TikTok thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử ở Đông Nam Á, sẵn sàng đối đầu Shopee và Lazada

Doanh Chính (VietnamBiz) 17:20 | 21/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trong bối cảnh các thử nghiệm thương mại điện tử tại Anh không đạt hiệu quả, TikTok dường như đang từ bỏ các kế hoạch phát triển ở phương Tây để tập trung cho thị trường Đông Nam Á và bước đầu đã đạt được những thành công nhất định.

 

Ứng dụng xem video ngắn TikTok vừa kết thúc một loạt sự kiện mua sắm trực tuyến ở Đông Nam Á trong bối cảnh mạng xã hội này đang chuyển hướng sang các khu vực khác khi phương Tây gia tăng sự giám sát về mặt pháp lý. Điều này là hệ quả khi mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington trở nên căng thẳng, theo South China Morning Post.

Nền tảng thuộc sở hữu của kỳ lân lớn nhất thế giới ByteDance vừa tổ chức chiến dịch “8.8 Sale” tại Singapore, kết thúc vào tuần trước để kỷ niệm Ngày quốc khánh của quốc gia này. Đại diện của TikTok cho biết chiến dịch “đã tạo nền tảng vững chắc cho các chiến dịch khác trong tương lai ở Singapore”.

Chương trình khuyến mãi kéo dài một tuần của TikTok Shop, một tính năng được tích hợp vào ứng dụng TikTok nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch ngay cả khi người dùng đang xem video và livestream, diễn ra từ ngày 4 đến ngày 10/8. Phía đại diện TikTok không công bố số liệu chính xác về sự kiện này.

Thành công tương đối của việc thúc đẩy thương mại điện tử của TikTok ở châu Á, phần lớn là bản sao mô hình kinh doanh của họ ở Trung Quốc về việc tích hợp thương mại điện tử vào livestream và video ngắn, trái ngược hoàn toàn với một thử nghiệm tương tự ở Anh, nơi có sự khác biệt về văn hóa và các điều kiện thị trường.

  Các thương gia đang tích cực livestream bán hàng trên TikTok. (Ảnh: China Daily). 

Ở Singapore, tính năng phát trực tiếp và một loạt các giao dịch đặc biệt dường như đã có hiệu quả với TikTok. Mobot, thương hiệu xe đạp và xe tay ga lớn nhất Singapore, đã tổ chức đợt mua sắm trực tiếp hàng ngày trong suốt thời gian khuyến mãi, qua đó đạt doanh thu 97.500 USD, theo Bobby Lai, Giám đốc thương hiệu của công ty.

Một chiến dịch tương tự cũng đã được thực hiện ở Malaysia, với việc những người bán được tiếp cận nhiều hơn thông qua cơ sở người dùng lớn của TikTok tại quốc gia này. “Sama Sama! Ưu đãi hấp dẫn!”, một sự kiện diễn ra từ ngày 25/7 đến ngày 5/8, đã chứng kiến ​​GMV (tổng giá trị hàng hóa được bán) hàng ngày tăng 85% so với tuần trước, theo một thông báo của TikTok Shop trên tài khoản WeChat chính thức. Ngoài ra, GMV đối với các thương gia Trung Quốc bán cho người dùng TikTok Malaysia trong chiến dịch đã tăng 95%.

Chuỗi sự kiện này là nỗ lực quảng bá lớn đầu tiên của TikTok Shop kể từ khi mở rộng ra 5 quốc gia Đông Nam Á vào mùa xuân, bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Malaysia và Singapore. Trước đó, tính năng mua sắm trực tuyến lần đầu tiên được ra mắt tại Indonesia và Vương quốc Anh vào đầu năm ngoái.

Thị trường Đông Nam Á đã trở thành trọng tâm chính khi TikTok phải đối mặt với sự giám sát mới đối với các chính sách bảo mật dữ liệu cũng như gặp khó khăn với các chương trình bán lẻ ở những nền kinh tế lớn của phương Tây.

Mạng xã hội này đã từ bỏ kế hoạch mở rộng hoạt động bán lẻ trực tuyến tại Mỹ và các thị trường lớn ở châu Âu như Đức, Pháp và Ý, sau khi thử nghiệm tại Vương quốc Anh không đạt được mục tiêu, theo một báo cáo vào tháng trước của Financial Times. Vào tháng 6, TikTok cũng đối mặt với những rắc rối ở chi nhánh văn phòng London khi các nhân viên cáo buộc về khối lượng công việc quá mức và nhận xét của một Giám đốc điều hành nam về kỳ nghỉ thai sản.

Tuy nhiên, các hoạt động bán lẻ trực tuyến của TikTok Shop ở Vương quốc Anh dự kiến ​​sẽ vẫn được giữ. Trong một bài đăng trên WeChat vào tháng trước, TikTok Shop đã quảng cáo chiến dịch bán hàng của mình tại quốc gia này trong khoảng thời gian từ ngày 27/6 đến ngày 3/7.

TikTok đối đầu hai gã khổng lồ Shopee và Lazada

TikTok đang lên kế hoạch cho một chiến dịch khác ở Đông Nam Á, được gọi là “99”, diễn ra vào tháng 9; một chiến dịch cho sự kiện lớn “Ngày độc thân” vào tháng 11 và “Double 12” vào tháng 12. Các thương gia từ Trung Quốc có thể tham gia và được khuyên nên tuân theo văn hóa địa phương, chẳng hạn như đợi người tiêu dùng thanh toán sau khi họ nhận được bưu kiện, thay vì phải thanh toán đơn hàng trước, theo bài đăng của TikTok Shop trên WeChat.

  TikTok sẽ phải đối đầu với những ông lớn như Shopee và Lazada. (Ảnh: Tech in Asia). 

Tuy nhiên, TikTok đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Shopee và Lazada, hai nền tảng thương mại điện tử hàng đầu thị trường Đông Nam Á. Tại Malaysia, Shopee chiếm 71% thị phần về lượng truy cập trong quý III/2021, tiếp theo là Lazada với 18% và PGMall với 9%. Thị phần tại Thái Lan thuộc về Shopee là 57%, trong khi Lazada và Central Online lần lượt chiếm 35 và 2%, theo thống kê của tập đoàn thương mại điện tử iPrice Group.

Mike Seah, một thương gia trên TikTok, người thường xuyên tư vấn cho các đồng nghiệp trong ngành, cho biết mặc dù Shopee vẫn là nền tảng thương mại điện tử hàng đầu ở Đông Nam Á, nhưng sự cạnh tranh ở đó ngày càng khốc liệt hơn khi nguồn trợ cấp giảm và số lượng người bán tăng lên. Seah nói rằng TikTok là một nền tảng đi ngược lại xu hướng vì livestream "giúp hàng hóa đến tay người tiêu dùng ”, trái ngược với Shopee và Lazada, những doanh nghiệp “giúp người mua tìm kiếm hàng hóa”.

Là một công ty mới tham gia vào thị trường thương mại điện tử, TikTok hiện tính phí hoa hồng thấp nhất là 1%, so với khoảng 10% trên các nền tảng khác. “Các khoản ưu đãi của TikTok cho người bán và hỗ trợ người bán là những điều tích cực nhất. Chúng tôi chưa bao giờ nhận được sự hỗ trợ như vậy từ các nền tảng khác trước đây”, theo Giám đốc thương hiệu Bobby Lai của Mobot.