Thương vụ 'điên rồ' của tỷ phú Elon Musk với Twitter
Mạng xã hội Twitter bắt đầu hoạt động tháng 7/2006, đặt trụ sở chính tại San Francisco (Mỹ) với hơn 35 văn phòng trên thế giới. Hiện Twitter có 330 triệu người dùng đang hoạt động thường xuyên hàng tháng. Mặc dù con số này thấp hơn một số đối thủ mạng xã hội như Facebook nhưng Twitter được coi là nền tảng có ảnh hưởng vượt trội trong thế giới trực tuyến. Twitter được sử dụng bởi nhiều chính trị gia, nhân vật có tầm ảnh hưởng trên thế giới.
Tỷ phú Elon Musk từng nhận định Twitter chưa phát huy được tiềm năng khi quyền tự do ngôn luận của người dùng chưa được tôn trọng. Như các nền tảng mạng xã hội khác, Twitter cố gắng chặn các nội dung tiêu cực, bao gồm bạo lực, hoặc thông tin sai lệch, độc hại.
"Tôi nghĩ điều rất quan trọng là phải có một nền tảng toàn diện cho quyền tự do ngôn luận", vị tỷ phú chia sẻ về mong muốn biến Twitter đang trở thành một "quảng trường" kỹ thuật số, nơi các vấn đề quan trọng đối với tương lai của nhân loại được tranh luận và là nơi mọi người có thể tự do thể hiện quan điểm trong giới hạn của luật pháp.
"Tôi mua Twitter không phải để kiếm tiền. Bằng niềm tin mạnh mẽ, tôi muốn tạo ra một nền tảng cộng đồng được tin tưởng tối đa. Tôi làm là vì tương lai của nền văn minh chứ không quan tâm đến vấn đề lợi ích kinh tế”, Elon Musk khẳng định mục đích ông mua lại Twitter.
Vị tỷ phú cho biết ông muốn "làm cho Twitter tốt hơn bao giờ hết" bằng cách nâng cao sản phẩm với các tính năng mới, biến các thuật toán thành mã nguồn mở để tăng độ tin cậy, giảm thiểu nội dung rác và xác thực tất cả người dùng.
Tuy nhiên, một số chuyên gia trong ngành lo lắng rằng mong muốn tự do ngôn luận của Elon Musk trên Twitter có thể dẫn đến nhiều thông tin sai lệch và các nội dung có hại khác, chính điều này sẽ tác động tiêu cực ngược trở lại người dùng.
Thương vụ bắt đầu và kết thúc chóng vánh
Thông tin tỷ phú Elon Musk muốn giành quyền kiểm soát Twitter đã rộ lên từ cuối tháng 3. Theo hồ sơ gửi lên Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC), CEO Tesla đã liên tục mua cổ phiếu Twitter trong hai ngày 31/3 - 1/4. Đến đầu tháng 4, Elon Musk thông báo mua 73,5 triệu cổ phiếu, tương đương 9,2% cổ phần Twitter, qua đó trở thành cổ đông lớn nhất của nền tảng mạng xã hội này.
Ngày 5/4, Twitter thông báo tỷ phú Elon Musk sẽ trở thành thành viên trong ban lãnh đạo của công ty. Đến ngày 8/4, Vanguard Group công bố sở hữu 10,3% cổ phần Twitter, soán ngôi vị cổ đông lớn nhất công ty, đẩy Elon Musk xuống vị trí thứ 2. Theo hồ sơ gửi lên SEC, Vanguard đã tăng mua cổ phiếu Twitter trong quý I. Vào cuối năm ngoái, tập đoàn này chỉ sở hữu 8,4% cổ phần tại công ty.
Ngày 10/4, tỷ phú Elon Musk lên tiếng tuyên bố không nằm trong ban quản trị của Twitter. Theo các nhà phân tích, động thái này cho thấy một tham vọng lớn hơn: Elon Musk muốn thâu tóm toàn bộ Twitter.
Đến ngày 12/4, một cổ đông của Twitter là Marc Bain Rasella đã đâm đơn khởi kiện tỷ phú Elon Musk vì hành vi “mua chui” cổ phiếu. Đơn kiện tố ông Musk đáng lẽ phải tiết lộ số cổ phần nắm giữ ở Twitter cho SEC vào ngày 24/3 nhưng đến tận 11 ngày sau, tỷ phú Tesla mới đưa ra thông báo. Điều đó khiến cổ đông Twitter chịu nhiều thiệt hại.
Ngày 14/4, hai ngày sau khi bị tố "mua chui" cổ phiếu Twitter, tỷ phú Elon Musk đưa ra đề nghị mua đứt nền tảng mạng xã hội này với mức giá khoảng 43 tỷ USD, tương đương 54,20 USD/cổ phiếu. "Đây là lời đề nghị tốt nhất, cũng là cuối cùng. Nếu không được chấp thuận, tôi sẽ xem xét lại tư cách cổ đông của mình", Elon Musk cho biết. Mức giá 54,20 USD/cổ phiếu mà vị tỷ phú đưa ra thời điểm đó cao hơn 38% so với giá cổ phiếu của Twitter trong phiên giao dịch đóng cửa vào 1/4.
Ngày 15/4, có thông tin cho rằng Twitter đang thảo luận chiến thuật phòng thủ mang tên “thuốc độc”, nhằm tìm cách giảm giá trị từng cổ phiếu thông qua tăng tổng số cổ phiếu, gây khó khăn cho tổ chức hoặc cá nhân muốn thâu tóm hay nắm quyền quyết định toàn bộ công ty. Chiến thuật này có thể khiến tỷ phú Musk không thể tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu Twitter trên thị trường mở.
Ngày 19/4, tỷ phú Elon Musk tuyên bố sẵn sàng chi 10-15 tỷ USD tiền túi để mua lại công ty Twitter Inc. Sau đó 2 ngày, theo hồ sơ gửi tới Ủy ban Chứng khoán Mỹ hôm 21/4, vị tỷ phú lại cho biết đã chuẩn bị đủ 46,5 tỷ USD cho thương vụ mua đứt Twitter, bao gồm tiền vay từ nhà băng Morgan Stanley, vay một số tổ chức tài chính giấu tên khác và tiền túi của ông.
CEO Tesla không tiết lộ nhiều về khoản tiền lên tới 21 tỷ USD từ tài sản cá nhân của ông trong thương vụ này. Theo bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes, Elon Musk hiện là tỷ phú giàu nhất hành tinh với khối tài sản ước tính 266 tỷ USD, phần lớn trong đó đến từ định giá số cổ phiếu Tesla mà ông đang nắm giữ.
Tờ Bloomberg cho hay Elon Musk chỉ nắm trong tay khoảng 3 tỷ USD tiền mặt và một số tài sản có thanh khoản. Do đó, nhiều người đặt câu hỏi về việc ông kiếm đâu ra số tiền hàng chục tỷ USD để hoàn tất thương vụ với Twitter. Giới tài chính từng cho rằng sẽ khó để CEO Tesla vay vốn nếu thế chấp bằng cổ phiếu có biến động mạnh như Tesla.
Đến ngày 25/4 (giờ Mỹ), Twitter chính thức chấp thuận đề nghị mua lại của tỷ phú Elon Musk với đúng mức giá 54,2 USD/cổ phiếu mà Musk đề nghị; qua đó, định giá nền tảng truyền thông mạng xã hội này ở mức 44 tỷ USD. Mở cửa phiên giao dịch ngày 25/4, cổ phiếu của Twitter tăng hơn 6% sau thông tin về tay người giàu nhất hành tinh.
Sau khi đạt được thỏa thuận với hội đồng quản trị Twitter, quá trình tiếp quản và hoàn tất thương vụ dự kiến sẽ mất vài tháng để hoàn tất các thủ tục với chính quyền.
Tuy nhiên, không lâu sau, vào 30/5, Elon Musk thông báo tạm dừng thỏa thuận. Trên mạng Twitter, tỷ phủ Musk giải thích rằng ông đưa ra quyết định trên sau khi nhận được thông tin rằng các tài khoản giả mạo trên Twitter chiếm dưới 5% tỷ lệ người dùng mạng xã hội này. Con số này do chính Twitter tính toán và công bố vào đầu tháng 5.
Quyết định trên đã khiến giá cổ phiếu của Twitter Inc giảm 17,7% xuống còn 37,1 USD, mức thấp nhất kể từ khi ông Musk hé lộ số cổ phần tại công ty này vào đầu tháng 4 và đưa ra lời đề nghị mua lại hấp dẫn sau đó. Hiện Twitter vẫn chưa phản hồi gì về động thái này.
Ngày 8/7, tỷ phú thông báo từ bỏ thương vụ “khủng” với Twitter, viện dẫn lý do công ty truyền thông xã hội này vi phạm nhiều điều khoản trong thỏa thuận.
Tỷ phú Musk đã cáo buộc Twitter không đáp ứng hoặc từ chối cung cấp thông tin về những tài khoản rác và ảo trên nền tảng này. Đây vốn được cho là quy tắc cơ bản trong hoạt động kinh doanh của công ty. Các luật sư của ông Musk cũng đưa ra vấn đề sa thải nhân viên gần đây của Twitter và đóng băng tuyển dụng và coi đây là điều trái với nghĩa vụ của nền tảng này để tiếp tục hoạt động bình thường. Bà Lipton cho rằng những lập luận trên có thể hợp lệ, nhưng không đủ thuyết phục để ông Musk rút khỏi thỏa thuận.
Một thương vụ ồn ào
Toàn bộ câu chuyện về vụ mua bán giữa tỷ phú Musk và Twitter đã khiến các nhà quan sát bối rối. Nhà phân tích Dan Ives của công ty đầu tư tư nhân Wedbush, có trụ sở tại Los Angeles (Mỹ) mô tả là đây là một trong những câu chuyện kinh doanh điên rồ nhất từ trước đến nay. Theo ông, thương vụ này bắt đầu như một buổi biểu diễn xiếc và kết thúc cũng như như một buổi biểu diễn xiếc.
Khi Elon Musk đạt được thỏa thuận mua lại Twitter, nhiều nghi ngờ nảy sinh xoay quanh việc CEO Tesla có thực hiện thay đổi với chính sách quyền riêng tư của Twitter hay không. Elon Musk còn bị nghi ngờ khả năng kiểm soát dữ liệu người dùng nhạy cảm vì ông cũng đang điều hành các công ty khác như Tesla hay SpaceX.
Thỏa thuận còn dấy lên trong nội bộ Twitter nhiều lo ngại. Giám đốc điều hành Twitter Parag Agrawal nói với nhân viên rằng tương lai của Twitter là bất định sau thỏa thuận với tỷ phú Elon Musk: “Sau khi thương vụ hoàn tất, chúng tôi không biết công ty sẽ đi theo hướng nào”. Nhân viên Twitter hoàn toàn mơ hồ về kế hoạch của ông chủ mới đối với công ty cũng như nguy cơ tỷ phú Musk sa thải người lao động.
Tiếp quản Twitter, Elon Musk còn bị nghi ngờ khả năng điều hành công ty cùng lúc. Bên cạnh vai trò CEO tại SpaceX và Tesla, Elon Musk hiện còn tham gia lãnh đạo ở 2 công ty khác là Boring và Neuralink. Sau khi thành công thâu tóm Twitter, tỷ phú Musk sẽ phải một lúc tham gia điều hành 5 công ty khủng.
Mặc dù Elon Musk đã chứng minh rằng ông có thể một lúc quản lý thành công 2 công ty Tesla và SpaceX, nhưng các cổ đông Tesla hiện có góc nhìn không mấy tích cực với thương vụ Twitter. Điều họ lo ngại là liệu khi Musk ôm đồm quá nhiều việc, ông có bị xao nhãng và “bỏ rơi” Tesla hay không?
Daniel Ives - nhà phân tích tại Wedbush - nhận định: "Ngoài lo ngại rằng Elon Musk sẽ bán cổ phiếu để chạy tiền cho thương vụ mua Twitter trong bối cảnh đà bán tháo cổ phiếu công nghệ vốn đã diễn ra trên phố Wall, nhà đầu tư còn lo ngại ông Musk sẽ dồn sức cho thử thách mới ở Twitter và chểnh mảng các công việc khác".
Các quyết định của Elon Musk còn khiến giá cổ phiếu Twitter trồi sụt. Ngay khi Elon Musk thông báo hoãn thỏa thuận vào cuối tháng 5, giá cổ phiếu của Twitter Inc giảm 17,7% xuống còn 37,1 USD, mức thấp nhất kể từ khi ông Musk hé lộ số cổ phần tại công ty này vào đầu tháng 4 và đưa ra lời đề nghị mua lại hấp dẫn sau đó. Hiện Twitter vẫn chưa phản hồi gì về động thái này.
Trước đó, thông tin Elon Musk đề nghị mua Twitter đã khiến giá cổ phiếu nhà sản xuất xe điện giảm 12,2% chỉ sau một đêm, làm bốc hơi 126 tỷ USD vốn hóa. Cổ phiếu của Tesla giảm 24% kể từ khi Elon Musk công bố nắm giữ lượng lớn cổ phần của Twitter vào đầu tháng 4. Điều này khiến khối tài sản của CEO Tesla đã giảm 8,4%, tương đương hơn 21,9 tỷ USD kể từ đạt thỏa thuận mua lại Twitter.
Ngày 11/7, cổ phiếu Twitter giảm khoảng 6% trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa trong bối cảnh ngày càng nhiều đồn đoán rằng mạng xã hội này và tỷ phú công nghệ Elon Musk chuẩn bị bước vào cuộc chiến pháp lý sau khi doanh nhân giàu nhất thế giới tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận mua lại mạng xã hội trị giá 44 tỷ USD.