Tiền ủng hộ quỹ vắc-xin của doanh nghiệp không phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp
Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 41/2021/TT-BTC hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 Việt Nam.
Thông tư này hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 779/QĐ-TTg ngày 26/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Thông tư quy định rõ nguyên tắc hoạt động Quỹ, đó là: Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, sử dụng vốn đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả. Quỹ sử dụng con dấu, kinh phí và bộ máy của Kho bạc Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Về nguyên tắc quản lý tài chính Quỹ, Quỹ thực hiện thu, chi, kế toán, quyết toán, báo cáo và công khai tài chính của Quỹ theo hướng dẫn tại thông tư này. Quỹ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính của Quỹ của các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và Kiểm toán nhà nước theo quy định của pháp luật; giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng.
Quỹ được sử dụng vốn nhàn rỗi của Quỹ để gửi tại các ngân hàng thương mại nhằm mục đích bảo toàn và phát triển vốn cho Quỹ, nhưng phải đảm bảo an toàn. Sau khi Quỹ chấm dứt hoạt động và giải thể, số dư của Quỹ (nếu có) được nộp toàn bộ vào ngân sách trung ương để bổ sung nguồn lực mua vắc-xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng của Nhà nước.
Đáng chú ý, thông tư quy định rõ về xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện cho Quỹ. Theo đó, các tổ chức, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện cho Quỹ theo quy định tại Nghị định số 44/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Quyền hạn của Quỹ cũng được quy định cụ thể. Đó là: được vận động và tiếp nhận các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vắc-xin và các loại hình vật chất khác (không bao gồm vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị y tế hỗ trợ cho phòng chống dịch) cho Quỹ của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài. Quỹ được sử dụng các nguồn tài chính của Quỹ để tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân theo nội dung phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và đề nghị của Bộ Y tế.
Quỹ được mở tài khoản giao dịch tại Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại để tiếp nhận các khoản đóng góp, tài trợ, hỗ trợ bằng tiền của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Trước đó, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, hiện tại việc mua vaccine Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang giao Bộ Y tế làm cơ quan đầu mối, nên các địa phương không cần thành lập quỹ. Tuy nhiên các doanh nghiệp tại các địa phương có thể hỗ trợ chính quyền địa phương.
Bởi theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ, thì các địa phương cũng có trách nhiệm trong việc chia sẻ gánh nặng với ngân sách trung ương. Và các doanh nghiệp trên địa bàn có thể hỗ trợ chính quyền địa phương trong việc chia sẻ gánh nặng này. Họ có thể đóng góp trực tiếp cho ngân sách địa phương mà không nhất thiết phải thành lập quỹ.
Có một vấn đề mà nhiều người cùng quan tâm là nếu doanh nghiệp đóng góp vào Quỹ thì người lao động ở doanh nghiệp đó có được ưu tiên tiêm vaccine hay không? Giải đáp băn khoăn này, đại diện Vụ Ngân sách Nhà nước cho biết, việc mua vaccine hiện nay tập trung qua đầu mối là Bộ Y tế. Cơ quan này cũng được giao xác định rõ các nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm trong thời gian đầu. Sau đó, khi có lượng vaccine đủ lớn thì Bộ Y tế sẽ đề xuất mở rộng các nhóm đối tượng được ưu tiên này, trong đó người lao động ở các khu công nghiệp tập trung cũng nên thuộc nhóm được ưu tiên.
PV (t/h)