằng: Việc phát triển TMĐT ở Việt Nam ghi nhận nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp TMĐT Việt Nam nói riêng đã cùng cơ quan nhà nước nhanh chóng ứng phó dịch bệnh thời gian qua.
Khảo sát nhanh với 4 sàn thương mại lớn cho thấy, việc tăng số lượng giao dịch với mặt hàng khẩu trang thiết bị y tế tăng 80-100%. Tuy nhiên, trong bối cảnh chung đại dịch nhiều lĩnh vực của nền kinh tế bị ảnh hưởng, lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp TMĐT bị hủy lên tới 140%.
Nguyên nhân thứ nhất xuất phát từ nguồn cung khi TMĐT xuất phát từ phương thức kinh doanh trên nền tảng số nhưng bản chất dựa trên nguồn cung thực tế; Thứ hai là liên quan đến việc hạn chế nhập khẩu bởi thương mại Việt Nam phụ thuộc các thị trường nhập khẩu lớn đặc biệt là Trung Quốc; Thứ ba là năng lực ứng phó dịch bệnh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp lớn ít nhiều có sự chủ động, có thể thích ứng nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn lại bị động trong ứng phó với dịch bệnh, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi số để ứng dụng TMĐT, ứng phó với phương thức kinh doanh mới.
Từ thực tiễn đó, Cục đã đưa ra nhóm giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thời gian trước mắt và lâu dài như: Phát động chương trình người tiêu dùng dùng hàng nông sản Việt trên Gian hàng việt; Xây dựng nền tảng ứng dụng TMĐT ứng phó tình huống khẩn cấp; Huy động sự tham gia các công ty chuyển phát và hệ thống thanh toán trung gian để cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp tham gia quy trình TMĐT trọn gói có thể ứng phó với tình huống khẩn cấp không chỉ dịch COVID-19 như hiện nay mà trong các tình huống có thể xảy ra trong tương lai; Đẩy mạnh triển khai hệ thống quản lý, giám sát và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng trên môi trường TMĐT thông qua cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT tại Việt Nam (online.gov.vn) để kịp thời giải quyết tranh chấp, khiếu nại trên môi trường trực tuyến.
Còn theo ông Bùi Huy Hoàng – Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và công nghệ số - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương: Về cơ bản thì trên các sàn TMĐT hiện chia thành 2 nhóm: Nhóm của những doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm nhập khẩu và kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bán các sản phẩm từ nguồn gốc từ Việt Nam chưa nhiều. Nhiều doanh nghiệp cho rằng đây chưa phải là kênh kinh doanh hiệu quả, đội ngũ nhân viên chưa đáp ứng được yêu cầu của điện tử.
Mặc dù thế, theo ông Hoàng, dịch COVID-19 cho thấy sự thay đổi lớn trong cách triển khai của các doanh nghiệp kinh doanh các dòng sản phẩm có nguồn gốc đến từ Việt Nam. Như hiện nay, nhiều doanh nghiệp quan tâm đến TMĐT và cho rằng đây hướng đi mới cho mình, giúp họ kinh doanh hiệu quả hơn. Hoạt động thương mại điện tử đang là xu thế nhưng có hai mặt nên người tiêu dùng và doanh nghiệp phải tỉnh táo khi sử dụng.