Cuộc đua giữa hai người đàn ông giàu có nhất thế giới
Cuộc đua giữa hai tỷ phú hàng đầu thế giới, Elon Musk - người giàu nhất thế giới và Mukesh Ambani - người giàu nhất châu Á, đang trở nên gay cấn hơn khi họ chuẩn bị đối đầu trong thị trường băng thông rộng vệ tinh tại Ấn Độ.
Theo BBC, sau khi chính phủ Ấn Độ công bố rằng phổ tần vệ tinh sẽ được phân bổ hành chính thay vì thông qua đấu giá, cuộc cạnh tranh này càng nóng hơn.
Trước đây, Musk đã chỉ trích mô hình đấu giá mà Ambani ủng hộ. Dịch vụ băng thông rộng vệ tinh cho phép truy cập internet ở mọi nơi trong phạm vi phủ sóng, đặc biệt hữu ích tại các khu vực xa xôi hoặc nông thôn, nơi các dịch vụ truyền thống như DSL hoặc cáp không khả dụng. Điều này giúp thu hẹp khoảng cách kỹ thuật số khó tiếp cận.
Mặc dù dịch vụ vệ tinh thương mại chưa bắt đầu tại Ấn Độ và giá phổ tần vệ tinh vẫn chưa được công bố, theo ước tính của cơ quan xếp hạng tín nhiệm ICRA, số lượng thuê bao dịch vụ internet vệ tinh tại Ấn Độ có thể đạt 2 triệu vào năm 2025.
Thị trường này đang rất cạnh tranh với sự hiện diện của khoảng nửa tá doanh nghiệp lớn, trong đó dẫn đầu là Reliance Jio của ông Ambani. Sau khi đầu tư hàng tỷ USD vào các phiên đấu giá sóng để chiếm lĩnh thị trường viễn thông, Jio hiện hợp tác với SES Astra, một nhà khai thác vệ tinh hàng đầu tại Luxembourg.
Không giống Starlink của Elon Musk, sử dụng các vệ tinh quỹ đạo thấp (LEO) cách Trái Đất từ 160 đến 1.000 km để cung cấp dịch vụ nhanh hơn, SES của Ambani vận hành các vệ tinh quỹ đạo trung (MEO) ở độ cao lớn hơn, mang lại một hệ thống hiệu quả hơn về chi phí.
Starlink của Musk có 6.419 vệ tinh trong quỹ đạo và 4 triệu thuê bao trên 100 quốc gia. Musk đã lên kế hoạch triển khai dịch vụ tại Ấn Độ từ năm 2021, nhưng những rào cản pháp lý đã làm chậm quá trình. Nếu công ty của Musk tham gia thị trường Ấn Độ lần này, nó sẽ thúc đẩy nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài của Thủ tướng Narendra Modi.
Trong khi đấu giá phổ tần đã mang lại lợi nhuận cho chính phủ Ấn Độ trong quá khứ, họ bảo vệ quyết định phân bổ hành chính lần này, cho rằng điều đó phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Theo chuyên gia công nghệ Gareth Owen từ Counterpoint Research, việc đấu giá phổ tần vệ tinh có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tính khả thi tài chính của dự án. Ngược lại, phân bổ hành chính sẽ đảm bảo phổ tần được chia đều cho các doanh nghiệp "đủ điều kiện," cho phép Starlink tham gia cuộc đua.
Reliance Jio của Ambani lại cho rằng đấu giá là cần thiết để đảm bảo cạnh tranh công bằng, do pháp luật Ấn Độ chưa rõ ràng về cách thức cung cấp dịch vụ băng thông rộng vệ tinh trực tiếp đến người dùng.
Trong các thư gửi cơ quan quản lý viễn thông Ấn Độ vào tháng 10, Reliance đã nhiều lần yêu cầu tạo ra "sân chơi bình đẳng giữa các dịch vụ vệ tinh và truy cập mặt đất," nhấn mạnh rằng công nghệ vệ tinh đã tiên tiến đến mức không còn giới hạn trong các khu vực mà mạng lưới mặt đất không thể tiếp cận.
Trên nền tảng X, Elon Musk nhấn mạnh rằng phổ tần vệ tinh đã được Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) chỉ định là phổ tần dùng chung cho các vệ tinh. Khi Reuters đưa tin rằng Ambani đang vận động chính phủ xem xét lại quyết định, Musk đã đáp trả bằng việc đề nghị nói chuyện với Ambani để tìm hiểu liệu Starlink có thể cạnh tranh tại Ấn Độ hay không.
Chuyên gia Mahesh Uppal cho rằng sự phản đối của các doanh nghiệp Ấn Độ nhằm mục tiêu tăng chi phí cho các nhà đầu tư quốc tế. Điều này phản ánh nỗi lo rằng vệ tinh có thể trở nên cạnh tranh hơn trong tương lai, đe dọa sự thống trị của các doanh nghiệp viễn thông trong nước. Nhất là khi gần 40% dân số Ấn Độ - khoảng 1,4 tỷ người, vẫn chưa có truy cập internet, theo báo cáo của EY-Parthenon.
Nếu được định giá hợp lý, băng thông rộng vệ tinh có thể giúp thu hẹp khoảng cách này, đồng thời hỗ trợ cho mạng lưới kết nối internet vạn vật (IoT). Tuy nhiên, cuộc chiến về giá cả là điều không thể tránh khỏi. Starlink có thể gặp khó khăn khi chi phí dịch vụ của họ cao hơn gần 10 lần so với các nhà cung cấp lớn tại Ấn Độ, trong bối cảnh họ không có sự trợ cấp từ chính phủ.