Tích hợp năng lượng mặt trời với mạng lưới điện: Cơ hội đi liền thách thức
Bàn về cơ hội phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam, các học giả đều cho rằng, những ưu đãi được Việt Nam đưa ra từ năm 2017 đã thu hút nhiều dự án phát triển năng lượng mặt trời quy mô lớn và Việt Nam được dự đoán sẽ dẫn đầu xu hướng phát triển này ở khu vực Đông Nam Á.
“Việc thu thập năng lượng mặt trời, đặc biệt là qua các hệ thống quang điện đang bùng nổ tại Việt Nam và được trông đợi sẽ đạt tới những mức độ chưa từng thấy trong những năm tới”, PGS.TS Nguyễn Đức Lương, Phó Trưởng Khoa Kỹ thuật môi trường, Đại học Xây dựng nhận định.
Nói về các dự án điện mặt trời, PGS.TS Nguyễn Đức Lương cho rằng, bên cạnh những dự án lớn, việc lắp đặt các hệ thống trên những mái nhà nhỏ hơn vẫn đang thu hút sự quan tâm của người dân bởi chúng. Điều này không gây nên hiện tượng quá tải cho mạng lưới điện.
Ông Lương đưa ra ví dụ: Giả sử mỗi mái nhà được lắp đặt một trạm điện mặt trời công suất 01 kWp thì Hà Nội có khoảng 1 triệu mái nhà, ứng với 1 GW, lớn gấp chừng 1,5 lần công suất của Nhà máy thủy điện Yaly (720 MW). TPHCM có khoảng 1,5 triệu mái nhà, ứng với công suất 1,5 GW, xấp xỉ công suất của nhà máy thủy điện Hòa Bình (khoảng 1,6 GW).
Tuy nhiên, thách thức mà các học giả đưa ra tại Hội thảo là: Các dự án mới hoàn thành có thể dẫn tới sự quá tải cho mạng lưới điện, đặc biệt, tình trạng hoạt động dưới mức tối đa của quá trình lắp đặt các hệ thống PV có thể diễn ra.
Trong bối cảnh hiện nay, những giải pháp sáng tạo mới, không chỉ về kỹ thuật mà còn về kinh tế - xã hội cần được nghiên cứu và tìm tòi nhằm ứng phó với các vấn đề về môi trường, gia tăng dân số, mở rộng đô thị hoá và thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, các học giả khuyến nghị.