Thương mại điện tử, nơi nửa viên gạch có giá bằng chiếc iPhone 12
Lời tòa soạn
Thương mại điện tử là hoạt động kinh doanh được giới chuyên gia đánh giá là mang lại hiệu quả cao, phương thức này đang đặc biệt thịnh hành trong giai đoạn dịch bệnh Covid hoành hành 2 năm trở lại đây.
Nhưng cùng với những tiện ích và hiệu quả, thương mại điện tử cũng kéo theo những rủi ro, thậm chí là thiệt hại cho cả khách hàng, lẫn doanh nghiệp.
Thương mại điện tử được hiểu là sự mua bán sản phẩm hay dịch vụ trên các hệ thống điện tử như Internet và các mạng máy tính. Thông qua các sàn thương mại khá thịnh hành hiện nay như Lazada, Shopee, Tiki… hoặc những nền tảng mạng xã hội trực tuyến là Facebook, Intagram… khách hàng có thể lựa chọn sản phẩm mà không cần phải bước chân ra khỏi nhà.
Sau nhiều năm hoạt động, thương mại điện tử ngày càng bứt phá và trở thành lĩnh vực tiềm năng tại Việt Nam. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh của thương mại điện tử thì tình trạng hàng gian lận, hàng giả, vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng cũng tồn tại song song.
“Hộp chì màu”, nửa viên gạch có giá bằng chiếc iPhone 12
Những năm qua, câu chuyện khách hàng gặp rủi ro trong quá trình giao dịch trên các sàn thương mại điện tử không còn là điều quá xa lạ. Tình trạng này diễn ra phổ biến và mang tính hệ thống ở hầu khắp các sàn thương mại điện tử.
Khách hàng nhận cục gạch sau khi bỏ vài chục triệu đồng đặt mua iPhone 12.
Cuối năm 2020, mạng xã hội xôn xao chia sẻ câu chuyện của một tài khoản Facebook, khách hàng này cho hay đã mua một chiếc iPhone 12 Pro Max (phiên bản 256GB) giá hơn 30 triệu đồng từ một hệ thống phân phối tại TP.HCM, và sử dụng một dịch vụ vận chuyển trung gian thứ ba để giao hàng. Người này cũng lựa chọn thanh toán trước 100% phí, chứ không dùng tùy chọn COD (trả tiền khi nhận hàng).
Đến ngày nhận hàng, người mua hàng mới bàng hoàng khi bên trong chỉ là nửa viên gạch được bọc xốp kỹ lưỡng. Nhân viên giao hàng cũng có hành động bất thường, đó là không gọi điện báo trước và chỉ gửi hàng tại địa chỉ ghi lại trên hóa đơn.
Một trường hợp tương tự cũng xảy ra cuối năm 2020, khách hàng Chu Quang Toàn ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh cho biết có đặt mua hai chiếc iPhone 12 Pro Max với trị 61,1 triệu đồng cũng qua đơn vị phân phối điện thoại trên. Tuy nhiên khi nhận hàng từ đơn vị vận chuyển người này lại nhận được 2 hộp bút màu.
Anh Toàn đổi hơn 60 triệu đồng lấy 2 hộp bút màu.
Điều khác biệt là ở lần này, anh Toàn đã được phía đơn vị bán iPhone dặn phải kiểm tra, quay lại video khi nhận hàng. Gói hàng khi nhận nhìn cũng không giống với hình ảnh mà nhân viên đơn vị bán iPhone cung cấp cho khách. Bên cạnh đó, tem niêm phong cũng đã bị xé rách.
Đại diện của Di Động Việt – đơn vị phân phối điện thoại liên quan đến sự việc khách hàng nhận được gạch sau đó đã lên tiếng: "Khi nhận được tin khách hàng nhận cục gạch, Di Động Việt đã kiểm tra lại quy trình đóng hàng của mình có đầy đủ hình ảnh và chữ ký của người giao nhận. Trong quá trình đền bù khá lâu, Di dộng Việt đã chủ động gửi cho khách hàng một máy khác đúng như máy đã mua. Đó là việc làm cần thiết của chúng tôi nhằm giúp khách hàng không quá lo lắng khi hai bên kết hợp làm việc với đơn vị vận chuyển".
Sau đó 1 ngày, đơn vị vận chuyển đã có động thái tích cực đền nguyên khoản tiền bằng số tiền khách hàng mua điện thoại, sau đó khách hàng cũng đã chuyển lại số tiền này cho phía đơn vị bán điện thoại. Tuy nhiên, riêng trường hợp của khách hàng nhận được hai hộp bút chì màu, đại diện của Di Động Việt cho biết vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ phía đơn vị vận chuyển.
Rao bán sản phẩm giá rẻ để lừa đảo
Năm 2019, anh S.N - quản trị viên một nhóm người dùng đam mê các thiết bị SmartHome đã đăng tải một bài viết cảnh báo tới các thành viên trong nhóm về một cửa hàng trên Shopee có dấu hiệu lừa đảo người mua. Bài viết được đăng tải sau khi một số thành viên trong nhóm phản ánh về việc mình bị lừa bởi cửa hàng nói trên.
Trong bài viết của mình, quản trị viên S.N đã cáo buộc một cửa hàng trên sàn thương mại điện tử Shopee sử dụng "hình thức lừa đảo mới", bán các sản phẩm giá rẻ nhằm lừa đảo người mua.
Cụ thể, sản phẩm được quản trị viên này nhắc tới là một mẫu loa thông minh có giá bán chỉ 255.000, rẻ hơn rất nhiều so với mức giá 789.000 tại các cửa hàng khác. Được bán bởi cửa hàng có tên "phukiengiasi.cf ", sản phẩm này dòng mô tả rất hấp dẫn như "xả kho", "chính hãng nguyên seal", "nhằm hướng tới đối tượng người mua với tâm lý giá rẻ cứ đặt không mất gì", theo chia sẻ của anh S.N.
Cũng theo anh S.N, sau khi nhận được đơn đặt hàng từ phía người dùng, shop "phukiengiasi.cf" đã âm thầm treo các đơn hàng này trên Shopee không xác nhận. Tiếp đến, sản phẩm vẫn được chủ shop này ship tới địa chỉ đã thu thập bằng dịch vụ vận chuyển thứ ba mà không thông qua dịch vụ vận chuyển của các trang TMĐT.
Tuy nhiên theo chia sẻ của anh S.N, khi nhận hàng, người mua có nguy cơ nhận phải "gạch, giấy vụn", khác xa hoàn toàn so với sản phẩm đã đặt. Quản trị viên này cũng cảnh báo, người mua bị lừa đảo "sẽ không thể đòi lại được tiền khi đã kí nhận hàng" từ phía shop lẫn từ phía Shopee khi đơn hàng đã bị hủy trên hệ thống của trang TMĐT này trước đó.
Ngay sau khi bài viết được đăng, một số thành viên đã đặt mua trước đó cho biết, họ từ chối nhận các gói hàng khi nhân viên giao hàng mang tới, ngay sau khi biết cửa hàng này có dấu hiệu lừa đảo người mua. Bên cạnh đó, không ít thành viên trong nhóm đã bày tỏ sự tức giận với hành vi lừa đảo này, đồng thời kêu gọi đồng loạt báo cáo (report) cửa hàng này tới Shopee. Một số khác thậm chí còn dự định đặt mua một số lượng lớn sản phẩm không nhận hàng nhằm trả đũa cửa hàng bị cáo buộc lừa đảo trên.
Gói hàng cô nhận được bên trong đều là gạch vỡ.
Mới đây,ngày 21/4/2021, Hoàng Anh (Đà Lạt, Lâm Đồng) có nhận được một đơn hàng trị giá 658.000 đồng. Trao đổi với phóng viên, người này cho biết thời điểm nhận hàng đã nghi ngờ về đơn hàng này rồi nên đã quay lại video khi bóc hàng. Nhưng không ngờ, thủ đoạn lừa đảo quá tinh vi, cô không thể lường trước được và bây giờ chấp nhận mất số tiền này mà không thể làm gì khác.
Hoàng Anh kể lại trước đó cô có đặt một đơn hàng là 4 chai dầu gội đầu trị giá 658.000 đồng của một chop trên sàn thương mại điện tử. Cũng đọc được một số chiêu trò lừa đảo khi mua hàng online, cô cảnh giác hơn nên kiểm tra thường xuyên tình trạng giao hàng.
Đến sáng ngày 21/4, cô thấy đơn hàng của mình ở trạng thái đang giao hàng và có shipper gọi xuống nhận hàng. Bản thân không hề nghi ngờ gì nên đã cầm hơn 600 nghìn đồng xuống nhận hàng.
“Lúc nhận, bên ngoài đơn hàng ghi trọng lượng là 1,8kg nhưng tôi bê lên thì thấy nặng gần chục cân, bên ngoài móp méo. Đã có chút nghi ngờ, tôi lên phòng mở ra, kèm quay video lại để làm bằng chứng và thấy bên trong toàn là gạch vỡ”, cô bức xúc.
Cô có gọi ngay cho nhân viên giao hàng nhưng nhân viên đã lỡ tay xác nhận “giao thành công”, nên cô chỉ có thể khiếu nại lên sàn thương mại điện tử mà mình đã mua.
Trên thực tế, hình thức lừa đảo như trên không chỉ gói gọn trên Shopee, mà còn xảy ra ở nhiều các trang thương mại điện tử khác như Sendo, Lazada… Chung quy của những sự việc chớ trêu kể trên đều bắt nguồn từ câu chuyện khách hàng không được kiểm tra sản phẩm trước khi nhận (một quyền cơ bản của người tiêu dùng và được pháp luật bảo vệ). Bản thân người dùng khi rơi vào trường hợp này thường bị "thiệt đơn thiệt kép" khi không được nhận bất kỳ hình thức hậu mãi hay hỗ trợ từ phía chủ shop lẫn sàn thương mại điện tử.
Với các trang thương mại điện tử, do đơn hàng đã bị chủ shop đơn phương hủy, người dùng nghiễm nhiên bị tước mất quyền lợi được bảo hành, đổi trả, hoàn tiền sản phẩm hay thậm chí là quyền khiếu nại, tố cáo các shop có dấu hiệu lừa đảo khách hàng. Bản thân các trang thương mại điện tử cũng không thể hỗ trợ các trường hợp này do hệ thống không ghi nhận bất kỳ giao dịch mua hàng hay thông tin của người dùng bị thiệt hại.
Trong khi đó, việc khách hàng liên hệ lại với các shop bán hàng "lừa đảo" này để "bắt đền" cũng là điều hoàn toàn bất khả thi. Thực tế, hầu hết các shop kiểu vậy đều giấu hoặc để địa chỉ ma để tránh bị tìm thấy. Người dùng đương nhiên cũng không thể liên hệ lại theo số điện thoại hotline của cửa hàng, khi những người thường tắt máy hoặc chặn số người mua….
Câu hỏi được người tiêu dùng đặt ra, vậy khi khách hàng lâm vào tình trạng rủi ro khi giao dịch thương mại điện tử, ai sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm cũng như bảo vệ người tiêu dùng? Câu trả lời sẽ được chúng tôi đề cập ở kỳ 2.
Còn nữa!
Xuân Tùng