Tòa án Mỹ lãi 16 triệu USD khi bán Bitcoin tang vật
Theo trang tin Toledo Blade, sau khi bán số Bitcoin là tang vật của một vụ lừa đảo, tòa án cấp quận tại Ohio đã thu về khoản tiền lớn.
Vào tháng 5/2019, Mark Alex Simon bị truy tố tội danh phát tán tài liệu giả mạo với mục đích lừa đảo và âm mưu rửa tiền. Người đàn ông này nhận tội, đồng ý giao nộp cho tòa án cấp quận đặt tại thành phố Toledo số Bitcoin trị giá 2.877.351 USD là tang vật của vụ án.
Sau 2 năm, giá trị Bitcoin trên thị trường tăng lên 6 lần, giúp nhà chức trách thu về 19.227.204 USD khi bán ra tang vật, chênh lệch hơn 16 triệu USD so với con số tại thời điểm tịch thu. Theo luật sư Bridget Brennan, đây là vụ việc có tang vật trị giá cao nhất trong lịch sử tòa án khu vực phía bắc Ohio.
Simon đã bị kết án 24 tháng tù giam vì âm mưu sản xuất, bán bằng lái xe và căn cước giả. Người đàn ông này không giao dịch trực tiếp với khách hàng. Những người có nhu cầu làm giấy tờ giả sẽ gửi ảnh và thông tin cá nhân cho Simon sau đó thanh toán bằng Bitcoin.
Khai tại tòa, Simon nói rằng việc bán ID giả mang lại cho ông ta cảm giác an toàn về tài chính.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào tòa án cũng gặp thuận lợi như vụ việc tại Toledo. Đầu năm nay, câu chuyện tương tự xảy ra ở Đức. Các công tố viên thu số Bitcoin trị giá 60 triệu USD của một kẻ lừa đảo nhưng không thể truy cập vào ví vì tên này từ chối cung cấp mật khẩu.
Với đặc tính giao dịch ẩn danh, từ lâu Bitcoin trở thành phương tiện thanh toán ưa chuộng của giới tội phạm. Đây cũng là lý do khiến nhà chức trách tại nhiều nước lo ngại và tìm cách giám sát hoạt động của loại tiền tệ kỹ thuật số này.
CNBC đưa tin, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (hay Ngân hàng Trung ương Trung Quốc) cho biết vừa triệu tập các tổ chức tín dụng lớn bao gồm Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc và Alipay - dịch vụ thanh toán di động do Ant Group công ty con của Alibaba điều hành, để yêu cầu không được cung cấp các dịch vụ liên quan đến tiền điện tử .
Yêu cầu này càng khẳng định thêm lập trường cứng rắn của Bắc Kinh đối với tiền điện tử. Năm 2017, chính phủ Trung Quốc đã cấm thứ gọi là "cung cấp tiền xu ban đầu" - một cách thức để phát hành tiền điện tử mã hóa mới và huy động tiền. Các nhà chức trách cũng đã kiểm soát các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động tiền điện tử như các sàn giao dịch tiền điện tử ở nước này.
Hồi tháng 5, Trung Quốc cấm các tổ chức tài chính và các công ty thanh toán cung cấp các dịch vụ liên quan đến giao dịch tiền điện tử
Theo Tài chính DN