Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp

17:03 | 03/01/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) -Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) trong năm 2019 đã có gần 200.000 vụ vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại.

Thông tin này được ông Đàm Thanh Thế - Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 đưa ra tại họp báo chuyên đề thông tin kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020.

Theo ông Đàm Thanh Thế năm 2019 dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự điều hành của Ban chỉ đạo 389 quốc gia và sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cả nước đạt được một số kết quả tích cực.

Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp - ảnh 1
 Ông Đàm Thanh Thế - Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389. Ảnh DNVN/HuongLan.
Trong 11 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 196.830 vụ việc vi phạm (giảm 16% so với cùng kỳ năm 2018), thu nộp NSNN hơn 20.118 tỷ đồng (tăng gần 4% so với cùng kỳ), khởi tố 1883 vụ (tăng 30% so với cùng kỳ), 2231 đối tượng (tăng gần 35% so với cùng kỳ).
Ban chỉ đạo 389 đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chủ động nắm tình hình, nhận diện những vấn đề mới phát sinh. Đã kịp thời tham mưu cho cấp trên và ban hành nhiều kế hoạch, văn bản để chỉ đạo xử lý các vấn đề nóng, nổi cộm và đáp ứng cơ bản mục tiêu yêu cầu chương trình công tác năm 2019 đề ra.
Tuy nhiên, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn ra phức tạp, nhất là các địa bàn trong điểm. Trên tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, việc buôn bán vận chuyển một số mặt hàng như pháo nổ, đông dược, hàng hóa tiêu dùng còn phức tạp. Trong thị trường nội địa, tình trạng buôn lậu, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra khá phổ biến ở khắp các vùng miền, đặc biệt khu vực đô thị…
Cụ thể, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới các tỉnh như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang... đã được các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chốt chặn những khu vực đường mòn, lối mở và phía Trung Quốc đã xây dựng nhiều hàng rào biên giới kiên cố nên tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đã giảm hơn so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, việc buôn lậu, vận chuyển một số mặt hàng, ngành hàng còn diễn biến hết sức phức tạp như; Pháo nổ, khoáng sản, đông dược, hàng hóa tiêu dùng... Điển hình tại Lạng Sơn, lực lượng bộ đội Biên phòng chủ trì, phát hiện, bắt giữ gần 13 tấn pháo nổ vận chuyển trái phép qua biên giới để vào nội địa tiêu thụ.
Còn trên tuyến biên giới Miền Trung bao gồm các tỉnh như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng trị hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới gia tăng cả về số lượng cũng như tính chất vụ việc.
Trên tuyến biên giới Tây Nam Bộ địa bàn trọng đểm là các tỉnh như An Giang, Long An, Tây Ninh, Kiên Giang... các mặt hàng buôn lậu, vận chuyển trái phép chủ yếu là thuốc lá, đường cát, và các mặt hàng gia dụng đã qua sử dụng. Trên tuyến biển khu vực cảng Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, vùng biển Đông Bắc, Miền Trung và Tây Nam Bộ các mặt hàng buôn lậu, vận chuyển trái phép là xăng dầu, khoáng sản, các vụ vận chuyển trái phép động, thực vật nằm trong danh mục cấm như tê tê, vảy tê tê, ngà voi có chiều hướng gia tăng.
Tại các cảng hàng không, bưu điện quốc tế các mặt hàng buôn lậu, vận chuyển trái phép về việt nam như vàng, sản phẩm động vật hoang dã, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, thiết bị công nghệ, rượu ngoại, thuốc lá, xì gà…
Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp - ảnh 2
 Giám sát hàng hóa xuất khẩu tại cửa khẩu Ka Long, Quảng Ninh. Ảnh: Hoàng Hùng.
Do đó, trong năm 2020, Ban chỉ đạo 389 quốc gia sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nắm chắc tình hình, trên cơ sở đó nhận diện các vấn đề phức tạp để kịp thời tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng chiến lược, nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Cùng đó, tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, công tác truyền thông, phổ biến pháp luật; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; thanh kiểm tra; tham mưu hoàn thiện thể chế; xây dựng lực lượng…
Cũng trong khuôn khổ họp báo, liên quan đến kết quả cuối cùng xử lý Asanzo có nhiều dấu hiệu làm giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, lừa dối người tiêu dùng, ông Thế cho rằng: Vụ việc này Chính phủ rất kiên quyết, chỉ đạo các lực lượng chức năng làm đúng luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.
“Đến giờ phút này, các báo cáo cơ quan chức năng đã gửi đến Chính phủ và vụ việc đã được chuyển công an điều tra, nghiên cứu chứng cứ tài liệu, đảm bảo đúng pháp luật không bỏ lọt tội phạm và đảm bảo doanh nghiệp chân chính phát triển”, ông Thế nói.
Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 nhấn mạnh: “Chúng tôi đang chờ cơ quan công an xử lý, kết quả sẽ thông báo sau”.
Ngoài ra, về vụ việc của  Công ty TNHH Xe đạp Excel (ở Bình Dương) nhập linh kiện, thiết bị xe đạp điện Trung Quốc về lắp ráp rồi xuất sang Hoa Kỳ với danh nghĩa hàng Việt Nam, ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan cho biết, Tổng cục Hải quan đã trao đổi với các đơn vị liên quan thống nhất biện pháp xử lý đối với Công ty Excel là tịch thu toàn bộ phương tiện vi phạm, gồm các linh kiện nhập về để lắp ráp xe đạp, xe đạp điện và cả những xe đã được lắp ráp hoàn chỉnh đang chờ xuất khẩu, vẫn lưu trong kho.